Phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em đồng giới

19/08/2024 - 20:29

PNO - Chiều 19/8. Hội LHPN quận 11 phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo về công tác phòng chống bạo lực gia đình... Hội thảo nhấn mạnh, trẻ em và thanh thiếu niên, người đồng tính, song tính… là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần từ áp lực của cha mẹ đặt lên con cái.

Hội thảo được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, Hội LHPN quận 11, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save the Children) phối hợp tổ chức vào chiều ngày 19/8.

Hội thảo “Giới và vấn đề Bình đẳng giới liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em và thanh thiếu niên”
Hội thảo “Giới và vấn đề Bình đẳng giới liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em và thanh thiếu niên”

Tham gia chương trình, tiến sĩ Nguyễn Hiệp Trí - Phó Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - chia sẻ: “Quan điểm đàn ông là trụ cột, phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình… ít nhiều đã dẫn đến khuôn mẫu ràng buộc hành vi, hành động, suy nghĩ của 2 giới, dẫn đến định kiến giới, phân biệt đối xử và có thể dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới”.

Ông Trí cũng cho rằng: “Trẻ em và thanh thiếu niên, người đồng tính, song tính… là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần từ áp lực của cha mẹ đặt lên con cái. Chính vì vậy, cha mẹ phải người hiểu, chia sẻ và có cách ứng xử cho phù hợp, tránh gây tổn thương cho trẻ”.

Đồng cảm và chia sẻ với quan điểm trên, ông Nguyễn Quý Thắng - phụ huynh có con thuộc nhóm giới tính LGBT, thành viên Câu lạc bộ PFLAG tâm sự: “Khi nghe con tôi chia sẻ về giới tính thật, tôi đã rất sốc. Tôi không chấp nhận và từ mặt con. Tuy nhiên, tôi thấy mình may mắn khi đã kịp hiểu để có thể đồng hành, yêu thương, động viên con. Dù nói là vậy, nhưng đó là một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Trong thâm tâm tôi lúc đó vẫn chưa chấp nhận được, rất buồn, hụt hẫng. Mất khoảng 4 năm, đến lúc con đủ lớn, trưởng thành, tôi mới nguôi ngoai, nhẹ nhàng chấp nhận giới tính của con”.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Nguyễn Lữ Gia - Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em SCI - cho biết: “Thực tế, nhóm trẻ này cũng dễ bị bạo lực. Trong nỗ lực bảo vệ nhóm trẻ em này, chúng tôi quan tâm điểm xuất phát chính từ ngay trong gia đình. Nhằm giảm bớt sự kỳ thị và nâng cao trách nhiệm của xã hội với công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hiện tại chúng tôi đang triển khai thực hiện dự án “Tiếng nói cầu vồng”, thúc đẩy quyền cho nhóm trẻ em đặc biệt, nhóm trẻ đa dạng giới”.

Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Trí chia sẻ tại hội nghị
Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Trí chia sẻ tại hội nghị

Trước thực trạng vừa nêu, ông Nguyễn Hồng Thái - cán bộ công chức Văn hóa Thông tin UBND phường 6, quận 11 - chia sẻ: “Để phòng ngừa được các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bạo bạo lực trên cơ sở, cần nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu, phát huy tuyên truyền trên không gian số, nền tảng mạng xã hội…”.

Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình, cho rằng cần phát huy vai trò của các ngành, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức giới; các tiêu chí về xây dựng gia đình hạnh phúc; phát huy hiệu quả CLB xây dựng gia đình hạnh phúc; kịp thời phát hiện, bảo vệ và tư vấn tâm lý cho nạn nhân bị bạo lực…

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN quận 11 - nhận định: “Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của riêng một gia đình mà là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Phòng chống bạo lực gia đình là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng. Ở góc độ Hội LHPN, chúng tôi tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao các kiến thức pháp luật thông nhiều mô hình, cách làm như: Tổ chức phiên tòa giả định, Ngày phụ nữ pháp luật, các hoạt động của tổ tư vấn cộng đồng, quan tâm tới công tác truyền thông, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội… để hạn chế sự ảnh hưởng của bạo lực gia đình”.

Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI