Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng “điểm mặt” các nguyên nhân gây mưa lũ do con người gây ra

06/11/2020 - 18:41

PNO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân do con người tác động, gây hậu quả nặng nề trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tình hình mưa lũ tại miền Trung để lại hậu quả nặng nề
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tình hình mưa lũ tại miền Trung để lại hậu quả nặng nề

Kết thúc phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời về vấn đề mưa bão, lũ lụt được người dân và đại biểu quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm.

Phó thủ tướng cho biết, biến đổi khí hậu, thiên tai dị thường, thời tiết cực đoan, đặc biệt là sạt lở đất đang là một vấn đề thách thức toàn cầu, trong đó châu Á bị thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philppines, Việt Nam...

Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân chính của sạt lở đất như đợt mưa lũ vừa qua đã được các bộ trưởng trả lời tại phiên thảo luận, chất vấn. Phó thủ tướng chỉ nhấn mạnh tới các nguyên nhân chủ quan do con người gây ra.

Thứ nhất, trong những năm qua, thực hiện phủ xanh đất trống rừng trọc, tới nay, Việt Nam đã đạt 41% tỷ lệ che phủ rừng. “Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp, nhiều đại biểu đã phát biểu đúng”, Phó thủ tướng nói. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy chưa được ngăn chặn triệt để, hiệu quả.

Đặc biệt tình trạng phá rừng lấy gỗ xảy ra ở nhiều nơi. Việc trồng rừng thay thế với các dự án lấy đất rừng để phát triển kinh tế chưa được kiểm soát chặt chẽ… từ đó ảnh hưởng tới việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và là nhân tố quan trọng khi mưa lũ xảy ra.

Thứ hai, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại miền núi như giao thông, điện… đã làm thay đổi địa hình, độ ổn định kết cấu địa chất, dễ gây sạt lở đất. Mặt khác, xây dựng công trình giao thông gây cản trở lũ, làm lũ dâng cao. Các công trình nhà ở, khu dân cư, bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng… tại khu vực miền núi không được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt về yếu tố địa chất, trở thành nhân tố tác động sạt lở đất, đá.

Thứ ba, việc xây dựng công trình hồ đập, thủy điện nếu không làm chặt chẽ thì có tác động rất lớn tới mưa lũ, đe doạ sự an toàn của hạ du.

Phó thủ tướng chỉ ra, nước ta có trên 7.500 hồ đập, thủy lợi, thủy điện. Trong những năm qua, các hồ đập, thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt, cắt lũ… như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, hồ Kẻ Gỗ, Sông Tranh… Các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, điều tiết lũ trong mùa cạn và còn tạo nguồn điện lớn, sạch, giá rẻ...

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xây dựng các công trình hồ đập, thủy điện, thủy lợi có tác động tiêu cực tới môi trường và đa số đều xây dựng ở miền núi, trung du. Việc xây dựng công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng chỉ ra điểm yếu trong công tác cứu hộ, cứu nạn ở miền Trung. Chúng ta ta huy động lực lượng công an, quân đội theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng chưa có lực lượng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp ở cơ sở thiếu các phương tiện tiện chuyên nghiệp nên tiếp cận chậm với các điểm sạt lở.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết phải hoàn thiện thể chế liên quan phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung xây dựng luật, nghị định.

Ngoài ra, cần rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở xây dựng các biện pháp để đối phó với thiên tai, lũ bão, hạn mặn; xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, chuyên ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh gắn với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn dự án ưu tiên trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở với tỷ lệ thích hợp. Việc này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và đã thực hiện nhưng hiện nay tỷ lệ bản đồ chưa phù hợp với các khu vực, mới chỉ ở tỷ lệ lớn, chưa có tỷ lệ nhỏ nên chưa phát hiện chính xác địa điểm sạt lở.

Chúng ta cần phải di dời dân. Kinh nghiệm của các nước phát triển thì di dời dân trước khi bị sạt lở đất là yêu cầu số một để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Phó thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm như Nhật Bản, Hoa Kỳ để thông báo tới người dân nếu nguy cơ sạt lở đất diễn ra. Các công trình phát triển kinh tế - xã hội phải kiểm soát chặt chẽ, gắn với biến đổi khí hậu từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập dự án, quản lý đầu tư xây dựng tới vận hành, khai thác, đặc biệt là thủy điện nhỏ để hạn chế tối đa xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ….

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI