Phòng, chống tham nhũng: Quan trọng là 'có làm hay không'

21/11/2018 - 06:32

PNO - Liệu sẽ có thêm nhiều câu trả lời của quan chức gây xôn xao dư luận kiểu “buôn chổi đót xây biệt thự”, “bán cây cảnh mua đồng hồ Rolex”?

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thực chất của vấn đề phòng, chống tham nhũng không nằm ở việc đưa hay không đưa phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc vào luật, mà quan trọng là những người nắm trọng trách xử lý tham nhũng có chịu làm và làm quyết liệt hay không.

“Bó tay” với tài sản bất minh?

Sáng 20/11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết và thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 452/465 đại biểu (ĐB) tán thành (chiếm 95,88%). Dù đạt được sự đồng thuận cao, nhưng luật này tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” khi chưa bổ sung quy định xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc.

Phong, chong tham nhung: Quan trong la 'co lam hay khong'
 

Trước đó, vào đầu kỳ họp thứ sáu, dự thảo luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến của ĐBQH. Phương án 1 là tòa án xem xét, quyết định đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được tính hợp lý về nguồn gốc; phương án 2 là chuyển sang cơ quan quản lý thuế để tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Tuy nhiên, tại phiên làm việc sáng 20/11, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các vị ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. 

Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Tổng thư ký QH gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị ĐBQH. Kết quả, có 209/456 ý kiến (43,09%) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến (32,16%) tán thành phương án thu thuế; 40 ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng cũ và 51 ĐB không nêu ý kiến hoặc có ý kiến khác. Do chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. 

Tại cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ sáu, đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đặt vấn đề, liệu rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua có thực sự hiệu quả và đổi mới khi chưa đưa vào luật phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, liệu sẽ có thêm nhiều câu trả lời của quan chức gây xôn xao dư luận kiểu “buôn chổi đót xây biệt thự”, “bán cây cảnh mua đồng hồ Rolex”?

Trả lời báo chí, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dù không bổ sung nội dung này, song trong luật hiện hành đã có quy định: nếu chứng minh được tài sản này do tham nhũng mà có thì sẽ thu hồi, hoặc nếu chứng minh được dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định về thuế. Luật lần này không hề coi nhẹ hay thiếu chế tài để xử lý tham nhũng, thậm chí còn có nhiều điểm mạnh mẽ hơn. “Nếu là đảng viên mà không kê khai được thì xử lý về mặt Đảng, Nhà nước; còn nếu là người ứng cử vào QH, hội đồng nhân dân… thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến” - ông Nguyễn Hạnh Phúc dẫn chứng.

Đưa ra tòa án, 10 năm cũng khó thu được 1 đồng?

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM bên hành lang QH, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) nói, trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến khá cực đoan khi cho rằng, hầu hết các ĐBQH đều tham nhũng nên có biểu hiện né tránh trong xử lý tài sản không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản bác lại quan điểm này và nhìn nhận một cách tỉnh táo. Theo ông, cần phải nhìn nhận vấn đề trên nền tảng khoa học thay vì cảm tính.

Ông phân tích, cả hai phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc được đưa ra đều nửa vời: “Nếu chuyển cho tòa thì chúng ta đang vô tình “hình sự hóa trá hình” các vụ việc dân sự. Đánh thuế cũng không ổn, bởi sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế”. Thậm chí, theo ông, nếu có đưa ra tòa án thì “10 năm cũng chưa chắc thu được 1 đồng”, bởi sẽ phải qua hàng loạt thủ tục như kiện ra tòa dân sự, lên phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm và những tranh chấp này rất khó để thi hành án. 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, pháp luật hiện hành đã có những quy định rất nghiêm, có đủ công cụ để xử lý mạnh mẽ, từ Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng cũ, Bộ luật Hình sự tới các quy định về xử lý cán bộ của Đảng. “Có lẽ vấn đề ở đây là làm hay không làm, những người đứng ra xử lý có quyết liệt và công tâm hay không. Nếu họ trở thành nhóm lợi ích với nhau thì không có một thứ luật nào có thể đứng vững được” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh. Do đó, ĐB này tán thành với việc tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (TP.Hà Nội) cũng cho rằng, Việt Nam đã có hành lang pháp lý với các tài sản chứng minh được là tài sản do tham ô, tham nhũng mà có, nhưng bất cập nhất hiện nay là ở khâu tổ chức thực hiện, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế, tỷ lệ các vụ việc tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý tội phạm đang rất thấp. “QH và các ĐBQH mong muốn có những điều luật thực sự mạnh mẽ hơn để xử lý triệt để hành vi tham ô, tham nhũng. Nhưng để đặt ra thảo luận, cân nhắc, xem xét một điều luật ban hành thì phải hợp hiến, tránh xung đột với các quy định khác. Đặc biệt, luật phải đi vào cuộc sống, vừa bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, vừa bảo vệ người dân” - ĐB Nguyễn Văn Chiến bày tỏ quan điểm. 

Bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Sau phiên làm việc sáng 20/11, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chính thức tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV. Kỳ họp kết thúc sớm hơn một ngày so với chương trình dự kiến ban đầu. Sau gần một tháng làm việc, kỳ họp này của QH hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã bầu Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Tại kỳ họp này, QH đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác, trong đó phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Đặc biệt, Chủ tịch QH đánh giá, kỳ họp này đã tiếp tục có những cải tiến, đổi mới chất lượng hoạt động của QH. Việc thảo luận, tranh luận và giải trình không ngừng được tăng cường, không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI