Bất ngờ có trong tay triệu đô
Cả tuần nay, anh Khánh Hoàng không đêm nào ngủ ngon giấc, ban ngày thì anh đi tới đi lui, không tập trung làm được việc gì, miệng thì lẩm bẩm: “Tại sao mình xui xẻo quá? Tại sao cô ta lại đối xử với mình và cha mẹ mình như vậy?”.
Đem tâm sự kể với bạn khi lai rai mấy ly bia, câu chuyện của Hoàng được tái hiện. Theo đó, gia đình Hoàng có bốn người con thì ba người chị và cha mẹ anh hiện định cư ở nước ngoài, họ rời khỏi Việt Nam từ 20 năm trước.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Cách đây 19 năm, anh Hoàng cưới chị Ngọc Thanh khi cả hai chạm mốc 25 tuổi. Hoàng là con trai duy nhất ở lại Việt Nam, nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc bà nội tuổi già sức yếu nên được cha mẹ và anh chị hỗ trợ tối đa về kinh tế. Gia đình chu cấp tiền học trường quốc tế cho hai con anh và một khoản tiền hậu hĩnh để lo thuốc men, thuê người phụ giúp chăm sóc bà nội.
Anh Hoàng làm nghề lái xe tải chở hàng, chị Thanh thì chủ yếu làm nội trợ, đưa đón con đi học và phụ chăm sóc bà. Cuộc sống hai vợ chồng tuy không dư dả nhưng ổn định, không cần thiết phải kiếm tiền tích lũy làm giàu.
Ngoài số tiền bạc được chu cấp, gia đình anh Hoàng (cha mẹ và bà nội) có tất cả bốn khối bất động sản. Do thương con, thấy con dâu có vẻ chất phác, khi chuẩn bị đi nước ngoài định cư, cha mẹ anh Hoàng chuyển quyền sở hữu tài sản hai căn nhà cho con trai mà không hề nghĩ đến yếu tố rủi ro về sau. Quá trình làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu - do bận lái xe chở hàng nên Hoàng ủy quyền dịch vụ pháp lý hỗ trợ và liên hệ vợ cung cấp giấy tờ. Rồi không biết phía dịch vụ tư vấn kiểu gì mà kết quả đăng bộ chuyển quyền sở hữu hai căn nhà được đứng tên hai vợ chồng.
Hai căn nhà còn lại thì nguồn gốc tài sản tạo lập từ việc bà nội cho riêng anh Hoàng một mẫu đất ở tỉnh Long An trước khi kết hôn. Cưới vợ xong, anh Hoàng bán mảnh đất này để mua hai mảnh đất khác, một mảnh đất cất nhà cho nội ở và một mảnh xây phòng trọ cho thuê kiếm tiền chợ. Và cũng giống như tình trạng hai căn nhà cha mẹ cho, hai khối tài sản này về pháp lý do vợ chồng Hoàng - Thanh sở hữu. Phát hiện sự việc, anh Hoàng không buồn thắc mắc vì tin lời chúc của bạn bè trong ngày cưới “chúc mừng vợ chồng bạn hạnh phúc trăm năm” nên không báo cha mẹ biết việc này.
Còn chị Thanh từ tay trắng về nhà chồng, bỗng nhiên được đồng sở hữu bốn khối tài sản trị giá triệu đô thì tâm tính cũng thay đổi. Mâu thuẫn càng tăng khi chị Thanh chỉ tin lời anh chị em ruột của mình mà bất chấp mọi lời khuyên nhủ của chồng trong việc cùng xây đắp gia đình hạnh phúc. Không còn tiếng nói chung nên năm vừa rồi họ ly hôn.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Năm nay, chị Thanh khởi kiện ra tòa án yêu cầu chia 50% tài sản. Cha mẹ mắng anh Hoàng dại dột, còn các anh chị em thì nghi ngờ anh Hoàng cấu kết với vợ để vờ ly hôn nhằm chiếm ½ tài sản (phần dự định cho các em).
“Tình huống quá nan giải. Vào vị trí của tôi, các ông nghĩ xem có tức và đau đầu không chứ?” - anh Hoàng vò đầu bứt tóc chia sẻ với các bạn. Nghe xong câu chuyện, bạn của anh Hoàng cụng ly rồi ca thán, pha chút hài hước: “Đúng là không cái dại nào giống cái dại nào! Vợ ông có quân sư và có chủ ý từ trước rồi. Chúc mừng ông tham gia đề tài muôn thuở “Chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn”. Tụi tôi cho rằng ông nằm “kèo dưới” nên thắp nhang vái ông bà phù hộ và cầu nguyện cho “người ấy” bớt chút lòng tham, nhưng quan trọng hơn là phải đi tìm luật sư có tâm, có tầm để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý”.
Nhát dao chí mạng vào niềm tin
Anh Hoàng tìm đến văn phòng luật sư và được luật sư Trần Hoài Nhân - Giám đốc Công ty Luật TNHH UNIBROS VN - phân tích:
Theo quy định của điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, với tình huống này dù nguồn tiền tạo lập tài sản là của gia đình bên chồng, nhưng xem như người chồng “tự nguyện” sáp nhập tài sản chung và việc chứng minh tài sản riêng sẽ quá khó. Về phía người vợ khởi kiện đòi chia 50% giá trị tài sản là đúng luật, nhưng chữ lý cũng không trọn vẹn, còn chữ tình cảm thì quá tổn thương, bởi nó là nhát dao chí mạng đâm vào niềm tin của người chồng, gia đình chồng và tạo ra tiền lệ xấu cho ứng xử của con cái về sau.
Hòa giải để kết thúc vụ án là phương án tối ưu nhất vì luật luôn khuyến khích, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nhưng tỷ lệ nào thì các bên chấp nhận quả thật nan giải. Muốn dung hòa quyền lợi, các bên phải hạ “cái tôi” của mình xuống. Và để hòa giải thành công, luật sư hai bên và thẩm phán giải quyết phải là người có lý, có tình và có đủ trải nghiệm cuộc sống thì mới có thể khuyên nhủ, phân tích cho hai bên.
Trong trường hợp, nếu vụ án này hòa giải không thành, buộc phải xét xử thì sẽ rất khó khăn cho thẩm phán và hội đồng xét xử để ra phán quyết. Kết quả dù ra sao thì việc kháng cáo có khả năng là cao và vụ án sẽ kéo dài, khiến hai bên mất thời gian, chi phí, còn tình cảm thì rất khó hàn gắn.
Trong hôn nhân khi “cơm lành canh ngọt”, việc “phòng bị đối tác” vốn xa xỉ đối với mọi cặp vợ chồng. Hầu như mọi người đều thuộc làu câu: “của anh, của em, của chúng ta”, nhưng khi ra tòa ly hôn hoặc chia tài sản sau ly hôn thì họ hay so đo: “của anh, của em ai công sức nhiều hơn, ai xứng đáng được chia nhiều hơn?”.
Trên thực tế, việc chủ động xác định tài sản riêng trước và trong hôn nhân ít được các bên áp dụng, vì sợ “tổn thương đối tác”, nhưng nếu nguồn gốc tài sản không phải của vợ chồng gầy dựng mà của người khác chuyển giao, nhờ đứng tên hộ… thì việc minh định bằng văn bản luôn cần thiết, nhằm hạn chế tranh chấp về sau.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Giải quyết nhiều sự vụ tranh giành tài sản khi ly hôn, luật sư Trần Hoài Nhân chia sẻ kinh nghiệm: Khi kết hôn, hai người cần phải yêu và tin tưởng “đối tác” nhưng lòng tin phải có tri thức và đạo đức bảo vệ thì mới mong bền vững. “Đối thủ” muôn đời của đạo đức là lòng tham, sự sân si tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ cần một phút yếu lòng, một cơn sân si bùng lên là có thể thổi bay những giá trị chuẩn mực và tình cảm tốt đẹp đã gầy dựng.
Muốn hạn chế sai lầm, trước khi quyết định chỉ cần bạn tự vấn để trả lời vài câu hỏi như: “Mình được, thì người khác ra sao?”, “Cái không phải của mình cố đòi thì liệu có ổn không và mình giữ gìn nổi không?”. Nhưng quan trọng nhất vẫn là: Mọi quyết định của chúng ta đều có những hậu quả tương ứng và mỗi hành vi của chúng ta đều có mối quan hệ nhân - quả của nó.
Hoàng Sâm