Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Bắt mạch, định bệnh' hợp tác y tế công - tư

02/06/2017 - 18:04

PNO - Hệ thống công lập của Việt Nam, theo ông Đam, nói chung cần được đổi mới mô hình quản lý nhưng nếu hợp tác công - tư không chọn con đường phi lợi nhuận thì sẽ không lường hết được các hệ quả sau này.

Ngày 1/6, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi thăm hệ thống y tế cơ sở tại TP.HCM. Đặc biệt, ông Đam có những chỉ đạo và khích lệ mô hình thí điểm xã hội hóa trạm y tế tại P.11, Q.3 - “trạm y tế đa khoa” đầu tiên cả nước do tư nhân đầu tư.

Không mặn mà đầu tư vào y tế cơ sở

Với mô hình mới của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, để y tế cơ sở tiếp cận được các dịch vụ chất lượng, điều quan trọng và khó khăn nhất vẫn là đầu tư.

Pho Thu tuong Vu Duc Dam: 'Bat mach, dinh benh' hop tac y te cong - tu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Ngọc.

“Toàn quốc có hơn 10.000 trạm y tế phường xã. Trong đó khoảng 50% trạm cần phải nâng cấp, xây mới. Đầu tư nhà nước rất khó khăn. Người dân gần như không có niềm tin vào y tế cơ sở mà đi thẳng lên tuyến trên, dẫn đến quá tải. Từ trước đến nay, không có nhà đầu tư nào mặn mà với y tế cơ sở cả. Họ chủ yếu quan tâm đến đầu tư vào BV, phòng khám chứ không đầu tư cho trạm y tế”, ông Long nói.

Theo Thứ trưởng Long, nếu trạm y tế P.11 vẫn bảo đảm tiếp tục phục vụ cho các chương trình mục tiêu quốc gia về dự phòng, vừa bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân, góp phần giảm tải, đương nhiên bộ ủng hộ.

Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND Q.3 báo cáo với Phó thủ tướng, mô hình xã hội hóa trạm y tế đã được quận mời gọi đến nhà đầu tư thứ 20 mới tìm được người có tâm huyết làm. “Mới nói về nhân sự thôi đã thấy khó khi địa bàn của chúng tôi có 14 trạm mà chỉ có 7 BS. Kinh phí chi thường xuyên cho các trạm y tế đã ngốn ngân sách trên dưới 10 tỷ đồng/năm, nhưng cũng chỉ đủ trang trải một phần.

Về cơ sở vật chất, để được như trạm y tế P.11 hiện nay, bình quân phải đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng/trạm. Với 14 trạm, vị chi là 280 tỷ đồng, không thể nào quận có nguồn để đầu tư. Trong khi với mô hình mới, cơ sở khang trang, BS được tăng cường ngay. Quận luôn đòi hỏi nhà đầu tư về chất lượng phục vụ”, ông Thái cho biết. Ông cũng bày tỏ nguyện vọng cho Q.3 mở rộng mô hình này với tất cả các trạm y tế còn lại.

Hiện, sau hai tuần hoạt động theo mô hình mới, trạm y tế “đa khoa” P.11, Q.3 đã tiếp nhận trung bình mỗi ngày 30 lượt bệnh nhân. Đây là con số trong mơ đối với tất cả các trạm y tế.

Nên chọn con đường phi lợi nhuận

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, một trong những khuyến nghị của thế giới với Việt Nam là không nên tư nhân hóa các cơ sở y tế công, bởi điều đó có nghĩa là phải chạy theo lợi nhuận. Theo ông, hệ thống công của Việt Nam cần được đổi mới mô hình quản lý, nhưng nếu không lường hết các hệ quả của việc hợp tác công - tư thì dễ thất bại.

Pho Thu tuong Vu Duc Dam: 'Bat mach, dinh benh' hop tac y te cong - tu
Trạm y tế “đa khoa” P.11 đang được kỳ vọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho y tế cơ sở và góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên. Ảnh: Quốc Ngọc.

“Ngay cả trong các BV công lập, vẫn còn tình trạng lẫn lộn giữa khám dịch vụ với BHYT, là do xuất phát từ công - tư. Nếu chỉ vì lợi nhuận, các đối tượng cần quan tâm trong xã hội sẽ ảnh hưởng. Cho nên đổi mới mô hình nhưng phải tránh tư nhân hóa theo hướng vì lợi nhuận. Công với tư mà cùng với nhau vì lợi nhuận thì khó lường hết được những rủi ro”, ông Đam nói.

Điều mà ông Đam lo, chính là hợp tác công - tư phải tính đến sự lâu dài, không để mô hình này lặp lại tình trạng như trong BV công hiện nay, “lẫn lộn” công - tư dưới tên gọi đẹp đẽ là “xã hội hóa”, thực chất là tư nhân len lỏi vào một cách không chính thức, tạo sự bất bình đẳng ngay trong BV công.

“Bây giờ dù biết là lỗ thời gian đầu nhưng phải tính một ngày nào đó, có nguồn thu vượt chi, thì phần vượt đó doanh nghiệp làm gì? Tôi kêu gọi đã hợp tác công - tư thì nên phi lợi nhuận. Phi lợi nhuận chính là không chia cổ tức, không chia lời lãi nữa mà dùng nó vào việc tái đầu tư cho cộng đồng… Có như thế, điều lớn lao mà chúng ta cần làm, đó là y tế cơ sở có thể lập được sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân. Tức phải làm sao cho từng người dân đều được khám sức khỏe định kỳ, đừng để tình trạng có bệnh nặng rồi mới đi BV”, Phó thủ tướng mong mỏi.

Đáp lời Phó thủ tướng, ông Phan Quốc Việt - đại diện Công ty CP Y tế Việt Anh, đơn vị đầu tư thí điểm vào trạm y tế P.11, Q.3 - tuyên bố, các hoạt động của doanh nghiệp này vào dự án xã hội hóa trạm y tế phường xã của TP.HCM chắc chắn sẽ đi theo hướng phi lợi nhuận. 

Khác nhau giữa Đông - Tây

Nhận xét về thái độ, cách ứng xử đối với các mô hình, ý tưởng mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra so sánh thú vị giữa Đông và Tây. “Người ta nói phương Đông, phương Tây có nhiều thứ khác nhau. Và có thứ khác nhau rất căn bản. Đó là người phương Tây khi có ý tưởng mới thì được động viên làm và sẽ khẳng định đúng sai, hay dở trong thực tế. Ngược lại, trước các ý tưởng mới, người phương Đông thường đặt ra rất nhiều câu hỏi. 

Câu hỏi đầu tiên là cái này có hại gì không? Trả lời câu hỏi này mất một thời gian. Sau đó, hỏi tiếp cái này có lợi không? Mất thêm một thời gian nữa để trả lời. Sau đó hỏi tiếp, cái này khả thi không? Trả lời xong là… xong luôn”, ông Đam cười dí dỏm

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI