PNO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết CP đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại dự án BOT, yêu cầu điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ (CP) báo cáo, làm rõ một số vấn đề và trả lời chất vấn của các đại biểu.
Đầu tư BOT là chủ trương cần thiết và đúng đắn
Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2018 tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15,8%, thu ngân sách nhà nước tăng 13,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 9,8%, khách quốc tế tăng cao 27,6%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. An ninh chính trị, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo...
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lần đầu ngồi "ghế nóng" chất vấn tại Quốc hội
Liên quan tới về vấn đề đầu tư BOT được nhiều cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là chủ trương cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.
“Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Cấm nhập máy đào Bitcoin?
Một trong những vấn đề được các ĐB quan tâm là sử dụng và quản lý tiền ảo Bitcoin. ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ có định hướng chính sách và biện pháp gì để quản lý đồng tiền này một cách chặt chẽ.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng chia sẻ, ngay sau khi có thông tin người dân ở các thành phố lớn mua máy về “đào bitcoin” hay kinh doanh đa cấp trên mạng 15 ngàn tỷ đồng…, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng đề án, nghiên cứu khuôn khổ để quản lý tiền ảo. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam
“Tuy nhiên, việc đào tiền Bitcoin vẫn diễn ra sôi động”, Phó Thủ tướng nhận định. Qua thống kê, tới nay Việt Nam đã nhập 15.600 bộ máy đào Bitcoin, trong đó TP.HCM nhập là 9.000 máy, Hà Nội nhập 6.000 máy, còn lại là Đà Nẵng. Chính phủ đang nghiên cứu có cấm nhập loại máy này không, vì loại máy này không đem lại lợi ích gì. Dù vậy, vẫn cần phải xem xét dựa trên các cơ sở, vấn đề pháp lý.
Hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non
Về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phổ thông, quản lý giáo dục mầm non và đạo đức, lối sống trong nhà trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập; trình Quốc hội cho ý kiến các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học…
Đặc biệt, Chính phủ sẽ yêu cầu ngành giáo dục thực hiện kiểm định, công khai các điều kiện về chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các sản phẩm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng, hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Điều chỉnh quy định về quy mô, tăng cường quản lý ở các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em theo hướng phát triển toàn diện, phát huy tính sáng tạo...
Ngành giáo dục cũng sẽ phải hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non. Có chính sách phù hợp tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên và phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ khuyết tật và tại các khu công nghiệp. Khắc phục ngay những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và tình trạng bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm khắc các vi phạm.
Về thị trường lao động, giải quyết việc làm, Phó Thủ tướng cho biết cần nâng cao chất lượng dạy nghề, trong đó chú ý tới vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em: “Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị và đề nghị các đoàn thể nhân dân vào cuộc, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong gia đình, nhà trường và xã hội".
Trình Quốc hội xem xét và thông qua luật An ninh mạng
Tại cuộc chất vấn, ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) nhận định, không thể phủ nhận mặt tích cực mà mạng xã hội đang mang lại, tuy nhiên, mặt tiêu cực không ít. Nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong thời gian vừa qua xuất hiện rất nhiều các “tài liệu mật”, “thông tin mật” trên MXH, gây xôn xao dư luận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề cử tri, đồng bào cả nước quan ngại, lo lắng trong tình hình an toàn thông tin và an ninh mạng. Về thể chế, Chính phủ đã trình QH ban hành Luật an toàn thông tin, và tại kỳ họp Quốc hội lần này đang trình xem xét và thông qua luật An ninh mạng.
Trên cơ sở quản lý, các cơ quan được chủ trì về lĩnh vực an toàn ANM (Bộ Công an), An toàn thông tin (Bộ TT-TT) trong thời gian qua đã tập trung xử lý, gỡ nhiều clip trên YouTube cũng như các nội dung độc hại, trong đó có nội dung nói xấu lãnh đạo.
Theo Phó Thủ tưởng, rút kinh nghiệm thực tế và thực hiện tốt hai đạo luật này sẽ góp phần xử lý các thông tin xấu trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí truyền thống nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Trả lời chất vấn của ĐB Mùa A Vàng (Điện Biên) về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng khiến dư luận hoang mang, bức xúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc giả, kém chất lượng của thế giới vào khoảng %. Ở VN, phân loại khá thấp, tỷ lệ thuốc giả chỉ khoảng 2.1%.
Tuy nhiên, trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là vụ việc thuốc ung thư giả VN Pharma. Một mặt, CP chỉ đạo phải xử lý nghiêm sai phạm, đã tiến hành khởi tố và bắt giam.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý của Bộ y tế. CP đã chỉ đạo tăng cường khâu đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và BHXH VN, song hành cùng việc đấu thầu ở các tỉnh và bệnh viện.
“Việc đấu thầu thuốc một mặt quản lý được chất lượng trên cơ sở hồ sơ mời thầu minh bạch. Vấn đề thứ hai, chúng ta đã giảm giá thuốc nhiều. Qua đấu thầu vừa rồi đã giảm khoang 15 – 20% chi phí gía thuốc, trong đó cả những loại biệt dược giảm 13 – 14%”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Với các cửa hàng bàn thuốc, cần tăng cường quản lý chất lượng, quy trình bán thuốc, kê đơn. Thời gian qua, TTCP chỉ đạo, thực hiện thí điểm từ 2017, kết nối công nghệ thông tin giữa cơ sở khám bệnh và thuốc tại 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên. Dư kiện tháng 7/2018 sẽ đánh giá sơ bộ thí điểm này.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tinh thần của Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt, tập trung vào hai nhóm vấn đề là đảm bảo chất lượng và giảm giá thuốc phù hợp thu nhập của cán bộ.