Phòng chống cháy nổ ở TP.HCM: Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ

07/06/2013 - 11:07

PNO - PN - Những vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản vừa qua ở Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa cảnh tỉnh ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân.

Tại chợ Bình Tây (Q.6), ngay trước cổng chợ, một khẩu hiệu phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoành tráng “Quyết tâm thực hiện tốt công tác PCCC” được giăng ngang cổng chính, bên cạnh đó là những biển cảnh báo cấm hút thuốc.

Thế nhưng, khi bước vào bên trong chợ, khách mua cảm thấy ngột ngạt, chật chội bởi những dãy hàng vải, quần áo, giày dép do các tiểu thương trưng bày ở ngay lối đi. Riêng các thiết bị PCCC ngay trước cửa phòng thông tin của Ban quản lý chợ bị “vùi lấp” bởi các loại quần áo được treo mắc lộn xộn, còn tủ đựng vòi nước để chữa cháy thì đang trong tình trạng... khóa. Điều đáng nói, ngay lối cầu thang thoát hiểm nằm bên phải cổng chính dẫn lên tầng một của chợ này, Ban quản lý chợ đã cho bố trí các bình chữa cháy, nhưng những thiết bị này đều bị hàng đống quần áo che lấp.

Tại chợ Kim Biên (Q.5), việc phòng cháy cũng chỉ thực hiện nghiêm chỉnh ở khu vực chính của chợ. Bên hông trái nhà lồng chợ, nhiều hàng hóa lấn chiếm lối đi, dây điện mắc như mạng nhện, rất dễ xảy ra chập điện, cháy nổ.

Phong chong chay no o TP.HCM: Nhin dau cung thay nguy co

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.1) được cảnh báo là nơi có nguy cơ cao về cháy nổ do xuống cấp trầm trọng.

Tại chợ đêm Bến Thành (Q.1), tình trạng câu móc điện để chiếu sáng cho hàng loạt gian hàng ăn uống, quần áo… cũng gây lo lắng cho khách. Hầu hết quán ăn phục vụ các món hải sản, nướng ngay tại chỗ với dây điện được câu móc, trong điều kiện không có thiết bị PCCC tại chỗ nên rất nguy hiểm.

Các chung cư cũ tại TP.HCM cũng đang tiềm ẩn nguy cơ “bà hỏa” viếng thăm. Tại lô C của cư xá Bình Thới (Q.11), các cầu thang dẫn lên các tầng trên đều bị các hộ dân chiếm dụng làm chỗ để xe. Nhiều nơi, xe để chắn ngay lối thoát hiểm. Tại đây không có thiết bị PCCC. Bảng nội quy PCCC cũng chẳng thấy đâu. Tại chung cư Cây Mai (P.16, Q.5) có hai lối đi vào thì lối đi phía sau đã bị “bịt kín” bởi những dãy xe máy xếp hàng dài từ đầu đến cuối chung cư. Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5) đã xuống cấp từ lâu, các vụ chập điện xảy ra như cơm bữa nhưng may mắn được dập tắt.

Tình trạng thiếu lối thoát hiểm, thiếu ánh sáng hành lang, hệ thống dây điện sinh hoạt được giăng mắc, nối dính chùm, không có lực lượng PCCC tại chỗ, không có thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy quá hạn… còn phổ biến ở hàng loạt chung cư cũ khác trên địa bàn TP, như: chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Ấn Quang (Q.10), chung cư Lý Chiêu Hoàng (Q.Bình Tân), chung cư Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp)… Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo, dù đang mùa mưa nhưng người dân không nên chủ quan. Thống kê nhiều năm tại TP.HCM cho thấy, số vụ cháy vào mùa mưa có thể ít hơn mùa khô, nhưng thiệt hại về người và tài sản thường cao hơn rất nhiều.

QUỐC QUANG - HOÀI AN 

Toàn thành phố có 514 cửa hàng xăng dầu, tập trung nhiều ở các quận huyện Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi. Trong đó có 20 cửa hàng do quân đội quản lý. Hiện còn 242 cửa hàng vi phạm lỗi không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Với đặc thù nhiều trạm xăng dầu được xây dựng trước năm 1975 và trước khi quy chế PCCC được ban hành nên UBND TP.HCM đã cho phép các điểm kinh doanh này tồn tại nhưng phải bổ sung các quy định PCCC để đảm bảo an toàn. Hiện Sở Cảnh sát PCCC phải thường xuyên kiếm tra tại những cửa hàng này mỗi tháng một lần.

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, từ năm 2006 đến nay, toàn thành phố xảy ra năm vụ cháy cửa hàng xăng dầu, hai vụ do chập điện tại trụ bơm xăng, hai vụ do tràn xăng từ xe bồn khi bơm nhiên liệu vào kho xăng dầu, vụ còn lại do hơi xăng dầu bốc cao gặp sức nóng của đèn cao áp nên gây cháy. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 72 cửa hàng, đại lý xăng dầu vẫn còn sáu cửa hàng có nhân viên bán hàng không có chứng nhận tập huấn phòng cháy chữa cháy.

Đại tá Trần Thanh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI