Nhiều đơn vị hỗ trợ tư pháp lạm quyền
Những bất cập, hạn chế của ngành tư pháp được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai ngành Tư pháp năm 2020, sáng 24/12.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã dẫn chứng câu chuyện một người dân ở Q.12, TPHCM. Mặc dù đất chưa có giấy tờ hợp lệ, lại đang có tranh chấp, chồng lấn với đất quốc phòng nhưng người này vẫn chuyển nhượng, mua bán cho nhiều người thông qua hợp đồng tặng cho.
Cụ thể, người này đã nhờ một văn phòng thừa phát lại lập vi bằng cho các giao dịch, với tổng cộng 85 vi bằng hứa tặng cho. Kết quả, khi biết khu đất đang có tranh chấp, chồng lấn với đất quốc phòng, hàng loạt nạn nhân đã phải ra đến Hà Nội để khiếu kiện, nhờ nhiều cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong vụ việc nói trên, văn phòng thừa phát lại - một cơ quan hỗ trợ tư pháp đã vượt quá thẩm quyền, dẫn đến rủi ro cho người dân trong thực hiện các giao dịch. Nếu ngành tư pháp không xử lý những “chướng ngại” thế này, xã hội sẽ không thể nào phát triển được.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, quá trình giám sát, kiểm tra, xử lý trong rất nhiều vụ việc, ngành tư pháp vẫn đang còn chậm trễ; nhiều văn bản được ban hành không đúng với quy định pháp luật.
“Vừa qua, một số địa phương qua thanh tra, kiểm tra thì phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật có lỗi của cơ quan chức năng, lãnh đạo” - ông Bình khẳng định.
Từ đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu ngành tư pháp tại các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương cần thấy rằng trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, mỗi một quyết định hành chính hay văn bản ban hành đều tác động rất lớn đối với địa phương nói riêng, xã hội nói chung.
“Nếu văn bản, quyết định không đảm bảo đúng quy định pháp luật thì khi áp dụng trong các trường hợp như triển khai dự án, thu hồi đất, xử lý vi phạm đều dẫn đến khiếu kiện phức tạp; đặc biệt những vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài” - ông Bình nêu bất cập.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngoài lý do nói trên, thì thực tế trong thời gian qua, nhiều văn bản, quyết định vừa mới ban hành đã phải thu hồi, sửa đổi do có nhiều sai sót, hoặc chồng chéo, cản trở việc thi hành.
|
Hội nghị diễn ra sáng 24/12 |
Chính những chồng chéo đó đã dẫn đến rất nhiều vụ việc bị vướng mắc, ách tắc trong thực thi pháp luật, nhất là liên quan đến đầu tư công, giải ngân, triển khai các công trình hạ tầng.
“Ngay cả một con sông thôi, địa phương thì muốn làm kè thì kè này lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Những vướng mắc, chồng chéo như thế này sẽ phải báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ, thông qua từng vụ việc cụ thể, xem ách tắc ở đâu để kịp thời tháo gỡ" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.
Kiến nghị các nội dung liên quan đến tranh chấp đầu tư quốc tế
Liên quan đến hoạt động tư pháp tại TPHCM, Sở Tư pháp TPHCM cho rằng, một trong những vấn đề nổi bật chính là phát sinh một số vụ tranh chấp đầu tư quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, đất đai… gây tốn kém nhân lực, vật chất; ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.
Từ thực tiễn đó, tại hội nghị, Sở Tư pháp TPHCM kiến nghị một số nội dung cần được quan tâm, điều chỉnh.
Cụ thể, theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, các cơ quan Nhà nước không phải là chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực tư pháp, khó có thể nhận biết sớm và đối phó được những điều khoản bất lợi “gài” trong hợp đồng.
Do đó, việc thuê và sử dụng luật sư phải được tổ chức ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng. Nhưng việc kiểm tra, đảm bảo chất lượng tư vấn luật, luật sư cũng là một vấn đề quan trọng để đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
|
TPHCM kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến đầu tư quốc tế |
Cần có cơ chế giao Cơ quan đại diện UBND TPHCM ký kết hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là cơ quan có trách nhiệm theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng, tránh phát sinh tranh chấp, khiếu kiện quốc tế.
"Khi có tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thì đề nghị xem xét, cân nhắc trao quyền cho cơ quan chủ trì quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình trong quá trình làm việc với nguyên đơn" - ông Hạnh kiến nghị.
Ông Hạnh cho rằng, các cơ quan Nhà nước hiện nay thường kiêm nhiệm việc quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; dẫn đến việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế không thực sự hiệu quả. Từ đó cần có cơ chế xây dựng cơ quan chuyên trách, tập trung đầu mối giải quyết.
Cuối cùng, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho rằng, nên tách bạch vai trò “cơ quan quản lý nhà nước” và vai trò “cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước” trong quan hệ với Nhà đầu tư nước ngoài.
"Việc này để tách bạch vấn đề một quyết định do cơ quan nhà nước ban hành là quyết định hành chính (của cơ quan quản lý nhà nước) hay quyết định dân sự (của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước) nhằm xác định đối tượng và phạm vi nhà đầu tư nước ngoài khiếu kiện là đúng hay sai" - ông Hạnh khẳng định.
Thi hành án xong gần 53.000 tỷ đồng Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2019, các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 972.376 việc (tăng 4,99% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là 737.061 việc, đã thi hành xong 579.256 việc (tăng 1,42% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 78,59%. Về tiền, tổng số thụ lý là hơn 273.748 tỉ đồng (tăng 39,81% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 148.791 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 52.715 tỉ đồng (tăng 52,77% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 35,43%. |
Tuyết Dân