Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Miền Tây cần quyết liệt dập dịch, sau đó tăng cường cho TPHCM

21/07/2021 - 18:39

PNO - “Áp dụng cơ chế như thời chiến, tuyệt đối không có lôi thôi mới kiểm soát được dịch bệnh ở miền Tây Nam bộ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ, gồm Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long nhằm kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tại Vĩnh Long, sau khi xem qua báo cáo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi như vì sao tỉnh coi dịch bệnh hiện giờ chưa phức tạp? Hiện thiếu bao nhiêu máy xét nghiệm, bao nhiêu sinh phẩm, công tác dập dịch ra sao… Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, hiện địa phương đang thiếu 10.000 kit test. Phó thủ tướng chỉ đạo phải điều ngay kit test cho Vĩnh Long.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long chiều 21/7
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác tại buổi làm việc ở tỉnh Vĩnh Long chiều 21/7

"Phải truy quét quyết liệt dịch bệnh ở các "vùng đỏ", phải huy động kịch liệt, nếu để từ từ là chết. Như báo cáo hiện tại là không được. Tôi đã điều kit cho anh, nhưng xài phải tiết kiệm", Phó Thủ tướng nói. Hiện Bộ Y tế chưa cho test gộp 30 mẫu, chỉ được phép 10 hoặc 20 mẫu. Nhưng phó thủ tướng cho rằng dịch mà căng thì 30 mẫu cũng phải gộp.

"Phải chạy kịch liệt công suất cho tôi, mục đích là giải quyết các điểm nóng ở các tỉnh miền Tây, rồi điều động nhân sự lên giải quyết điểm nóng ở TPHCM. Tôi thấy các anh chị điều hành chưa tốt", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Vĩnh Long cần cập nhật nhanh, chính xác dữ liệu về dịch bệnh để có hướng chỉ đạo tăng cường hỗ trợ.

Về điều trị, Phó Thủ tướng đề nghị phải xét nghiệm phân loại lượng virus trong từng người bệnh, phân loại khu cách ly theo cấp độ bệnh nhân nặng, nhẹ. Qua đó, giúp công tác truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn. Buộc phải tách các trường hợp F0 ra để cách ly, nhưng phải cách ly, điều trị ở nơi thông thoáng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết những ca nhẹ chỉ cần cho thở oxy áp suất liều cao là bệnh nhân sẽ không diễn biến nặng. Hiện Bộ Y tế đang đặt máy oxy áp suất cao, có là triển khai vào điều trị, không để diễn biến nặng. "Tôi hứa, khi nào có thiết bị y tế điều trị COVID-19 nhập về đến nơi là sẽ cố gắng phân bổ theo số lượng phù hợp. Có tiêm vắc xin thì ít nhất 9 tháng nữa Việt Nam mới an toàn", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, đến nay địa phương này có 120 ổ dịch, với gần 1.400 ca mắc COVID-19. Tiền Giang hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như: địa bàn khá rộng, dân số đông và nhiều công nhân đến làm việc cho một số dự án lớn của trung ương; năng lực của một bộ phận y tế cấp cơ sở chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; quá tải khu cách ly, bệnh viện dã chiến…

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, diễn biến dịch ở Tiền Giang còn phức tạp, số ca nhiễm còn tăng và những ca nặng sẽ còn nhiều hơn. Hiện nay, nhiều trường hợp F0 vẫn còn trong cộng đồng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết, thời gian qua, tỉnh quán triệt phương châm chăm lo cho sức khỏe của người dân, ưu tiên thực hiện "4 tại chỗ" để tập trung cho công tác phòng chống dịch. 

"Từ khi dịch bùng phát, tỉnh luôn quyết liệt công tác phòng, chống từ sớm, kịp thời lập chốt kiểm soát dịch và cho test nhanh toàn bộ bà con ngoài tỉnh về. Nhờ đó kịp thời khoanh vùng, cách ly các trường hợp F0 hạn chế lây lan trong cộng đồng. Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ cho Bến Tre tiêm phòng 1 triệu dân để có đủ điều kiện miễn dịch trên toàn tỉnh, thành lập "vùng xanh" và căn cứ địa cho khu vực”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, diễn biến dịch COVID-19 tại Tiền Giang rất đáng lo ngại. Trong một thời gian ngắn, số lượng ca nhiễm đã tăng nhanh, số người tử vong nhiều (22 ca tử vong). Vì vậy, tận dụng thời gian giãn cách xã hội, tỉnh phải quyết liệt hơn nữa để kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong. 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định một số ca F0 vẫn lẩn khuất trong cộng đồng. Chính vì vậy các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm việc đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng. Tuyệt đối không để ai từ vùng dịch về địa phương mà không khai báo, ai không khai báo xử lý nghiêm.

"Cán bộ đảng viên, viên chức đi công tác hay người nhà ở địa phương khác về phải khai báo trung thực. Nếu không là xử lý ngay để làm gương. Áp dụng cơ chế như thời chiến, tuyệt đối không có lôi thôi mới kiểm soát được dịch bệnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc sáng 21/7 với một số tỉnh miền Tây Nam bộ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc sáng 21/7 với một số tỉnh miền Tây Nam bộ

Đối với tỉnh Bến Tre, nhiệm vụ trước mắt của địa phương này là bằng mọi giải pháp cố gắng xây dựng thành vùng an toàn trong thời gian nhanh nhất. Tỉnh dùng tổng lực thành lập "vùng xanh" bền vững trong điều kiện bình thường mới. Cố thủ và dồn lực hỗ trợ cho các "vùng đỏ" trong khu vực. Trong đó, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các ngành, các cấp.

Tổ chức xây dựng lực lượng xét nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu khi có dịch xảy ra. Tùy tình hình thực tiễn, địa phương linh động các phương án chống dịch để mang lại hiệu quả tốt nhất, dập dịch thật sớm, cùng các tỉnh Nam sông Hậu trở thành hậu phương vững chắc để trong trường hợp cần thiết sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cho các tỉnh Bắc sông Hậu và TPHCM. Tất cả các khâu phải làm mạnh hơn, nhuần nhuyễn, quyết liệt hơn, mục tiêu lớn nhất là không để tăng số ca F0. 

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ trước mắt của địa phương là bằng mọi giải pháp cố gắng xây dựng thành vùng an toàn trong thời gian nhanh nhất. Tận dụng tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tổng lực thiết lập "vùng xanh" bền vững trong điều kiện bình thường mới.

Cố thủ và dồn lực hỗ trợ cho các "vùng đỏ" trong khu vực. Mục tiêu chính vùng nào là "vùng xanh" thì phải đảm bảo xanh thật chắc và quay lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới, kiểm soát dịch bệnh không cho tái phát trở lại để còn là vành đai vững chắc hỗ trợ cho TPHCM.

Phó Thủ tướng cho rằng: Công tác phòng chống dịch có thể kéo dài do cần thời gian để vắc xin phát huy hiệu quả sau đợt tiêm phòng sắp tới. Vì vậy, tất cả bình tĩnh, kiên định thống nhất "mục tiêu kép", đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống COVID-19. 

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI