Phòng chống nạn buôn bán người mượn 'mác' hôn nhân

01/08/2017 - 16:09

PNO - Theo đại diện Công an TP.HCM, thời gian qua, tình trạng môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài trên địa bàn TP.HCM đã được kéo giảm đáng kể nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có mua bán người.

Ngày 28/7, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống buôn bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài” với sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, đại diện công an và Hội LHPN 13 tỉnh thành.

Phong chong nan buon ban nguoi muon 'mac' hon nhan
Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM đã phối hợp với Tổ chức Di dân Hàn Quốc tổ chức 15 khóa sơ cấp tiếng Hàn cho 2.274 cô dâu Việt

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM cho biết, từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2017, trung tâm đã tư vấn cho 1.023 trường hợp, đa phần là phụ nữ miền Tây Nam bộ có dự định kết hôn với người nước ngoài. Riêng năm 2016, trung tâm đã tổ chức thí điểm giới thiệu 12 trường hợp (hầu hết ở các tỉnh phía Nam) tiến tới kết hôn với người Hàn Quốc.

Quy trình giới thiệu rất chặt chẽ, đối tác phía Hàn Quốc đã được chứng thực là công ty hoạt động chuyên ngành, có uy tín. Hồ sơ lý lịch trích ngang của chú rể Hàn, cô dâu Việt đều được hai bên xác minh; các đối tượng phù hợp nhau sẽ được tiếp xúc trực tiếp dưới sự chứng kiến của đại diện trung tâm. Tính đến nay, 12 cô dâu Việt này đã có cuộc sống tốt, hòa nhập được với xã hội Hàn Quốc. 

Còn theo đại diện Công an TP.HCM, thời gian qua, tình trạng môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài trên địa bàn TP.HCM đã được kéo giảm đáng kể nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có mua bán người. TP.HCM không chỉ là địa bàn trung chuyển mà còn là nơi diễn ra nhiều cuộc xem mặt chọn vợ, gặp gỡ, tổ chức đám cưới.

Các đối tượng cầm đầu người Việt đã móc nối với các đối tượng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan tổ chức đưa các chú rể người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đến TP.HCM lưu trú, xem mặt, chọn vợ. 

Nạn nhân đa số là những cô gái ở các tỉnh miền Tây. Để cưới được một cô dâu, chủ rể phải trả cho các “trưởng đoàn” (người dắt mối cho chú rể) từ 6.000 - 10.000 USD tùy theo nước và “trưởng đoàn” sẽ phải trả cho các “chủ lò” (môi giới phía Việt Nam) từ 2.000 - 4.000 USD. Sau khi trừ các chi phí tổ chức đám cưới, lo cho chú rể, cô dâu đi du lịch, chủ lò hưởng lợi từ 400 - 600 USD.

Riêng các chú rể Trung Quốc, khi lấy vợ Việt Nam thì phải trả 200 triệu đồng cho đối tượng môi giới. Các đối tượng này đưa lại cho gia đình cô dâu khoảng 30 - 50 triệu đồng, đối tượng môi giới hưởng số tiền còn lại. Chính vì lợi nhuận “khủng” nên hoạt động môi giới trái phép vẫn diễn ra bất chấp quy định pháp luật. 

Tại hội thảo, hầu hết đại biểu cho rằng, kết hôn có yếu tố nước ngoài là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với luật pháp hiện hành, quyền kết hôn là quyền dân sự - một trong các quyền cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế công nhận và bảo vệ.

Luật pháp Việt Nam không có quy định nào hạn chế việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài. Do vậy, việc cần làm không phải là giảm số lượng phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài mà cần có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế, ngăn ngừa việc kết hôn không lành mạnh. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, hiện nay, cả nước có 17 trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó có 11 trung tâm tại các tỉnh phía Nam gồm: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Các trung tâm này đã tư vấn cho hơn 15.000 trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, giúp chị em thấy được những khó khăn, vướng mắc, rủi ro có thể gặp phải khi lấy chồng người nước ngoài để có sự cân nhắc trước khi quyết định. 

Đại tá Lê Văn Chương - Phó cục trưởng Cục Tham mưu, Bộ Công an - nhận định, ngoài việc tiếp tục hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, hôn nhân bất hợp pháp, các tỉnh thành cần đẩy mạnh công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, hướng nghiệp, đào tạo nghề, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn. 

Từ năm 2011 đến tháng 6/2017, cả nước đã xảy ra 2.748 vụ mua bán người có liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân, trong đó có 447 vụ mua bán người núp bóng hôn nhân. Riêng tại TP.HCM, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, đã phát hiện 265 vụ với 1.395 nạn nhân, trong đó 147 vụ có dấu hiệu buôn bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt, chọn vợ, kết hôn giả. 
Nguồn: Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an

Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI