Tại hội nghị chuyên đề về đấu tranh phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 31/8, nhiều ý kiến cho rằng các cấp Hội cần chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp với các đơn vị, cơ quan nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này.
Những con số đầy quan ngại
Theo thượng úy Nguyễn Thị Hồng Nhung thuộc Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, tội phạm mua bán người là loại tội phạm rất nguy hiểm, khó phát hiện; đặc biệt, tội phạm mua bán phụ nữ (PN), trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và đặc thù của tội phạm này là hoạt động xuyên quốc gia.
Theo thống kê của Cơ quan thường trực phòng chống tội phạm của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế, thế giới hiện có 17,5 triệu người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trên 20,9 triệu người đang bị cưỡng bức lao động, làm nô lệ. Ước tính mỗi năm, lợi nhuận từ việc mua bán người vào khoảng 32 tỷ USD; chính lợi nhuận khổng lồ này đã khiến nhiều đường dây mua bán người ngày càng mở rộng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.
Các nạn nhân bị bán qua các nước chủ yếu nhằm phục vụ mục đích lao động: đánh cá, sản xuất nông nghiệp, khai thác mỏ, giúp việc gia đình… hoặc bị cưỡng bức lao động nặng nhọc trong các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ. Họ bị xâm hại cả về thể chất, tinh thần, không được chăm sóc sức khỏe, không có ngày nghỉ, bị thu giữ giấy tờ tùy thân, giam giữ như tù nhân, bị cắt đứt liên hệ với bên ngoài…
Việt Nam được coi là điểm đến của hoạt động mua bán người nhằm phục vụ mục đích: mại dâm, bóc lột sức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể người. Các tổ chức này hoạt động tinh vi, có sự liên kết, móc nối với đối tượng nước ngoài. Từ năm 2010-2015, cả nước xảy ra 2.205 vụ mua bán người, với 3.342 đối tượng, lừa bán hơn 4.495 nạn nhân, xảy ra chủ yếu ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào.
|
Một bé gái được giải cứu từ Trung Quốc đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Hoàng Lam |
Với các nạn nhân là nam giới, thường là những thanh niên có sức khỏe, đang thất nghiệp bị dụ dỗ bằng lời hứa hẹn “giới thiệu việc làm, lương cao” nhưng bị ép lao động nặng nhọc. Với trẻ em gái vị thành niên, tội phạm lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo từ phía nhà trường, gia đình để tiếp cận, lôi kéo các em “đi du lịch, mua sắm, lao động lương cao” nhưng lại bắt phục vụ tình dục, đẻ thuê, lao động trái phép.
Đáng lo ngại hơn là các vụ mua bán bào thai, trẻ sơ sinh sang Trung Quốc; buôn bán nội tạng sang các bệnh viện nước ngoài… Nhiều nạn nhân sau đó đã bị mất sức lao động, bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hoặc thiệt mạng.
Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, tình trạng mua bán PN “núp bóng” dưới hình thức kết hôn với người nước ngoài đang hoạt động rầm rộ. Bằng con đường nhập cảnh du lịch, những người đàn ông nước ngoài cùng bọn cò mồi, mai mối hôn nhân trong nước thường tổ chức các buổi “xem mặt chọn vợ” tại các khách sạn, nhà nghỉ; dụ dỗ nhiều cô gái trẻ lấy chồng ngoại nhưng thực chất là bán cho nhà hàng hoạt động mại dâm.
Chủ động phòng ngừa
Chị Nguyễn Phương Lan, cán bộ Hội LHPN Q.3 cho biết: “Các thông tin mà buổi tọ a đàm chia sẻ rất cần thiết và bổ ích. Chắc chắn tôi sẽ truyền đạt đến mọi người xung quanh để họ cảnh giác. Việc phòng chống mua bán người, chống tệ nạn mại dâm là việc khó, Hội phải có giải pháp dài lâu”.
Còn chị Huỳnh Thị Năm, Phó chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh băn khoăn: “Tôi nghĩ Hội cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin kịp thời đến hội viên, PN tại cộng đồng, đặc biệt là các quận ven và huyện ngoại thành bởi tội phạm mua bán người thường nhắm vào các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ hội, Hội PN huyện sẽ lồng ghép nội dung này cho chị em để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm mua bán người”.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong sáu tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 148 vụ mua bán PN ra nước ngoài; nạn nhân chủ yếu là các cô gái đang trong độ tuổi kết hôn, sống tại vùng nông thôn nghèo, không có việc làm, trình độ nhận thức hạn chế, hoặc chị em có lối sống thực dụng, lười lao động, muốn đổi đời…
Để “hợp thức hóa” hoạt động mua bán người, bọn tội phạm đã tổ chức cho các cô gái kết hôn tại nước ngoài bằng con đường du lịch, sau đó mới quay về Việt Nam nộp hồ sơ xin di trú kết hôn; điều này đã khiến cho cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện, triệt phá đường dây buôn bán người.
Bà Trần Thị Như Phương, Trưởng ban Chính sách luật pháp, Hội LHPN TP.HCM yêu cầu các cấp Hội quan tâm, thực hiện các vấn đề sau:
Nhấn mạnh với người thân về hậu quả, tác hại của việc mua bán người; giáo dục tình yêu thương, tạo sợi dây liên kết với các thành viên trong gia đình; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong gia đình; ngăn ngừa bạo lực gia đình, bạo lực học đường; không để trẻ em thiếu tình thương của gia đình, bỏ học, lao động sớm; Hỗ trợ PN làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Kế đến là quan tâm, trợ giúp các đối tượng bị mua bán trở về; cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ. Các cán bộ Hội cần thường xuyên nhắc nhở mỗi gia đình nêu cao tinh thần cảnh giác với người lạ có ý tiếp cận người thân. Mỗi cá nhân cần xây dựng lối sống lành mạnh, có hiểu biết, không sa vào các tệ nạn xã hội; tìm hiểu kỹ nơi sẽ đến, người môi giới... trước khi có ý định đi làm ăn xa; thông báo với người thân, bạn bè, chính quyền địa phương trước khi xuất cảnh về địa chỉ nơi đến, cách liên hệ…
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây môi giới mua bán người, phải nhanh chóng thông báo cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tại địa phương.
Việt Phương