Phong cách Industrial: Khi cũ kỹ hóa thời thượng

21/08/2018 - 08:01

PNO - Phong cách Industrial Factory (nội thất công nghiệp) là cách những gia chủ thời đại mới vẽ không gian sống của mình bằng ngòi bút đầy cá tính.

Không có nhiều tài liệu ghi chép về nguồn gốc của phong cách Industrial, nhưng phong cách này được cho là xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX, tức vào giai đoạn cuối của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Khi ấy, các nhà máy ở Tây Âu buộc phải đóng cửa và di chuyển đến các quốc gia khác với chi phí sản xuất, nhân công rẻ hơn.

Thời gian trôi qua, các thành phố ở Tây Âu dần phát triển, dân số ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng diện tích đất dành cho nhà ở ngày càng khiêm tốn. Lúc này, những nhà xưởng, nhà kho, nhà máy bỏ hoang năm xưa bắt đầu được tận dụng làm nhà ở. Tuy nhiên, thay vì cải tạo hoàn toàn, các kiến trúc sư lại quyết định giữ lại những chi tiết đậm chất công nghiệp của các công trình này. Từ đó, phong cách Industrial ra đời.

Phong cách Industrial có thể được ví như sự kết hợp của phong cách rustic (mộc mạc) và minimalism (tối giản) trong không gian rộng mở của căn hộ studio. Trong khi những bức tường gạch thô một cách có chủ đích, sàn nhà xi măng hoặc sàn gỗ cũ kỹ gợi nhớ đến phong cách rustic; thì những ô cửa sổ rộng với phần khung bằng kim loại, nội thất tối màu, thiết kế đơn giản, tiết chế số lượng đồ nội thất và vật dụng trang trí… lại là những đặc trưng cơ bản nhất của phong cách tối giản.

Phong cach Industrial: Khi cu ky hoa thoi thuong
 

Tất cả sẽ được đặt vào không gian của căn hộ studio - rộng rãi, thoáng đãng, không phân chia thành các phòng chức năng khác nhau.

Tuy vậy, phong cách Industrial vẫn có những nét riêng biệt làm nên dấu ấn của mình. Trong phong cách Industrial, các cột bê tông, dầm thép cũng như ống thông gió, đường ống nước sẽ không được giấu vào tường như những phong cách khác mà ngược lại còn được phô bày như một phần không thể thiếu của không gian tổng thể. Những chi tiết này thường được sơn tiệp màu với trần nhà để tạo chiều sâu hoặc giảm bớt cảm giác nặng nề.

Một điểm khác biệt của phong cách Industrial nằm ở thiết kế cầu thang. Thay thế cho những bậc thang gỗ trang nhã thường thấy, là chiếc cầu thang thép được sơn màu tối sẫm và nhiều góc cạnh.

Những điểm lưu ý khi chọn phong cách Industrial trong thiết kế nhà ở

Vốn dĩ được lấy cảm hứng từ các nhà máy, nhà kho, phân xưởng công nghiệp, vì thế phong cách Industrial phù hợp với căn hộ có tầng lửng, trần cao, không gian rộng để dễ dàng tái hiện một phần kiến trúc thường thấy trong các nhà kho hoặc nhà máy. Nếu căn hộ của bạn không quá rộng nhưng vẫn muốn thử áp dụng phong cách này, hãy chọn phần không gian rộng nhất của ngôi nhà như phòng khách, phòng ăn để thổi hơi thở Industrial vào đấy.

Phong cach Industrial: Khi cu ky hoa thoi thuong
 

Ngoài những ưu điểm như sự phá cách, tính thời thượng, chi phí khá dễ chịu, có thể tận dụng những vật liệu cũ, phong cách Industrial vẫn “khó chiều” ở một số mặt cụ thể. Chẳng hạn như những bức tường gạch hay trần bê tông luôn đòi hỏi phải xử lý để chống bụi. Hơn nữa, những bức tường gạch đòi hỏi sự kỹ lưỡng của người thợ, đảm bảo không bị vênh, lệch, làm giảm tính thẩm mỹ của căn nhà.

Phong cach Industrial: Khi cu ky hoa thoi thuong
 

Để có được bề mặt bê tông hoàn hảo, không chỉ phụ thuộc vào trình độ tay nghề của người thợ thi công, mà hệ thống ván khuôn, chất lượng bê tông nên đảm bảo ở mức cao nhất, đồng thời mạch ngưng khi thi công cũng phải được tính toán cẩn thận. 

Phong cach Industrial: Khi cu ky hoa thoi thuong
 

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, gia giảm hệ thống ống thông gió, đường ống nước, dây dẫn điện ở trần nhà cũng là một nghệ thuật, bởi chỉ cần quá tay một chút, trần nhà sẽ đột nhiên trở thành “gánh nặng” cho tổng thể không gian. 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI