Phoenix Ho: "Hôn nhân đổ vỡ như một cú vấp té"

05/01/2016 - 08:00

PNO - Nhiều người nghĩ hôn nhân đổ vỡ là một thất bại... Tôi coi việc hôn nhân đổ vỡ như một cú vấp ngã khi đang đi trên đường, phải đứng lên thôi!

Phoenix Ho:

Với nhiều phụ nữ, đổ vỡ hôn nhân thường bị xem là một thất bại khó có thể chấp nhận. Nỗi đau đó khiến nhiều chị rơi vào mặc cảm, tự ti, tự trách mình; thậm chí khiến họ sinh ra sợ hãi trước một mối quan hệ mới.

Riêng với Phoenix Ho (Hồ Phụng Hoàng - tác giả cuốn sách Mẹ dắt con đi), chị xem việc này như một cú vấp ngã, nhanh chóng gạt qua cơn đau, đứng lên tiếp tục hành trình. Cũng khác với nhiều phụ nữ, chị quan niệm, con cái không thể làm cho hôn nhân tốt hơn lên.

Phoenix Ho rời Việt Nam sang Mỹ định cư năm 14 tuổi. Trưởng thành, chị trở về quê hương đơn giản vì: “Muốn sống ở nơi mình hữu dụng”. Hiện chị là điều phối viên tư vấn hướng nghiệp tại trường đại học RMIT.

PV: Sang Mỹ ở độ tuổi đã có những nhận thức rõ rệt, hẳn chị không tránh khỏi chông chênh trong môi trường mới?

Phoenix Ho: Đúng là thời gian đầu tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, phải mất đến 10 năm sau tôi mới hiểu nguyên nhân là do mình bị “sốc văn hóa”. Tôi luôn cảm thấy buồn, nhớ, thiếu thốn một cái gì đó không rõ và chỉ có thể gửi gắm nỗi buồn nhớ ấy qua những trang truyện ngắn. Tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều từ cuộc sống mới như khả năng tự lập, có trách nhiệm với bản thân: tự lo cho những sinh hoạt hàng ngày…

* Hai lần chị về Việt Nam chỉ là để thăm quê hay còn vì nguyên do nào khác?

- Lần thứ nhất là có một người bạn Việt kiều rủ tôi về làm việc. Anh ấy muốn mở một resort ở Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, nhưng dự án không thành. Lúc này, tôi chợt nhận ra mình còn có những niềm vui khác ở Việt Nam nên tự nhủ: “Hay là mình ở lại một thời gian? Mình còn trẻ, không việc gì phải gấp gáp”.

Cùng lúc, RMIT mở chương trình thạc sĩ quản lý giáo dục, tôi ghi danh theo học, đồng thời đi dạy tiếng Anh, tham gia các dự án giáo dục khác… Tốt nghiệp, tôi quay về Mỹ nhưng không tìm thấy niềm vui, lại cảm thấy công việc đang làm không thích hợp với mình. Sếp tôi thì phát hiện tôi là người chịu lắng nghe và giỏi… hướng nghiệp nên khuyên tôi nên chuyển theo hướng đi này. Tôi lại đăng ký học. Trước khi tôi tốt nghiệp khoảng ba tháng, một người bạn ở Việt Nam đã gợi ý xem tôi có muốn về RMIT tham gia các chương trình hướng nghiệp cho sinh viên không? Vậy là tôi lại về.

* Với chị, đơn giản đó chỉ là một lời mời, hay còn là tiếng gọi của quê nhà?

- Lúc đó tôi đã lập gia đình, nhiều người khuyên nên ở Mỹ để có điều kiện sống tốt hơn, lại được gần gũi chồng con nhưng tôi vẫn chọn về Việt Nam. Ban đầu, tôi chỉ muốn thử sức mình nhưng sau đó đã ở lại tính đến nay là sáu năm. Tôi nhận thấy, lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp ở Việt Nam hiện chưa có trường lớp đào tạo chính quy; nếu có cũng đang rất thiếu và yếu. Đây là lĩnh vực của tôi, tôi có thể cống hiến được nhiều nhất nên tôi thấy mình hữu dụng.

Phoenix Ho:

* Chị cũng đã đưa gia đình của mình cùng về Việt Nam?

- Phải. Nhưng sau đó chúng tôi đã chia tay. Lúc này, Gấu - con trai của chúng tôi được ba tuổi.

* Có phải đó lại là một cú “sốc văn hóa” nữa đến với gia đình chị?

- Cũng có thể! Nhưng chủ yếu là chúng tôi có quá nhiều khác biệt về ứng xử, quan niệm sống...

* Chị đã chuẩn bị tâm lý cho con thế nào trước đổ vỡ của cha mẹ?

- Chúng tôi ly thân năm Gấu hai tuổi. Thời gian đó, Gấu đã quen với sự vắng mặt thường xuyên của ba nên không mấy ngỡ ngàng. Tất nhiên, lúc đầu Gấu rất khó chịu nhưng cũng quen dần và hòa nhập vào những nhịp điệu khác của cuộc sống. Sinh hoạt hàng ngày rất quan trọng. Việc tiếp xúc, gặp gỡ ít ỏi với ba đã khiến Gấu dần xem đó là bình thường.

* Mối quan hệ của ba người hiện vẫn tốt?

- Thời điểm hôn nhân đổ vỡ, dù đang rất đau khổ nhưng mối quan tâm lớn nhất của tôi là cố gắng để Gấu càng ít bị ảnh hưởng càng tốt. Tôi và chồng đã nói chuyện thẳng thắn với nhau, vạch ra những phương án để tương tác, hỗ trợ nhau hoàn thành trách nhiệm chung với Gấu. Chúng tôi cũng không hề nói xấu nhau. Giờ thì Gấu rất tự hào vì đang có đến hai gia đình.

* Khi ấy, chị có lo lắng vì hôn nhân tan vỡ, bất an khi nghĩ đến con đường phía trước?

- Không. Tôi nghĩ, hôn nhân đã đổ vỡ thì cứ để cho nó đổ vỡ. Có lần, tôi bắt gặp Gấu buồn ngẩn người trước hình ảnh một người cha đang chơi đùa với con. Lúc đó tôi đã khóc nhưng không vì thế mà tôi níu kéo hôn nhân. Tôi quan niệm, nếu cố giữ một người trong cuộc đời mình chỉ để có mà thôi thì còn tai hại hơn là không có.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI