Phó Thủ tướng: 'Xử lý trách nhiệm các địa phương lơ là dịch tả lợn châu Phi'

13/05/2019 - 14:16

PNO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan, không để xảy ra tình trạng thả xác lợn bệnh trôi sông, chôn không đúng nơi quy định...

Gần 1/3 tổng đàn lợn chết, Thái Bình không có tiền hỗ trợ dân

Tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống dịch tả lợn sáng 13/5, ông Phạm Văn Xuyên -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả lợn châu Phi. Theo số liệu thống kê tính tới dịp Tết Nguyên đán, Thái Bình có quy mô tổng đàn lợn là hơn 900 ngàn con. Tuy nhiên, tới nay, địa phương này đã tiêu hủy 300.000 con lợn, sản lượng 14.900 tấn.

Ông Xuyên cho hay, dự kiến phải hỗ trợ cho người dân 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng. Hơn nữa, khoản tiền này, chủ yếu để tỉnh chi trả cho việc mua thuốc, tiêu hủy lợn…

Pho Thu tuong: 'Xu ly trach nhiem cac dia phuong lo la dich ta lon chau Phi'
Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi sáng 13/5

“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ nhưng chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi. Bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch”.

Khi mới xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Thái Bình chủ trương hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Xuyên, hiện giá thị trường chỉ khoảng 35 ngàn đồng/kg. Do đó, địa phương này đã điều chỉnh chính sách, hỗ trợ người dân 80% so với giá thị trường.

“Nếu hỗ trợ cao hơn giá thị trường thì các hộ chăn nuôi sẽ bỏ việc chăm lo vật nuôi. Phải xem xét vấn đề này nếu không sẽ lâm vào cảnh "cháy nhà hai hồi". Chúng tôi theo dõi giá thị trường hàng ngày, công khai trên báo, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để toàn dân biết. Giá chênh 5% sẽ điều chỉnh, cứ 5 ngày một lần báo cáo chủ tịch tỉnh”, ông Xuyên cho hay.

Còn tại Đồng Nai, nơi được xem là “vựa chăn nuôi” của cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc xảy ra dịch bệnh là cực kỳ nguy hiểm.

Đến nay đã có 5 xã của 3 huyện phát sinh dịch, lượng heo phải tiêu hủy là 867 con, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Chánh nhận định, nguồn lây lan bệnh chủ yếu là từ khâu vận chuyển, bởi vậy địa phương này tập trung chủ yếu vào khâu kiểm soát lưu thông lợn; các giải pháp an toàn sinh học, trọng tâm là công tác tiêu độc, khử trùng tại các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ. Tuy nhiên, Đồng Nai cũng đang kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ. “Vì Đồng Nai tự cân đối nguồn ngân sách, nếu xảy ra nhiều hộ có lợn dịch thì tỉnh rất khó tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Chưa chủ động giám sát, lơ là bệnh dịch

Trao đổi với PV Báo Phụ nữ, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, trong thời gian qua, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh; chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch.

"Một số chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh”, Thứ trưởng Tiến nói.

"Ban chỉ đạo đã đề nghị Chính Phủ, huy động lực lượng chức năng vào cuộc xử lý nghiêm trước hết vài trường hợp điển hình để làm gương cho các địa phương khác”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Pho Thu tuong: 'Xu ly trach nhiem cac dia phuong lo la dich ta lon chau Phi'
Xác lợn thả trôi sông tại Hải Phòng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên diện rộng, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khả năng lây lan của bệnh còn cao. Nhiều địa phương, còn chưa chủ động, chưa quyết liệt thậm chí coi nhẹ, giao phó cho cơ quan thú y.

Phó Thủ tướng đề nghị: “Mới đây, báo chí đưa thông tin lợn chết trôi trên sông, chôn gần nguồn nước... tình trạng rất nguy hiểm. Đề nghị chính quyền nếu có thông tin báo chí đưa tin thì kiểm tra lại và xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan, không thể để tình trạng này”.

Để phòng, chống dịch tả lợn hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần chung sức với ngành nông nghiệp để phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả...

TP Hồ Chí Minh ứng dụng Zalo thông tin dịch bệnh

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP đã ban hành 3 tình huống đối với dịch tả lợn. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang nằm trong tình huống thứ hai, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở ven thành phố.

Trước thực tế này, TP Hồ Chí Minh đã cho tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông.

TP cũng đã thống nhất với Long An, Đồng Nai để không nhập lợn từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng tận dụng mạng xã hội Zalo để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, thông tin chi tiết về nguồn gốc thịt.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI