Phòng, chống chứng nghiện… cái giường

31/07/2021 - 09:38

PNO - Hạn chế bàn luận quá tiêu cực, suy diễn về các thông tin liên quan đến dịch bệnh khi bản thân chưa tìm hiểu kỹ, từ đó bàn luận cùng con để phát triển tư duy phản biện, phê phán và phân tích...

Mùa hè năm nay khác thường với trẻ em và cả phụ huynh với bao nhiêu thách thức. Cha mẹ cần làm gì để giúp con, giúp chính mình vượt qua những ngày nhàm chán, căng thẳng?

Các nội dung xoay quanh chủ đề “Mùa hè thời COVID” đã được thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ cùng bạn đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM. 

Phụ huynh không phải là… siêu nhân

Phóng viên: Anh có nghe phụ huynh chia sẻ về những thử thách họ gặp trong mùa hè thời COVID? Đó là những thử thách gì?

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân: Làm công tác hỗ trợ tâm lý, giáo dục con cái xuyên suốt các đợt dịch bệnh này, tôi nhận thấy bên cạnh những lo toan về đời sống kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần, không ít phụ huynh “nhức đầu, chóng mặt” khi bị “quây” bởi con cái, chuyện bếp núc, nhà cửa…

Ngày thường, con đến trường, ba mẹ đi làm hoặc nội trợ, ngày dịch một tay lo tất cả từ ăn uống, ngủ nghỉ, dạy dỗ và trông coi con cái, chăm sóc các thành viên còn lại. Bởi thế, nhiều phụ huynh nhận ra “mình không phải là siêu nhân; không phải cái gì cũng làm được...”.

Đơn cử như việc dạy học cho con ở nhà, trang bị kỹ năng sống và tâm sự cùng con khi con có nhu cầu... việc nào cũng khó, thậm chí đòi hỏi chuyên môn ít nhiều. Một số bậc làm cha mẹ tâm tư, đôi lúc đối diện với con, bản thân “bó tay hoặc bất lực”. 

* Theo anh, lứa tuổi nào trẻ khó dạy bảo, khiến phụ huynh bị “hành” nhiều nhất?

- Tất nhiên, việc được ở cạnh con, cùng con vui đùa, lớn lên sẽ để lại nhiều kỷ niệm đẹp, gia tăng tình cảm gia đình, phát triển cảm xúc của các thành viên nhưng cũng không kém phần mệt mỏi về sức lực và “lao tâm, khổ tứ” vì ba mẹ không thể “biết tuốt, giỏi tuốt”. 

Nếu phải điểm danh “độ khó dạy, khó bảo” và “hành” phụ huynh thì tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở sẽ tùy gia đình mà tranh hạng nhất, nhì, ba. 

Theo tiến trình phát triển tâm lý thông thường thì trẻ mầm non cần nhiều “sức chơi, sức chịu” hơn của phụ huynh, vì trẻ ở giai đoạn khám phá thế giới và trưởng thành thông qua việc vui chơi. 

Trẻ tiểu học tò mò, ham hiểu biết, khám phá và thường đặt những câu hỏi “trí tuệ trẻ thơ” khiến không ít bố mẹ bị 
làm khó. 

Tuổi trung học cơ sở, trẻ sẽ muốn thể hiện tính “người lớn”, độc lập, muốn khẳng định lập trường, chính kiến và đòi hỏi phụ huynh “nghiêng mình xuống” để lắng nghe mình bằng tất cả sự ghi nhận, tôn trọng... Tuổi này dễ cãi vã, mâu thuẫn, xung đột với ba mẹ trên rất nhiều phương diện.

Nghiện… cái giường!

* Trẻ ở nhà quá lâu, với những tiếp xúc quen thuộc lặp lại, sẽ có nguy cơ nghiện món gì?

- Nghiện game, điện thoại, internet, nghiện ăn, nghiện “chiếc giường” và cảm giác “được lười biếng” - là những nguy cơ dễ thấy nhất khi trẻ ở nhà quá lâu.

Con đường dẫn đến nghiện game, điện thoại hay internet và nghiện ăn thì truyền thông đã “điểm mặt, đặt tên” từ rất lâu rồi. Nhưng nghiện “chiếc giường” như ngủ nướng, ăn trên giường, vận động, đọc sách, xem ti vi trên giường không hiếm thấy. 

Khát khao cảm giác “được lười biếng” cũng vậy, trẻ ít vận động hơn, ít tiếp xúc sách vở nên lười động não, lười tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề, cái gì cũng cậy có ba, mẹ nên nhờ vả và hỏi luôn cho nhanh. 

* Có rất nhiều khó khăn trong thời đại ngày nay trong quan điểm cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Anh có lời khuyên nào trong việc này?

- Phụ huynh phải biết đặt ra giới hạn, biết “coi điện thoại cùng con”. Và rất không nên giao khoán chiếc điện thoại cho trẻ và để “con cứ tự nhiên”.

Quan điểm trái chiều là do chúng ta không nhìn cùng một hướng, không quan sát và nhận định đa diện trong cùng một vấn đề đang tiếp cận. Để giúp con sử dụng hiệu quả, phụ huynh cần:

+ Xác định rõ mục tiêu cho con dùng điện thoại: học tập, giao lưu bạn bè, giải trí.

+ Giới hạn thời gian dùng: Bao nhiêu phút/ngày, mỗi độ tuổi mỗi khác.

+ Giới hạn quyền sở hữu/quyền hạn: Người nào được dùng cùng điện thoại, ai có thể kiểm tra điện thoại của trẻ, giờ đi ngủ phải để điện thoại ở đâu, ai giữ...

+ Dạy con cách dùng để cân bằng việc học tập và giải trí, tránh lạm dụng hoặc sa lầy vào những thứ có thể gây nghiện.

* Như anh vừa nói, ở nhà những ngày hè COVID, trẻ khá tự do trong khi phụ huynh không thể quản hết được mọi khung thời gian, dẫn tới những lơ là, vậy làm sao để trẻ tự giác ôn bài?

- Để trẻ tự giác ôn bài, cần lập ra thời gian biểu rõ ràng, cân bằng thời gian học và chơi, chỉ ra trách nhiệm ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục ý thức cầu tiến, tạo động lực bằng những lời động viên, an ủi thực tế.

Và cùng trẻ phân tích viễn cảnh sẽ thế nào nếu con đến trường và trong đầu “trống rỗng”. Cuối cùng, hãy biến giờ học của con thành giờ thi đua, thử thách và khám phá, thay vì trả bài, làm nhiệm vụ nặng nề.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Lưu Đình Long (thực hiện)

Phụ huynh cần làm gì?

+ Đảm bảo sự an toàn, khỏe mạnh về thể chất, dinh dưỡng cho con.

+ Gia tăng vận động, tập luyện thể thao tại nhà để tăng cường miễn dịch

+ An ủi, động viên tâm lý cho trẻ bằng cách thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện và quan tâm đến cảm xúc, hành vi bất thường của trẻ.

+ Người lớn cũng cần giữ sự lành mạnh, ổn định tâm lý, thể chất để làm gương và làm bệ đỡ cho trẻ học hỏi, noi theo.

+ Hạn chế bàn luận quá tiêu cực, suy diễn về các thông tin liên quan đến dịch bệnh khi bản thân chưa tìm hiểu kỹ, từ đó bàn luận cùng con để phát triển tư duy phản biện, phê phán và phân tích...

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI