Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tổng lực tiêm vắc xin COVID-19 cho miền Tây

19/11/2021 - 16:40

PNO - Ngày 19/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh thành miền Tây Nam bộ.

Tại Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, từ ngày 5 - 18/11, tỉnh ghi nhận trung bình hơn 41 trường hợp F0 cộng đồng/100.000 người mỗi tuần. Số F0 đang điều trị là 4.152 người, trong đó có 3.988 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm 96%), triệu chứng trung bình là 84 ca, triệu chứng nặng và rất nặng là 80 ca.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp - ảnh: Văn Khương
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Văn Khương

Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thực tế điều trị F0 tại địa phương cho thấy đối với các loại thuốc kháng đông, kháng viêm cần có chỉ định của bác sĩ, còn đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, nếu cho điều trị sớm thì tỷ lệ có dấu hiệu chuyển nặng rất thấp. Vì vậy, địa phương kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm thuốc Molnupiravir để điều trị sớm cho các người bệnh mới.

Được biết, tính đến nay, Đồng Tháp đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho 1,1 triệu người trên 18 tuổi (đạt 87%), mũi 2 đạt trên 718.000 người (56%). Từ ngày 13/11 vừa qua, tỉnh cũng đã triển khai tiêm mũi 1 cho 53.370 người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, bao gồm cả học sinh THPT.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Đồng Tháp tập trung 5 nhóm vấn đề trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn hiện nay. Cụ thể, tăng tốc tiêm chủng vắc xin để đạt tỷ lệ bao phủ và tạo miễn dịch cộng đồng. Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ ưu tiên nguồn vắc xin cho các tỉnh/thành phố khu vực miền Tây, do đó yêu cầu các địa phương phải triển khai tiêm trong thời gian nhanh nhất có thể cho các đối tượng; nếu có khó khăn thì báo cáo Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, phải tuyệt đối tuân thủ 5K, nhất là mang khẩu trang, giữ khoảng cách; tránh tâm lý chủ quan khi đã tiêm vắc xin. Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế thực hiện chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà. Phó thủ tướng đề nghị địa phương mạnh dạn đề xuất Bộ Y tế cấp thêm số lượng thuốc để phục vụ công tác điều trị, hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng và tử vong.

Thứ tư, phân tuyến điều trị F0 phù hợp với tình hình, để giảm áp lực điều trị cho các tuyến trên.

Thứ năm là duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phó thủ tướng yêu cầu địa phương phải sẵn sàng, linh hoạt, có kịch bản ứng phó sát với thực tiễn khi có ca bệnh.

Phó thủ tướng lưu ý, để khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì vai trò của lực lượng công an rất quan trọng trong xử lý các hành vi vi phạm, quản lý người từ nơi khác đến...

Tương tự Đồng Tháp, tình hình dịch bệnh tại TP. Cần Thơ thời gian qua cũng diễn biến vô cùng phức tạp. Chỉ tính trong khoảng 2 tuần, từ ngày 5 - 18/11, địa phương này đã có trên 6.000 F0. Cần Thơ liên tục ghi nhận ổ dịch mới tại một số hẻm, khu vực dông dân cư, doanh nghiệp... 

Nhiều tỉnh thành ở miền Tây đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT
Nhiều tỉnh thành ở miền Tây đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết sau khi chuyển trạng thái theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho 95% người trên 18 tuổi, tuy nhiên mũi 2 chỉ mới đạt 38%. Với 500.000 liều vắc xin mới được bổ sung thì trong vòng 3 ngày tới, sẽ tiêm phủ mũi 2 đạt khoảng 80% người trên 18 tuổi.

Trong công tác chống dịch ở TP. Cần Thơ có một số vấn đề như khi số lượng F0 tăng quá cao gây áp lực lên các cơ sở y tế, thiếu một số loại thuốc điều trị, trang thiết bị. Cách thức tổ chức lực lượng y tế, trạm y tế lưu động chưa phù hợp với yêu cầu tình hình mới, thiếu nhân lực, trang thiết bị chăm sóc y tế ban đầu. Việc tổ chức điều trị F0, cách ly F1 tại nhà còn một số lúng túng, nhất là phát hiện sớm các trường hợp trở nặng nhanh.

Cần Thơ kiến nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở để thực hiện phân loại F0, chỉ định thuốc kháng đông, kháng viêm; bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir (tương đương 10.000 liều); phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân nặng…

Để bảo đảm không thiếu các loại thuốc điều trị như kháng đông, kháng viêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo TP. Cần Thơ cần thống nhất và ra quyết định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm mua sắm trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực.

Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Cần Thơ cần thiết lập hệ thống theo dõi y tế, kích hoạt mạng lưới "thầy thuốc đồng hành" để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ. Việc thiết lập các trạm y tế lưu động căn cứ trên tình hình dịch bệnh của các xã, phường để bảo đảm giám sát y tế đến từng người dân ngay tại nơi ở.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI