Phối hợp đa chuyên khoa điều trị giảm cân cho bệnh nhân

22/05/2022 - 07:20

PNO - Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Cao Ngọc Điệp - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết đơn vị vừa phối hợp điều trị giảm cân hiệu quả, an toàn cho một trường hợp còn trẻ đã bị biến chứng tiểu đường bởi thừa cân, béo phì.

Đó là nam bệnh nhân P.H.D. (25 tuổi, ngụ Q.3, TPHCM). Anh đến bệnh viện khám để điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Bác sĩ xác định anh bị khởi phát đái tháo đường khi tuổi còn rất trẻ là do không kiểm soát được cân nặng. Anh D. cao 1,81m nhưng nặng tới 130kg. Anh D. phát hiện mắc đái tháo đường từ cách đây 5 năm. Bệnh của anh còn liên quan yếu tố gia đình, ba của anh cũng bị đái tháo đường dẫn tới biến chứng suy thận phải chạy thận và qua đời sớm. Bệnh nhân đã được phối hợp giữa các chuyên khoa nội tiết, dinh dưỡng và phục hồi chức năng để kiểm soát đường huyết ổn định và bước vào lộ trình giảm cân. Mục tiêu là giúp bệnh nhân giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể trong vòng sáu tháng, và duy trì cân nặng này.

Tại thời điểm đầu, bác sĩ Điệp ghi nhận khẩu phần ăn của bệnh nhân cung cấp có số kcal vượt khoảng 30%. Nguyên nhân là anh D. hay ăn ở hàng quán nên rất khó kiểm soát về dinh dưỡng. Sau khi bác sĩ dinh dưỡng thiết kế chế độ ăn phù hợp, anh đã được gia đình hỗ trợ nấu ăn ở nhà. Bên cạnh đó, bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn anh hai bài tập vận động yêu thích là đạp xe và đánh cầu lông, mỗi ngày ít nhất 90 phút. Còn bác sĩ nội tiết hỗ trợ điều chỉnh thuốc hạ đường huyết. Ngoài ra, bác sĩ nội tiết còn bổ sung thuốc uống, tiêm để ổn định chỉ số đường huyết và làm giảm sự thèm ăn của bệnh nhân. 

Vào ngày đầu tiên của quá trình trị liệu, anh D. nặng 130kg (tỷ lệ mỡ toàn cơ thể chiếm 55,2%, mức mỡ tạng rất cao, khối cơ chiếm 54,3%). Lúc đó, chỉ số BMI của anh là 39.7. Tới nay, sau 5 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã đạt gần tới mục tiêu (giảm được 11,8kg, tỷ lệ mỡ toàn cơ thể là 48%, khối cơ là 55,5%). Với tốc độ như hiện nay, tháng sau, bệnh nhân hoàn thành được mục tiêu giảm về mức cân nặng lý tưởng, ổn định được chỉ số đái tháo đường, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm do béo phì và đái tháo đường gây ra. Chỉ số BMI của bệnh nhân sau 5 tháng giảm cân theo quy trình đa chuyên khoa chỉ còn ở ngưỡng 36.

 

Bác sĩ Ngô Cao Ngọc Điệp  đang tư vấn dinh dưỡng cho một bệnh nhân béo phì  - ẢNH: B.A.
Bác sĩ Ngô Cao Ngọc Điệp đang tư vấn dinh dưỡng cho một bệnh nhân béo phì - Ảnh: B.A.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - nhấn mạnh, giảm cân theo quy trình phối hợp đa chuyên khoa rất cần thiết bởi vì giảm cân làm thay đổi hệ thống cân bằng của cơ thể khiến người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ có khuynh hướng ăn nhiều hơn và tăng cân trở lại, từ đó khó tuân thủ quá trình giảm cân tiếp theo, tăng nguy cơ rủi ro cho sức khỏe. Còn theo tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long - Phó khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - khi áp dụng ăn kiêng, luyện tập hoặc dùng thuốc cực đoan, thiếu sự cân bằng và đồng bộ thì người bệnh sẽ bị tăng nguy cơ biến chứng. Điển hình là các biến chứng và tổn thương liên quan đến tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tâm lý, hệ thần kinh, chức năng gan, thận… 

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với những bệnh nhân béo phì có chỉ số BMI từ 27 trở lên, trước tiên sẽ được hướng dẫn giảm cân bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc điều trị bệnh lý đi kèm (nếu có). Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được theo dõi, tư vấn, hướng dẫn bởi bác sĩ từ các chuyên khoa dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tâm lý. Khi đã áp dụng tất cả phương pháp trên mà vẫn thất bại thì bệnh nhân sẽ được cân nhắc để can thiệp ngoại khoa. Có những phương pháp ngoại khoa giảm cân như phẫu thuật cắt bớt dạ dày làm giảm cảm giác thèm ăn và sự hấp thu chất dinh dưỡng. Một cách khác là nối tắt dạ dày vào ruột non để giảm lượng thức ăn hấp thu vào cơ thể. 

Bác sĩ Ngô Cao Ngọc Điệp thông tin, ở nước ta trong khoảng 5 năm nay, số lượng người thừa cân béo phì tăng tới 38%. Hàng triệu người giảm cân bằng cách áp dụng các chế độ ăn kiêng khác nhau, nhưng có đến 95% bị tăng cân trở lại. Đó còn chưa kể những phương pháp giảm cân tiêu cực dẫn tới lợi bất cập hại. Đối với những người béo phì có bệnh lý đi kèm khi giảm cân còn cần điều chỉnh liều lượng thuốc, thiết kế khẩu phần ăn phù hợp mang tính cá thể hóa mà vẫn đảm bảo được lượng đạm và vitamin cho cơ thể. Mỗi buổi khám dinh dưỡng, bác sĩ Điệp đều ghi nhận 2 - 3 ca béo phì bị biến chứng chuyển đến từ các chuyên khoa khác để được phối hợp điều trị giảm cân đa chuyên khoa.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI