Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Chống dịch giống như cuộc chiến, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn'

25/02/2020 - 12:32

PNO - Phó thủ tướng tuyên bố, Việt Nam đã chiến thắng trận đầu tiên trong cuộc chiến chống dịch do COVID-19 gây ra.

Ngày 25/2, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu trên cả nước về công tác chống dịch virus corona chủng mới (COVID-19), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thủ tướng cho rằng, để đạt được kết quả này là do Việt Nam đã chủ động thực hiện phòng dịch từ rất sớm, thậm chí thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn cả khuyến cáo của WHO. 

"Những người tham gia chống dịch hoàn toàn không có Tết. Tôi chỉ nhớ được khoảnh khắc giao thừa, thời điểm Việt Nam thực hiện khai báo y tế bắt buộc", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện 4 kịch bản ứng phó dịch. Trong đó cấp độ thứ tư của dịch là có 1.000 ca nhiễm và thậm chí cấp độ cao hơn. Luôn luôn lường trước tình huống xấu hơn và luôn tính đến tình huống xấu nhất, để tình huống đó không xảy ra. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của quân đội: đây là lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam ra quân toàn quốc tham gia chống dịch.

"Chống dịch cũng giống như cuộc chiến, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Tuy nhiên, giai đoạn sắp tới của cuộc chiến sẽ rất khó lường do đang xuất hiện các diễn biến mới về dịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.  

Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh tổ chức cách ly tập trung phải có những phản ứng nhanh. Trường hợp Vĩnh Phúc là một bài học, nhờ kiên quyết cách ly kịp thời nên đã ngăn chặn nguy cơ lây lan. 

Bên cạnh việc chống dịch, Phó thủ tướng cũng cho rằng cần phải đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Cần tính toán phương án đi học cho học sinh sinh viên an toàn, du lịch an toàn. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng cho biết, Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong khi đó tại nhiều quốc gia, dịch bệnh này đang hoành hành, diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan.

Để đảm bảo có đủ vật tư y tế phòng, chống dịch, cơ quan chức năng đã đồng thuận giảm thuế nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ chống dịch, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang.

"Hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ, như dự phòng cách ly điều trị tại chỗ; nhân lực tại chỗ; trang thiết bị, thuốc men dụng cụ, cơ sở y tế tại chỗ; kinh phí tại chỗ. Hiện các điều kiện này đều đáp ứng được", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh báo cáo về tình hình phòng chống, dịch.
Các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh báo cáo về tình hình phòng chống, dịch

Báo cáo về việc phòng dịch ở biên giới, ông Nguyễn Trung Thảo - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua đã có xấp xỉ 1.400 người từ Trung Quốc về nước qua các đường mòn lối mở. Từ ngày 13/2 tỉnh này đã quá tải khu cách ly, từ ngày 14 đến 21/2, tỉnh đã chuyển hơn 500 người về tuyến sau cách ly. 

Về kinh nghiệm phòng dịch tại tuyến huyện, cụ là thể huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), theo PGS. Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) cho biết, việc cách ly Sơn Lôi được thực hiện cách đây 2 tuần do khi đó đây là tâm dịch, có lây lan ra cộng đồng, uy hiếp khu vực bên ngoài. 

PGS Trần Như Dương chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch tại Vĩnh Phúc.
PGS Trần Như Dương chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch tại Vĩnh Phúc

"Việc khoanh vùng cách ly Sơn Lôi không chỉ chống dịch cho riêng tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng ta cũng phải cảm ơn người dân xã Sơn Lôi", ông Dương nói.

Tổ công tác đã triển khai nhiều biện pháp như lập danh sách toàn bộ nhân khẩu của 2.774 gia đình ở Sơn Lôi, tập huấn cho 30 nhóm, trang bị cho họ biểu mẫu, thiết bị. 

Ngay trong đêm có bản tin ngắn gọn về việc theo dõi sức khỏe toàn dân, thông báo dịch cho tất cả người dân biết. Nhóm này hàng ngày đến từng gia đình đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe, có vấn đề là báo tin ngay cho y tế. 

Ngoài việc chống dịch, tổ công tác cũng chú trọng đến việc khám chữa bệnh thông thường của người dân. Vì vậy đã bố trí 2 xe cứu thương, 1 xe chuyển bệnh nhân thông thường và 1 xe khác để chuyển bệnh nhân nghi ngờ COVID-19. 

Chính quyền TP.Đà Nẵng đã thực hiện việc tiếp nhận 80 vị khách từ chuyến bay xuất phát từ Daegu (Hàn Quốc), đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào ngày 24/2; sau đó, tiến hành các thủ tục cách ly ngay từ chân cầu thang máy bay
Chính quyền TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận 80 vị khách từ chuyến bay xuất phát từ Daegu (Hàn Quốc) vào ngày 24/2; sau đó, tiến hành các thủ tục cách ly ngay từ chân cầu thang máy bay

Tại buổi hop, đại diện Sở Y tế TP. Đà Nẵng thông tin về trường hợp 22 du khách Hàn Quốc đến từ "tâm dịch" Deagu nhưng lại từ chối yêu cầu cách ly với lý do họ hoàn toàn khỏe mạnh, đến Việt Nam để tham quan, du lịch chứ không phải để chịu cảnh cách ly. 

Sau đó, qua vận động của chính quyền với sự kết hợp của Lãnh sự quán Hàn Quốc, 22 du khách này đã chịu ở lại Bệnh viện Phổi để cách ly. Trong thời gian này, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã tìm và bố trí khách sạn để đưa 22 vị khách về cách ly.

“UBND TP. Đà Nẵng hiện đang tính đến phương án bố trí chuyến bay đưa 22 vị khách này về lại Hàn Quốc sớm nhất” - đại diện Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết. Song song, theo Sở Y tế Đà Nẵng, trường hợp phương án này không khả thi (nếu 22 du khách này không chịu về lại Hàn Quốc) thì họ buộc phải chịu sự cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

22 du khách này nằm trong số 80 hành khách đi trên chuyến bay xuất phát từ Daegu - Hàn Quốc đáp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 10g30 ngày 24/2. 

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã lên phương án ngay trong chiều nay sẽ rà soát toàn bộ các khách sạn, điểm lưu trú du lịch tại địa phương với tiên lượng sẽ có rất nhiều du khách nước ngoài đang lưu trú, nhằm lên phương án thực hiện cách ly tập trung, đặc biệt là du khách người Hàn Quốc có liên quan đến các ổ dịch COVID-19 đang diễn ra tại đất nước này.

“Đây là nhiệm vụ cấp bách phải làm” - đại diện Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định, và nhấn mạnh, câu chuyện 22 du khách nói trên “rất áp lực cho địa phương, mọi phương án đưa ra đều làm sao phải đảm bảo vừa ngoại giao vừa chống dịch”.

Một số lãnh đạo vụ, cục của Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí tại TPHCM về tình hình bệnh COVID-19 - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Một số lãnh đạo vụ, cục của Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí tại TPHCM về tình hình bệnh COVID-19 - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Về thông tin tuyên truyền, Ông Vũ Mạnh Cường - Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng (Bộ Y tế) lưu ý báo chí về nguồn tin từ nước ngoài. Những thông tin này trong thời gian qua đã làm hoang mang dư luận. Ông dẫn chứng ba thông tin từ nguồn nước ngoài mà Bộ Y tế Việt Nam không hề khuyến cáo. Đó là tin COVID-19 lây lan trong không khí, thời gian ủ bệnh đến 28 ngày, người đã khỏi có thể bị mắc lại… Khi thông tin này được dịch sang tiếng Việt và đăng tải trên báo chí có thể gây hoang mang cho cộng đồng. Ông Vũ Mạnh Cường nói: "Báo chí lưu ý khai thác thông tin từ nguồn nước ngoài. Có nhiều nguồn tin không đáng tin cậy, hàm lượng khoa học thấp".

TS. Nguyễn Đức Khoa - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đưa ra quan điểm bác bỏ thông tin nói rằng Tổ chức Y tế thế giới - WHO xem Việt Nam là quốc gia đang có tình trạng bệnh COVID-19 đã lây lan cộng đồng. Tình trạng lây lan cộng đồng được tiến sĩ Khoa giải thích là khi một người bị mắc bệnh nhưng không rõ bị lây từ nguồn nào. Nghĩa là lúc này, dịch bệnh đã lan rộng trong cộng đồng. Theo ông Khoa, Việt Nam không nằm trong trường hợp này. Tất cả 16 người dương tính COVID-19 đều xác định được nguồn lây từ đâu. Không có trường hợp nào bị mắc bệnh mà không xác định nguồn lây, nói nôm na là bị lây lan vu vơ ngoài đường. Hiện nay, ngoài Trung Quốc thì Hàn Quốc là nước có tình trạng lây lan cộng đồng.

 

An Vũ - Tuyết Dân - Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI