|
Báo cáo của Chính phủ chỉ ra nhiều điểm sáng giữa bối cảnh khó khăn chung của thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra |
Tăng trưởng khá giữa đại dịch
Sáng 22/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo của Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm.
Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững, các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới. Tại Việt Nam, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Dịch đã tác động đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TPHCM.
Trước những khó khăn này, Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc xin và phương châm “4 tại chỗ”, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp... Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc; ban hành và triển khai Nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững...
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường cũng khiến tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng... Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ tăng.
5 giải pháp trọng tâm phòng chống COVID-19
Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới, Chính phủ nêu 5 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TPHCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh.
Thứ hai, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.
Thứ tư, phân bổ vắc xin linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh. Tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. “Không để người dân nào thuộc đối tượng không nhận được hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh
Minh Quang