Tham gia khóa tập huấn trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Cục Phòng, chống ma túy quốc tế và Thực thi luật pháp (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam, bà Deborah Feinstein - Trưởng ban Đặc trách nạn nhân đặc biệt và trợ lý cấp cao Văn phòng Công tố hạt Montgomery (tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ), người có kinh nghiệm 18 năm làm công tố, giám sát tội phạm tình dục và thể chất ở trẻ em, bạo lực gia đình, lạm dụng người dễ bị tổn thương, buôn người, bóc lột trẻ em - đã dành cho Báo Phụ Nữ TP.HCM cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Phải làm hết trách nhiệm để bảo vệ công lý
* Quá trình tiếp nhận điều tra và truy tố các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam thường chậm hoặc không thể buộc tội do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc gia đình chần chừ làm mất chứng cứ hoặc thậm chí không tố giác tội phạm. Xin bà cho biết kinh nghiệm về các vấn đề này?
Bà Deborah Feinstein: Đó là thực trạng ở nhiều nơi. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em ít khi được báo cáo đầy đủ. Qua khảo sát, ở Hoa Kỳ, cứ bốn trẻ thì có một em bị lạm dụng, nhưng con số các vụ việc được trình báo cho các cơ quan chức năng lại ít hơn nhiều. Theo tôi, phải tăng cường giáo dục cho cộng đồng về vấn đề này, hướng tới việc nâng cao nhận thức cho các gia đình, không nên e dè khi phải tố giác các vụ con em mình bị xâm hại, bởi đó là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ.
Tại Mỹ, từ 5 tuổi, tức là tuổi mới bắt đầu tới trường, trẻ được hướng dẫn để hiểu thế nào là những đụng chạm an toàn, những đụng chạm nào không an toàn đối với mình. Các cháu cũng được hướng dẫn những cách thức để biết có thể tin tưởng một người lớn và biết được người lớn đó đang có những hành vi xấu đối với trẻ hay không. Sau những chương trình hướng dẫn như vậy, chúng tôi nhận được các phản hồi về kết quả tích cực trong phòng, chống xâm hại trẻ em.
* Quá trình tiếp nhận, điều tra các vụ trẻ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam thường vướng ở khâu trưng cầu giám định pháp y, khiến trong nhiều trường hợp đã vuột mất “thời gian vàng” để thu thập chứng cứ (trên cơ thể trẻ, quần áo, hiện trường…). Rất ít vụ án xâm hại tình dục trẻ em thu thập được chứng cứ nên có những vụ không thể buộc tội hiếp dâm, giao cấu hoặc phải chuyển sang hành vi có mức độ nhẹ hơn, như “dâm ô với trẻ em”…
- Tôi rất chia sẻ vấn đề của quý vị. Việc thu thập chứng cứ thường khó, do nạn nhân có thể tắm, đánh răng, thay quần áo… Do vậy, chúng tôi thường có lực lượng phản ứng nhanh từ cơ quan điều tra. Khi nhận được thông tin tố giác, họ sẽ tiếp cận ngay nạn nhân, hiện trường, đồng thời phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế để làm các giám định pháp y. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải dễ dàng thu thập được chứng cứ, bởi việc tố cáo muộn cũng dẫn đến tình trạng hạn chế, khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Trong rất nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, rất khó để lấy được chứng cứ vật chất, tỷ lệ lấy được mẫu rất thấp.
* Bà có cách xử lý nào tốt nhất trong tình huống khó thu thập được chứng cứ?
- Đối với các vụ án khó lấy được các bằng chứng vật chất do tố giác muộn, chúng tôi dựa rất nhiều vào lời khai. Lời khai có thể của nạn nhân, của nghi phạm. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp cận để thu thập các thông tin từ nhà trường, giáo viên, bạn bè, những người thân, người liên quan đến vụ án… nhằm kiểm tra trong chuỗi thời gian trước, trong và sau khi vụ án xảy ra, liệu có những thay đổi gì về hành vi, biểu hiện gì về sức khỏe tâm thần của trẻ hoặc nghi phạm hay không, để xác định được những khả năng.
Riêng với nghi phạm, chúng tôi còn có những kỹ thuật điều tra, chẳng hạn như được phép áp dụng biện pháp ghi âm bí mật các cuộc điện thoại của nghi phạm với những người liên quan. Hoặc có trường hợp tổ chức để gia đình nạn nhân gọi điện cho nghi phạm nhằm khai thác thông tin. Chúng tôi còn có thể thu thập cả thư điện tử như email, SMS… để củng cố các bằng chứng. Có không ít vụ án không đủ các bằng chứng và không thể đi đến truy tố, nhưng chúng tôi không cảm thấy bị “áp lực”, bởi các công tố viên đã làm hết khả năng trong trách nhiệm, vai trò của mình. Điều chúng tôi đã làm luôn tốt nhất có thể, hết trách nhiệm trong bảo vệ công lý.
Tố cáo để tránh bị tái “xâm hại”
* Để tận dụng “thời gian vàng” thu thập chứng cứ trên cơ thể trẻ, người dân ở Mỹ có quyền tự “trưng cầu giám định pháp y” cho con em mình không, thưa bà?
- Họ có quyền đến trực tiếp cơ sở y tế, bệnh viện để đề nghị khám nghiệm pháp y cho người thân bị xâm hại. Nhưng xin nói rõ, có hai cách để giám định pháp y tại các cơ sở y tế. Một, khi vụ việc được trình báo, cảnh sát sẽ tiếp cận hiện trường, nếu có nạn nhân thì đưa ngay tới cơ sở y tế để giám định pháp y. Hai, khi gia đình, cha mẹ phát hiện con em bị xâm hại, có thể đưa cháu đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế kiểm tra và yêu cầu giám định pháp y. Tại đó, bác sĩ sẽ gọi ngay cho cảnh sát tới để cùng chứng kiến việc khám nghiệm.
* Phần lớn điều tra viên là nam, trong khi nạn nhân trẻ em thường là nữ. Khi phải trả lời đi trả lời lại câu hỏi thẩm vấn, các em thường sợ và cảm giác như chuyện bị xâm hại đang lặp lại. Bà có lời giải nào cho vấn đề này?
- Đây cũng là chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận khá nhiều trong khóa tập huấn cho 60 kiểm sát viên Việt Nam vừa qua tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Hoa Kỳ có các chuyên gia phỏng vấn pháp lý đối với nạn nhân là trẻ em. Chúng tôi trang bị cho lực lượng này những kỹ năng thẩm vấn đối với trẻ. Ngoài ra, chúng tôi còn thiết kế các bảng hỏi với các nội dung chú trọng việc phỏng vấn nạn nhân là trẻ em phải theo các bước diễn tiến tâm lý, đặc biệt, các cách thức để xây dựng mối liên hệ để từ đó xác định nội dung liên quan, tránh gây phiền hà cho nạn nhân. Chúng tôi cũng có các phòng thẩm vấn đặc biệt được thiết kế thân thiện để trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Nói chung, chúng tôi cố gắng giảm đến mức thấp nhất cảm giác khó chịu ở nạn nhân trong quá trình thẩm vấn.
* Thưa bà, chúng ta cần có những thay đổi căn bản nào để ngăn chặn và xử lý nạn xâm hại tình dục trẻ em?
- Một điểm quan trọng mà tôi vẫn muốn nhắc lại là, chúng ta không nên giấu giếm các vụ việc. Việc có con em bị xâm hại là một vấn đề khó nói, không ai muốn nhắc đến, không ai muốn tin rằng nó đã xảy ra. Nhưng nạn xâm hại trẻ em là một thực tế đang diễn ra. Vì thế, tố cáo tội phạm, đưa vụ việc ra trước công luận, bất luận chứng cứ, lời khai thế nào, theo tôi là cách duy nhất để ngăn chặn sự việc tái diễn. Ở Mỹ, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong công tác phòng ngừa nạn xâm hại tình dục trẻ em do việc thuyết phục các gia đình và nạn nhân đưa vụ việc ra ánh sáng không hề đơn giản. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cộng đồng về nguy cơ xâm hại đối với trẻ em.
* Xin cảm ơn bà.
Dạy trẻ biết “bật mí” khi người lớn dặn phải giữ bí mật
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Ryan Wechsler - Phó trưởng phòng về nạn nhân đặc biệt, Văn phòng Công tố hạt Montgomery (tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ) - tỏ ra quan tâm đến vấn đề thủ phạm trong các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam phần lớn là người quen biết, người thân, bà con trong gia đình khiến xu hướng không tố giác trở nên phổ biến, thêm nữa, trong quá trình “làm án”, gia đình các nạn nhân thường bị mua chuộc hoặc đe dọa, ảnh hưởng lớn đến kết quả của công tác điều tra.
Theo bà Ryan, cần giúp gia đình nạn nhân biết được hậu quả của việc này, bằng cách dẫn chứng cho họ thấy các vụ việc đã được xử lý, con số nạn nhân tìm được công lý, làm sao để họ cảm thấy an toàn khi lên tiếng tố giác tội phạm.
Trả lời câu hỏi “gia đình cần làm gì để bảo vệ con em mình”, bà Ryan cho biết, một trong những việc trọng tâm của bà và cộng sự là dạy cho trẻ về an toàn thân thể.
“Chúng tôi dạy các em rằng mỗi khi một người lớn dặn các em phải giữ bí mật điều gì đó, thì đó có thể là dấu hiệu của rắc rối. Các em cần hiểu rằng, các em không được giữ bí mật với cha mẹ hoặc người giám hộ. Chúng ta phải nhắc lại những điều này với các em thường xuyên để các em luôn cảnh giác” - bà nói. Các bậc phụ huynh cũng cần được hướng dẫn về các “hành vi dụ dỗ” của những kẻ có ý đồ xâm hại trẻ em, những kỹ thuật chúng có thể dùng để tiếp cận gia đình và làm thân với trẻ.
|
Quốc Ngọc (thực hiện)