Vấn đề dân đặc biệt quan tâm
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật này, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, dự thảo luật nhận được sự quan tâm của người dân với trên 12 triệu lượt góp ý, trong đó, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (chương XII) nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, dự thảo luật đã được nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất. Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Trong dự thảo luật, người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm bằng tiền hoặc bằng khóa học nghề là chưa phù hợp bởi có nhiều người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có đất nông nghiệp để sản xuất, nếu không được hỗ trợ là không công bằng.
Tuy nhiên, dự thảo luật giữ nguyên quy định chỉ hỗ trợ nghề cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ về nghề sẽ làm tăng nguồn kinh phí phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và làm mất ý nghĩa tốt đẹp của chính sách này đối với nông dân. Hơn nữa, dự thảo luật đã bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Phải quy định thời hạn ra quyết định thu hồi đất
|
Dự án khu Mả Lạng, quận 1, TPHCM đã từng bị treo suốt 23 năm nên nơi đây đã thành khu ổ chuột - Ảnh: Bích Trần |
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đề nghị nghiên cứu, bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Ngoài ra, theo ông, cần bổ sung một số nguyên tắc như vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại của cộng đồng, địa phương.
Trong khi đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc ưu tiên quan tâm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về thời gian ban hành quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo hướng thời điểm quyết định thu hồi đất gần nhất với thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về kinh phí chi trả bồi thường, phải nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn chi trả tiền đền bù cho người dân phù hợp khi dự án đã có quyết định phê duyệt.
Để bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, theo Ủy ban Kinh tế, người bị thu hồi đất phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư. Ông Vũ Hồng Thanh nói: “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được xây dựng một cách thỏa đáng, được sự đồng thuận của người dân và được thực hiện công khai, đúng quy định của pháp luật trước khi có quyết định thu hồi đất. Nếu phương án không được đại đa số cư dân khu vực thu hồi đồng ý cao thì phải giải trình, thay đổi”.
Về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hỗ trợ các cơ sở xã hội, tổ chức hoạt động phi lợi nhuận (như các tổ chức giúp người khuyết tật, người già, trẻ em, cơ sở cai nghiện…) bị thu hồi đất; bổ sung chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác, như các phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất có thể lựa chọn.
Cụ thể như, nếu tiếp tục sản xuất nông nghiệp, trong trường hợp có quỹ đất thì người bị thu hồi đất phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường của địa phương, không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu.
Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc quy định về lựa chọn địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên. Quy định trong dự thảo là không hợp lý, chỉ phù hợp trong trường hợp bố trí đối với các dự án liên tỉnh, liên vùng, còn các trường hợp khác thì rất khó bố trí do liên quan đến quy hoạch. Ủy ban này đề nghị, dự án trong phạm vi tỉnh thì phải bố trí tái định cư tại xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; trường hợp xã, phường, thị trấn không có đất để bố trí tái định cư thì mới bố trí sang xã, phường, thị trấn khác.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, chương VII trong dự thảo luật (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) còn nhiều nội dung giao Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết (điều 86, điều 91, điều 92, điều 99…). Ủy ban này đề nghị cụ thể hóa tối đa các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo luật. Đối với những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo luật cần nêu những nội dung mang tính nguyên tắc để có cơ sở cho việc quy định chi tiết và nêu rõ nội dung cần quy định chi tiết.
Huyền Anh