Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt lở đất ở Bạc Liêu và Cà Mau

11/08/2024 - 16:02

PNO - Ngày 11/8, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã đến khảo sát thực tế, làm việc với tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau về sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang có tỉ lệ sạt lở bờ biển phức tạp. Cụ thể, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm ở Cà Mau khoảng 83,85km, trong đó bờ biển Tây là 22km, còn bờ Biển Đông là 61,85km. Chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425km trên tổng số chiều dài 8.118km.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác, khảo sát sạt lở ở tỉnh Bạc Liêu
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác, khảo sát sạt lở ở tỉnh Bạc Liêu

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, hiện nay sạt lở ven biển cần xử lý ngay với chiều dài hơn 21,5km, nhu cầu vốn trên 1.000 tỉ đồng. Còn sạt lở ven sông dài 5,7km, với nhu cầu vốn 684 tỉ đồng; sụt lún trên 700 điểm, với chiều dài hơn 16km, nhu cầu vốn 17,5 tỉ đồng…

Tại tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, cần có giải những pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên đã kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho tỉnh Bạc Liêu hơn 3.400 tỉ đồng thực hiện tại 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách, phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất… với tổng chiều dài gần 80km.

Tình hình sạt lở đê biển ở Bạc Liêu đang gia tăng
Tình hình sạt lở đê biển ở Bạc Liêu đang gia tăng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lo lắng, tình hình sạt lở càng ngày nghiêm trọng hơn, không giảm đi. Bộ đang làm đề án phòng chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn… lấy ý kiến các địa phương. Trong đó, có đưa ra giải pháp công trình, phi công trình, vốn, cơ chế chính sách. Quan điểm là giải quyết dứt điểm sạt lở bờ biển Tây (gồm có Kiên Giang và Cà Mau). Trong khi bờ biển Đông sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở Bạc Liêu và Cà Mau.

Tuy nhiên, việc làm kè phòng chống sạt lở tốn kinh phí lớn. “Làm 1 km kè cứng tốn cả trăm tỉ đồng, còn kè mềm cũng khoảng 60 tỉ đồng, cao gấp đôi đầu tư so với bờ biển Tây”, ông Hiệp thông tin và cho biết bộ đang nghiên cứu đưa những giải pháp kỹ thuật vào công trình để giảm nguồn lực đầu tư.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - phát biểu
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ủng hộ quan điểm của các địa phương về sự cần thiết phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng chống sạt lở, sụt lún. Theo đó, các địa phương phối hợp với các bộ ngành làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún; có giải pháp bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, bằng mọi giá không để bà con thiệt hại. Phải kiên quyết di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn.

Về kinh phí phòng chống sạt lở, sụt lún… Phó thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc của cả Trung ương và địa phương. Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương hoàn thiện dự án đầu tư, đồng bộ, với đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ đang xây dựng và dự kiến trình Chính phủ trong quý 4/2024.

Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau phòng chống sạt lở, sụt lún, theo quy định…

Văn Phước - Hoàng Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI