Phòng chống “giặc nội xâm” quyết liệt, bài bản, hiệu quả

03/07/2022 - 06:29

PNO - Chưa bao giờ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản và hiệu quả như trong thời gian gần đây.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi - ẢNH: N.Y
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi - Ảnh: N.Y

Ví tham nhũng là “giặc nội xâm”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, chưa bao giờ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản và hiệu quả như trong thời gian gần đây. 

Những dấu ấn nổi bật 

Sáng 30/6, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết mười năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong mười năm trở lại đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị), công tác đấu tranh PCTN ngày càng có bước tiến mạnh, đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả: “Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết mười năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết, trong mười năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên tham nhũng. Ngoài ra, còn có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương Đảng quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật. 

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, tồn tại: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị là khâu yếu; tham nhũng ở một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội…

Tham nhũng nhất định bị ngăn chặn, đẩy lùi 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều bài học từ thực tiễn PCTN. Ông nhấn mạnh, tham nhũng là “giặc nội xâm”; PCTN là phòng, chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức hoặc nhận tiền tài, của cải, vật chất do người khác biếu xén, cho, tặng, hối lộ với động cơ không trong sáng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. 

Công tác PCTN, tiêu cực phải gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng: tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm; xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế, xã hội và PCTN, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở về pháp luật để không thể tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực.

“Chúng ta tin tưởng rằng, công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. 

 

Phòng chống tham nhũng đã chuyển sang bước ngoặt mới

Từ năm 1986 đến nay, Đảng đã có 11 nghị quyết về PCTN và đã có những kết quả nhất định. Đặc biệt, tôi cho rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là bước ngoặt trong PCTN. Sau Đại hội XII, Đảng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất là kiên quyết đẩy lùi tham nhũng với tinh thần triệt để, không có vùng cấm. Cách tổ chức chống tham nhũng cũng khác. Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng chí Tổng bí thư Trung ương Đảng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. 

Trong hơn bốn năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta đã xử 113 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, hàng chục bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, tướng lĩnh công an, quân đội. Đến nhiệm kỳ XIII, cuộc đấu tranh PCTN tiếp tục được đẩy lên một cao trào mới với biện pháp quyết liệt hơn. 

Sau đại hội, Bộ Chính trị và Ban bí thư Trung ương Đảng nhận thấy, song song với chống, cần phải đặc biệt quan tâm phòng ngừa tham nhũng. Việc thêm nhiệm vụ chống tiêu cực chính là nhấn mạnh vấn đề phòng ngừa tham nhũng, bởi một vụ việc tham nhũng không thể xảy ra sau một đêm hay một tuần mà phải có quá trình tha hóa kéo dài của những kẻ tham nhũng.

Ở Đại hội XIII, công tác PCTN có rất nhiều điểm mới: PCTN là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Đại hội XIII còn đưa ra hàng loạt biện pháp cụ thể mà tôi cho rằng rất hay. Ví dụ như việc cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đánh giá, dân hưởng thụ; người dân tham gia giám sát việc thực hiện của các cơ quan, cán bộ, đảng viên. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an

Minh Tuệ (ghi)

Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm và làm đúng

Việc phát hiện những sai phạm trong cơn đại dịch khốc liệt vừa qua, điển hình như vụ Việt Á, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, công tác PCTN, tiêu cực không có giới hạn lẫn thời hạn và không thể dùng công lao để lấp liếm sai phạm.

Cũng có ý kiến cho rằng, những “đại án” đã tác động đến tâm lý của một bộ phận cán bộ khiến họ sợ làm sai trong tham mưu, trong tổ chức thực hiện. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ thì phải biết làm và làm cho đúng. Mọi việc đều bàn trong tập thể và công khai, minh bạch và dùng sản phẩm cụ thể để đánh giá thì sẽ biết được ai là cán bộ thực sự năng động, sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng nhận trách nhiệm.

Ông Lương Văn Nhiền - Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cán bộ phải không ngừng hoàn thiện bản thân

Qua các vụ việc có sự chỉ đạo xử lý của Tổng bí thư kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về công tác PCTN, tiêu cực, tôi rất tâm đắc trước sự “tới nơi tới chốn” của công tác điều tra, xử lý sai phạm. 

Bản thân cán bộ, đảng viên của TPHCM luôn muốn cống hiến nhưng thời gian qua, đâu đó cũng có tâm lý e ngại, chọn cách làm theo nếp cũ cho an toàn, tránh đổi mới để tránh rủi ro vì không biết sẽ sai khi nào, từ đâu. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là rất hay, góp phần xóa bỏ tâm lý bất an này và tạo động lực cho cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, muốn triển khai, cần có hướng dẫn cụ thể từ cấp Trung ương, từ đó tùy đặc thù của từng địa phương mà ban hành kế hoạch phù hợp. 

Ông Nguyễn Đoàn Lộc - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng TPHCM

Tam Bình (ghi)

Minh Quang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI