Phó Vụ trưởng Vụ ATGT: Tại sao phải giữ đèn vàng?

07/08/2016 - 05:42

PNO - Phó Vụ trưởng ATGT, một trong những người tham gia soạn thảo Nghị định 46 đã có những lý giải về tác dụng của đèn vàng.

Sau khi Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định về lỗi vượt đèn vàng, mức phạt lỗi tín hiệu đèn vàng ngang với lỗi tín hiệu đèn đỏ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng đèn vàng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Dân Việt, ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), một trong những người tham gia soạn thảo Nghị định 46 đã có những lý giải về tác dụng của đèn vàng.

Cụ thể, theo ông Tùng, luật quy định, "tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".

Như vậy, khi các phương tiện đang di chuyển ở tuyến đường có tín hiệu đèn xanh, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ tín hiệu xanh sang vàng sẽ có tác dụng cảnh báo cho những người chưa đi vào nút giao biết chuẩn bị có tín hiệu đèn đỏ để giảm tốc độ và phải dừng lại trước vạch dừng.

Pho Vu truong Vu ATGT: Tai sao phai giu den vang?

"Khoảng thời gian tín hiệu đèn vàng sáng là khoảng thời gian cần thiết cho những phương tiện đã đi vào nút giao thoát ra khỏi nút giao trước khi các phương tiện ở hướng khác đi vào nút giao, nhằm tránh xung đột giao thông giữa các dòng xe và bảo đảm an toàn giao thông.

Đối với chiều đường đang có tín hiệu đèn đỏ, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ tín hiệu đỏ sang tín hiệu vàng sẽ có tác dụng thông báo cho những người đang dừng trước vạch dừng ở nút giao biết sắp có tín hiệu đèn xanh để chuẩn bị điều khiển phương tiện đi vào nút giao", ông Tùng phân tích.

Trước hàng loạt ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng đèn vàng, thậm chí bỏ cả đèn xanh chỉ để đèn đỏ, "đèn đỏ thì dừng, đèn tắt thì chạy", Phó vụ trưởng vụ ATGT cho biết, để đèn vàng vì ngoài những tác dụng kể trên, đèn vàng còn được sử dụng trong một số trường hợp.

"Khi mật độ giao thông không cao, không buộc các phương tiện các hướng phải dừng, phải chờ thì đơn vị điều khiển đèn tín hiệu sẽ cho đèn vàng nhấp nháy để báo các phương tiện được đi qua nút giao chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát tránh va chạm, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam đang áp dụng mà nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng tín hiệu đèn vàng.

Ngoài ra, việc áp dụng 3 màu đèn tín hiệu xanh, vàng, đỏ cũng đã được quy định trong Công ước quốc tế về giao thông đường bộ và báo hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) mà Việt Nam vừa mới gia nhập".

Như vậy, quy định hiện hành có mức phạt lỗi đèn vàng ngang với lỗi đèn đỏ theo ông Tùng là phù hợp. "Nghị định 46 và các nghị định trước đều chung một hành vi là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Trong đó, hiệu lệnh của từng tín hiệu thì đã được quy định cụ thể trong Luật Giao thông và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Nếu để mức phạt đối với vi phạm tín hiệu đèn vàng và tín hiệu đèn đỏ chênh lệch nhau, vi phạm tín hiệu đèn vàng bị phạt nhẹ hơn tín hiệu đèn đỏ sẽ dễ tạo tâm lý vượt đèn vàng cho người tham gia giao thông.

Nguyên tắc người điều khiển phải giảm tốc độ khi tới nút giao nhưng vì vi phạm tín hiệu đèn vàng có mức phạt nhẹ nên người điều khiển phương tiện khi tới nút giao thường có xu hướng tăng tốc vì cùng lắm là bị phạt vi phạm tín hiệu đèn vàng.

Trường hợp này sẽ rất nguy hiểm bởi người điều khiển xe vi phạm tín hiệu đèn vàng có thể sẽ gây va chạm, tai nạn giao thông với các phương tiện ở chiều đường có tín hiệu đèn xanh đang di chuyển vào nút giao", Phó vụ trưởngVụ ATGT cho hay.

Hà My (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI