|
ĐBQH Bùi Văn Phương và ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo tranh luận trên nghị trường Quốc hội về vấn đề SGK - Ảnh: Quochoi.vn |
Tranh luận gay gắt về sách giáo khoa trên nghị trường
Sáng 4/11, vấn đề đổi mới sách giáo khoa (SGK), trong đó có cuốn Tiếng Việt lớp Một của bộ Cánh Diều tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội với nhiều tranh luận thẳng thắn, gay gắt.
Trước đó, chiều 3/11, sau bài phát biểu của ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, cần phản biện, đóng góp ý kiến về bộ SGK trên tinh thần xây dựng và cho rằng, sai sót trong SGK là nhỏ, không tới mức nghiêm trọng để cơ quan công an vào điều tra.
Bấm nút tranh luận sáng nay, bà Đặng Thị Phương Thảo bày tỏ sự không đồng tình: “Tôi là con đẻ của ngành giáo dục, thừa hưởng nền giáo dục Việt Nam và công tác trong ngành giáo dục, nên tôi tập trung 2/3 bài phát biểu vào giải pháp để cho ngành mình tốt hơn. Tức tôi phát biểu với sự cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để phát biểu trên tinh thần xây dựng”.
Đại biểu Thảo cũng cho rằng, những vấn đề được phản ánh là những bức xúc, kiến nghị của cử tri địa phương chứ không phải của cá nhân. Liên quan tới vấn đề cần cơ quan điều tra vào cuộc, bà Thảo giải thích, quan điểm này phụ thuộc vào góc nhìn của cử tri.
Điều tra xác minh không có nghĩa là chỉ xác minh sai phạm mà còn có thể trả lại sự trong sáng cho cá nhân, tổ chức. Bà cũng nhấn mạnh, về việc bộ SGK mới có sai hay không, sai tới mức độ nào thì cá nhân nào cũng đều không có thẩm quyền khẳng định, phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền.
“Tôi là người có đủ hành vi, năng lực dân sự và chịu trách nhiệm phát biểu của mình trước cử tri và vì ý kiến từ thực tế nên không có chuyện cử tri hoang mang về đề xuất của tôi. Có chăng tôi cần xin lỗi cử tri vì nhiều đề xuất, ý kiến của họ tôi chưa thể chuyển đến cơ quan có thẩm quyền”, bà Thảo nhấn mạnh.
Tiếp tục tranh luận lại với đại biểu Thảo, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chia sẻ, với 10 năm làm ĐBQH, quan điểm của ông về việc tranh luận trên nghị trường quốc hội là rất bình thường. Trước kỳ họp này, ông đã tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của các thầy cô giáo cũng như cử tri. “SGK có lỗi, có sạn nhưng không tới mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu”, đại biểu Phương tái khẳng định và cho rằng, nếu với những lỗi này mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn thì hơi… quá mức.
Cũng trong phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, bên cạnh những sai sót trong bộ SGK mới, cần có cái nhìn đầy đủ, khách quan, ghi nhận cả những điểm đã đạt được của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng.
Sai sót trong sách Tiếng Việt lớp Một là có!
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc sai sót của SGK thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Trước nhiều ý kiến tranh luận về SGK, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi thẳng về vấn đề này trên nghị trường. Phó thủ tướng chia sẻ, không chỉ tới kỳ họp Quốc hội lần này mà trước đó đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của nhiều người dân, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn cũng như những người dân bình thường trong vai trò là ông, là bố, mẹ…
Phó thủ tướng cũng đưa ra thực tế, do Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục nên kỳ họp Quốc hội nào cũng có chủ đề liên quan được cử tri quan tâm. Cụ thể, với vấn đề “nóng’’ ở kỳ họp này, thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, việc hướng dẫn, biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa… đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục (sửa đổi). “Luật quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chịu trách nhiệm về SGK và tất cả các khâu đó”, Phó thủ tướng khẳng định.
Dù luật quy định rõ ràng, SGK không thuộc trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhưng thực tế Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thường xuyên đề cập vấn đề này trong các cuộc họp.
Qua các buổi làm việc, về sơ bộ, Phó thủ tướng đồng tình với quan điểm của ĐBQH là sai tới đâu, tới mức nào phải có cơ quan chuyên môn: “Kể cả Bộ trưởng Nhạ cũng nói với tôi là Bộ trưởng không có kiến thức và kinh nghiệm về dạy Ngữ văn lớp Một. Vì vậy, cần cơ quan chuyên môn”.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhận định, cuốn Tiếng Việt của bộ Cánh Diều là có lỗi, có sai sót… và cần phải tiếp thu cầu thị, khoa học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo với Chính phủ, nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, mà cụ thể là Bộ trưởng. Theo báo cáo, Bộ cũng đã có hành động kiên quyết như thay chủ tịch hội đồng thẩm định.
Phó thủ tướng lưu ý, những sai sót này là có thể tránh được, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, nghiêm khắc để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp Hai và lớp Sáu năm nay không lặp lại. Phó thủ tướng cũng cho rằng, có nhiều việc Bộ đã không thông tin kịp thời. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, nhân dân trước khi đưa SGK vào giảng dạy.
Minh Quang