LST: Sau 5 kỳ báo, chúng tôi đã chỉ ra hơn 20 điều, khoản trong cả 6 chương và 46 điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tất cả những góp ý này, Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến Quốc hội nhằm xem xét, bổ sung, hoàn thiện luật để hành lang pháp lý bảo vệ “giềng mối gia đình” này thật sự hiệu quả.
Bàn tròn “Phòng, chống bạo lực gia đình: 10 năm loay hoay” xin khép lại từ số báo này. Qua đây, Báo Phụ Nữ TP.HCM xin cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình, quý báu của các nhà quản lý, luật sư, nhà tâm lý học, xã hội học… và những nạn nhân của bạo lực gia đình đã chia sẻ, góp ý chân tình, thẳng thắn về kẽ hở pháp luật.
|
|
Ảnh minh họa |
Điều khoản “cấm tiếp xúc” còn mơ hồ
Từ điều 19 đến điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PC BLGĐ) quy định về việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Dù việc quy định cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, để hai bên có thời gian cân nhắc về hành động và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo lực về lỗi của họ. Tuy nhiên, bản chất của những mối quan hệ trong gia đình là gắn bó thân thiết nên ít có trường hợp một người bỏ ra ngoài sinh sống.
Hơn nữa, với những nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ và trẻ em, do họ phụ thuộc nhiều vào người chồng, người cha, đặc biệt phụ nữ lại rất gắn bó với con cái, nên dù bị đối xử tàn nhẫn họ vẫn cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Cho nên, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải có sự đồng ý của nạn nhân vẫn chưa thật sự bảo vệ họ tránh những hành vi bạo lực nguy hiểm có thể xảy ra tiếp theo.
Luật cũng quy định biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện trong thời hạn không quá ba ngày. Thời hạn cấm tiếp xúc này chưa phù hợp với thực tế, chưa tạo được cơ sở pháp lý an toàn cho nạn nhân, người tố giác, cung cấp thông tin về PC BLGĐ. Do đó, cần tăng thời hạn thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
Biện pháp này cũng không quy định rõ đối tượng phải ra khỏi nhà khi bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc.
Trên thực tế, quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không chỉ mơ hồ, mà tính khả thi rất thấp. Ví dụ: nghị định, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PC BLGĐ cụ thể hóa biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ là không cho phép người có hành vi BLGĐ thực hiện các hành vi: 1. Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân; 2. Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân. Thực tế, khó có thể ngăn chặn được vì chúng ta không có công cụ định vị cũng như lực lượng cảnh sát không đủ để ngăn chặn hành vi kịp thời.
|
Còn quy định về nơi ở khác: bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân BLGĐ tự nguyện chuyển đến ở. Quy định như vậy gần như mặc định người phải rời nhà đi là nạn nhân chứ không phải là người có hành vi BLGĐ. Hoặc quy định về các trường hợp đặc biệt mà người có hành vi BLGĐ được tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân là điều không bao giờ có thể thành hiện thực, vì người đứng đầu cộng đồng dân cư này thường được nghĩ ngay là tổ trưởng dân phố, trưởng thôn bản - họ làm sao có đủ uy để buộc người gây bạo lực báo cáo.
Hơn nữa, tại điều 22 của luật, công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, lại được giao cho người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố) phân công người giám sát thực hiện là chưa phù hợp, cần sửa đổi theo hướng: cơ quan nhà nước nào ra quyết định thì cơ quan đó phải có trách nhiệm theo dõi, bảo đảm quyết định của mình được thi hành; hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội, nhân dân chỉ có vai trò hỗ trợ và giám sát. Nên giao cho cơ quan công an cùng cấp, cụ thể là có thể giao trách nhiệm cho cảnh sát khu vực.
Thạc sĩ - luật gia Hoàng Kim Chiến (Nguyên Cục phó Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp)
Nhiều điều, khoản không thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015
Thông thường, các vụ bạo hành gia đình được phát hiện hoặc tố giác rất ít, do chính bản thân người trong cuộc không dám kể vì sợ bị hàng xóm chê cười, dè bỉu… Có khi hàng xóm không giúp được gì mà còn bàn tán, đàm tiếu, nên họ chọn giải pháp im lặng, “đèn nhà ai nấy sáng”, “việc nhà ai nấy làm”. Cho nên, điều 12 của luật quy định về nguyên tắc hòa giải chưa chặt chẽ, chưa phù hợp thực tế cuộc sống.
Có những trường hợp BLGĐ xảy ra rất khủng khiếp, nhưng cuối cùng họ chọn dừng lại ở mức độ hòa giải hoặc chịu phạt vi phạm hành chính. Bởi họ cho rằng, nếu chồng bị bắt hay đi tù thì họ cũng không vui. Dù sao chồng vẫn là cha của con mình, nên nếu bị bắt đi tù thì sau này được tha về người ta cũng nói đó là chồng của bà A, cha của con B mới đi tù về vì tội đánh vợ.
|
Ảnh minh họa |
Tương tự, khi có những vụ BLGĐ, cộng đồng dân cư (như điều 17 của luật) cũng không giúp được gì nhiều, có khi còn soi mói, nói xấu sau lưng hoặc giả vờ can ngăn; có khi điện thoại báo cho chính quyền địa phương, công an, nhưng nhiều trường hợp khi công an đến thì mọi việc đã xong. Chính quyền khi đó còn trả lời chẳng có chuyện gì lớn lao mà báo chính quyền xuống giải quyết, tự giải quyết được rồi.
Xử lý người vi phạm (như điều 42 của luật) đôi khi diễn ra như bắt cóc bỏ dĩa, do chính quyền địa phương không có những biện pháp mạnh tay. Không xử lý triệt để, không thông báo sự việc đến nơi người vi phạm công tác nên họ cứ nhởn nhơ, vi phạm hết lần này đến lần khác.
Ngoài ra, người bị bạo hành không tố giác, không kiên quyết, lo sợ người có hành vi bạo hành bị mất việc, xấu hổ với bạn bè, bị phạt hành chính hay xử lý hình sự nên chọn phương án bỏ qua. Đến khi “ung nhọt” vỡ ra mới chịu trình báo thì sự việc đã đi quá xa, không còn cứu vãn được nữa.
Có những trường hợp phát sinh mâu thuẫn từ những tranh chấp tài sản giữa ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh em dẫn đến không nhìn mặt nhau, coi nhau như kẻ thù, thậm chí vì tranh giành mà đánh nhau đến thương tích. Nhưng chính quyền phường, xã vẫn không có những biện pháp, thậm chí thờ ơ với những vấn đề này hoặc cao nhất thường chỉ dừng lại ở mức độ hòa giải, phạt vi phạm hành chính, chứ không có biện pháp nào hữu hiệu hơn.
Câu nói cuối cùng của chính quyền phường, xã là chỉ khuyên nếu không tự giải quyết được thì mới kiện ra tòa. Đến tòa thì mọi việc đã nguội lạnh. Thời gian tòa xem xét giải quyết có nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp và quá lâu nên đôi khi người dân lại chọn giải pháp nhẫn nhịn và im lặng cho qua. Đó cũng là những hạn chế dẫn đến bế tắc một sự việc BLGĐ.
Do đó, các quy định tại điều 4, 12, 13, 14, 15 và 42 của Luật PC BLGĐ đều không phù hợp thực tiễn, không sát với các quy định từ điều 103 đến điều 106 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật Dân sự 2015. Theo tôi, Luật PC BLGĐ rất cần được điều chỉnh, thống nhất các điều, khoản nói trên theo quy định chung của hai bộ luật vừa nêu.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM