Phòng, chống ung thư cổ tử cung: Sẻ chia niềm tin và kiến thức

24/01/2018 - 16:00

PNO - Ngày 22/1, Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức chương trình gặp gỡ với các bệnh nhân ung thư cổ tử cung - những nhân vật của loạt bài “Đừng bỏ cuộc” đã đăng trên báo Phụ Nữ, kể về quá trình dài chiến đấu với bệnh tật.

Trong chương trình, bác sĩ và các bệnh nhân ung thư đã trò chuyện thân mật, chia sẻ cùng nhau kiến thức liên quan đến việc phòng, chống ung thư cổ tử cung.

Câu chuyện của những người trong cuộc

12g, chị Phạm Thị Tuyết (SN 1972, ngụ đường Ngô Chí Quốc, P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức, TP.HCM) uống mấy viên thuốc giảm đau, hồ hởi lên tòa soạn Báo Phụ Nữ ở Q.3. Chị nói, đã lâu lắm rồi, hành trình của chị chỉ quanh quẩn trong tổ dân phố 19, khu phố 2, P. Bình Chiểu ra Bệnh viện Q. Thủ Đức.

Đây là chuyến đi xa nhất kể từ khi chị phát hiện bị ung thư cổ tử cung. Suốt buổi gặp, chị ngồi chăm chú lắng nghe chia sẻ của những người đồng cảnh. Giống như chị Tuyết, câu chuyện của chị Lương Thị Huynh (SN 1957, Q.12) là một quá trình chiến đấu với bệnh tật phải tính bằng thập niên. Tháng 11/2006, chị bị đau. Đến bệnh viện Gia Định thì bác sĩ ở đây nói chị bị ung thư cổ tử cung.

Chị được chuyển đến bệnh viện Ung bướu để điều trị. “Tôi từng nghĩ rằng, sẽ chết cho gia đình bớt khổ” - chị ngậm ngùi kể. Tuy nhiên, không đầu hàng, gia đình, con cái đã tạo niềm tin cho chị bằng rất nhiều phương thức. Tháng 9 vừa rồi, bác sĩ thông báo chị đã hoàn toàn chiến thắng căn bệnh 
ung thư. 

Phong, chong ung thu co tu cung: Se chia niem tin va kien thuc
Chị Hoài Thu xúc động kể lại câu chuyện của mình

Chị Phan Thị Hoài Thu (SN 1967, khu phố Nhị Đồng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng từng hụt hẫng, sụp đổ khi biết mình bị ung thư cổ tử cung. Chị kể: “Chỉ trong vòng hai ngày, tôi sụt mất 3kg. Tuy nhiên, sau đó tôi hiểu rằng, nếu không đối diện với bệnh tật để chiến đấu với nó, tôi sẽ chết không phải vì bệnh mà vì sự yếu đuối tinh thần”. 

Tự bảo vệ mình

Đi cùng với mẹ, chị Lan Anh, con gái của bà Lương Thị Huynh (Q.12, TP.HCM) cũng cho biết, từ căn bệnh của mẹ, chị quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cứ sáu tháng một lần chị đến bệnh viện kiểm tra. “Tuy nhiên, đa số chị em với tâm lý “khám sợ ra bệnh” nên ngại đến bệnh viện, đến khi biết mình có bệnh thì đã trễ. Tâm lý ngại đi khám phụ khoa cũng trở thành một rào cản trong việc phòng ngừa bệnh tật”, chị cho biết. 

Tham gia buổi gặp gỡ, PGS-TS-BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản Tp. HCM cho biết: “Vấn đề tinh thần bệnh nhân rất quan trọng, thuốc chỉ là một phần. Tinh thần tốt, người bệnh sẽ dễ dàng lướt qua bệnh tật”. Theo bà, niềm tin từ câu chuyện của những người trong cuộc đã truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người không may mắc bệnh.

Riêng chị Thu, cùng với sự động viên, đồng hành của gia đình, chị đã tiến hành điều trị. Hiện nay, sức khỏe hồi phục nhanh chóng giúp chị Thu trở lại với công việc, sinh hoạt một cách bình thường. Không dừng lại ở câu chuyện của mình, chị trở thành một tuyên truyền viên tích cực về phòng chống bệnh ung thư.

Chị Thu cho biết: “Khi phát hiện bệnh và chữa trị cho đến nay, cứ gặp người phụ nữ nào trong xóm, mình cũng bắt đi… khám bệnh. Mình muốn mọi người biết để đề phòng”. Còn với chị Tuyết, cả khoa Ung bướu bệnh viện Thủ Đức ai cũng biết. “Nếu không có chị là bệnh nhân buồn”, bởi những câu chuyện, tiếng cười của chị đã mang đến niềm vui, nghị lực cho nhiều bệnh nhân khác.

Những lời cảm ơn tận đáy lòng

12g ngày 22/1, hai tiếng đồng hồ trước khi chương trình bắt đầu, chúng tôi nhận cuộc gọi của anh Nguyễn Văn Hoan, chồng của bệnh nhân Nguyễn Thúy Phạn (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) báo tin không đến được cuộc gặp gỡ vì chị Phạn đã phải vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cấp cứu. Là khách mời ở xa nhất của chương trình, nên khi nhận lời tham gia cuộc gặp gỡ này, anh chị đã phải thu vén công việc. Thế nhưng cuối cùng, không đến được.

Khi nhận từ tay phóng viên chiếc phong bì 2.000.000đ là quà tặng của chương trình cho các bệnh nhân tham dự buổi giao lưu, cùng số tiền hỗ trợ chi phí đi lại, chị Thúy Phạn nghẹn ngào: “Tôi không biết làm gì để nói lên sự biết ơn của mình với chương trình”.

Cũng ngay trước giờ tổ chức chương trình chiều hôm ấy, chúng tôi nhận được lá thư viết tay nắn nót của chị Lan Anh: “Chương trình “Đừng bỏ cuộc” thật sự đã gieo một niềm tin để những bệnh nhân có thể cố gắng vực dậy chiến đấu cùng bệnh tật và để được sống tiếp. Em hy vọng rằng ngày càng có nhiều quỹ như chương trình để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn”.

Sau buổi gặp gỡ, trên đường về, chị Tuyết rất phấn chấn. Chị cho biết, đã xin số điện thoại của chị Hoài Thu để liên lạc, hỗ trợ nhau về tinh thần. Thêm nữa, nghe lời khuyên của bác sĩ, chị cũng nghiệm ra rằng, giờ đây điều quan trọng nhất với mình chính là giữ cho tinh thần lạc quan, tập thể dục thường xuyên.

“Mấy năm nay, hai má con không có tết, chỉ ru rú trong phòng trọ. Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài về tôi trong mục “Đừng bỏ cuộc”, tôi nhận được nhiều lời thăm hỏi. Chính quyền P. Bình Chiểu cũng hỗ trợ tôi hai đợt quà là gạo, mì gói, dầu ăn... chuẩn bị cho tết Mậu Tuất. Đợt này, tôi sẽ đưa út Hương ra đường, má con cùng dạo phố vui xuân” - chị Tuyết chia sẻ. 

Thu lê - Mẫn Nhi - Hạnh Chi

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung: Tầm soát sớm, phòng ngừa đúng tránh hệ lụy ung thư cổ tử cung!

Bên lề buổi gặp gỡ, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM, đã chia sẻ thêm cùng bạn đọc Báo Phụ nữ nhiều thông tin liên quan đến ung thư cổ tử cung (UTCTC).

* Xin PGS-TS-BS Vũ Thị Nhung chia sẻ với độc giả UTCTC là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của UTCTC ra sao?

- UTCTC là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polype, hoặc thâm nhiễm, dễ chảy máu. Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. UTCTC có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong. 

Không giống như các ung thư khác, UTCTC là ung thư biết được nguyên nhân gây bệnh, đó là do vi-rút HPV (Human Papillomavirus)  nguy cơ cao, còn gọi là vi-rút gây u nhú ở người. HPV là nguyên nhân chính gây ra 99.7% các trường hợp UTCTC. Trong đó, hai chủng HPV 16 và18 gây ra hơn 70% các trường hợp UTCTC.  

UTCTC ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì điển hình. Các triệu chứng mơ hồ có thể là ra máu, đau vùng bụng… không liên quan đến kỳ kinh và các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. 

* UTCTC ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của người phụ nữ như thế nào?

- Nếu UTCTC được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người phụ nữ, cả về tình dục và khả năng sinh con. Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị khó khăn hơn, thậm chí có thể gây tử vong.

* Thưa bác sĩ, vậy muốn phòng ngừa được UTCTC thì phụ nữ cần làm gì?

- Phòng ngừa UTCTC được chia làm nhiều cấp, trong đó có: 

Phòng ngừa cấp 1: hay phòng ngừa sơ cấp: tiêm vắc-xin phòng UTCTC.

Phòng ngừa cấp 2: sử dụng các phương pháp sàng lọc để phát hiện sớm UTCTC.

Đặc biệt là xét nghiệm HPV DNA để tìm nguyên nhân.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Kim Loan thực hiện 

Phong, chong ung thu co tu cung: Se chia niem tin va kien thuc

Nhiễm dai dẳng HPV (vi-rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong đó, HPV type 16 và 18 gây nên 70% trường hợp UTCTC. 

Có đến 4 trong 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm.

Để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo làm xét nghiệm HPV DNA như là xét nghiệm sàng lọc cơ bản ban đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. 
Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC của bạn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Mê Kông, Quốc tế Hạnh Phúc, Trung tâm Medic, Diag… để có phương pháp tầm soát tốt nhất.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI