Kinh nghiệm từ quốc tế
Ông Yasuo Takahashi - nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) - cho rằng, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Trẻ em Nhật được giáo dục bằng những việc làm nhỏ như dọn rác, lau dọn chỗ ngồi học, bàn ăn, phân loại rác, nhận thức sự có hạn của nước, điện… Nhiều người dân khi ra đường sẽ đem theo túi phân loại rác. Họ có thể thu gom rác mà không cần biết rác đó từ đâu, do ai vứt ra; nếu không tìm được thùng rác họ sẵn sàng đem rác về nhà và đợi ngày thu gom rác. Người dân ưu tiên sử dụng xe đạp điện hoặc tàu điện ngầm thay vì phương tiện cá nhân... Tuy nhiên, các loại hàng hóa sử dụng quá nhiều túi nilon vẫn đang là vấn đề tồn tại lớn.
Phó giáo sư Duy Nông - chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp, khoa học dự báo, nông nghiệp và thực phẩm (Csiro, Úc), cho rằng nếu không có chính sách và công cụ hỗ trợ tăng trưởng xanh 1 cách rõ ràng, bao quát và cụ thể thì rất khó đạt được kết quả tốt. Chẳng hạn, muốn khai thác bền vững thủy hải sản, cần có chính sách hạn chế đánh bắt theo mùa. Muốn hạn chế túi nilon cũng cần có chính sách. Để đạt được mục tiêu thúc đẩy các phương tiện chạy bằng khí hydro và điện Malaysia đã chuẩn bị lộ trình cho mạng lưới giao thông, đưa xe điện, xe chạy bằng khí hydro vào chạy thử nghiệm sớm.
|
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 |
Chính sách thuế và trợ cấp trên sản phẩm cũng được một số nước áp dụng. Chẳng hạn, Úc đánh thuế thuốc lá tương đối cao khiến giá thuốc lá đắt đỏ, để người dân giảm sử dụng, nhưng trợ cấp giá xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ để hạn chế sự tăng giá của các sản phẩm này, nhằm ổn định sản xuất và tiêu dùng; trợ cấp trồng lại rừng.
Theo phó giáo sư Duy Nông, để khuyến khích doanh nghiệp thay thế máy móc, công nghệ cũ bằng thiết bị, công nghệ mới thì phải có cơ chế giảm thuế, trợ cấp. Các chính sách và mục tiêu phải cần được sự ủng hộ của người dân, ví dụ họ có thể thay đổi hành vi tiêu dùng để sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như nhựa sinh học, xe điện, lắp hệ thống mặt trời áp mái, có trách nhiệm phân loại rác thải…
TPHCM phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, TPHCM cần ưu tiên phát triển công nghệ số, bán dẫn, công nghệ cao. Ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho đô thị đặc biệt như TPHCM bởi dư nợ tín dụng xanh cả nước chỉ mới chiếm 4,2% tổng dư nợ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để triển khai cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 vì họ có thể tiếp cận một cách đa mục tiêu như cắt giảm các phát thải khí từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh. TPHCM cần có lộ trình, kế hoạch, hành động cụ thể rõ ràng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm mỗi người dân; ban hành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo; ưu đãi hỗ trợ các dự án xử lý chất thải rắn cấp vùng và liên tỉnh; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng đối với các dự án thân thiện môi trường.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TPHCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước), về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
|
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng TPHCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn |
Phó thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung 3 vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Việc học hỏi và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm cần theo từng chủ đề, nhóm đối tượng phù hợp với nhiều hình thức, đi cùng với đó là các hoạt động trao đổi bên lề.
Thứ hai, TPHCM phải tận dụng cơ hội kết nối và hợp tác. Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực phải lớn, tài chính phải mạnh, nhân lực phải giỏi, công nghệ phải hiện đại. Do đó ngoài vai trò của ngân hàng cần sự tham gia hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế với các cam kết hỗ trợ phát triển.
Thứ ba, cần phải có thêm các hoạt động, hành động tiếp nối sau diễn đàn thì mới quyết định sự thành công. Đòi hỏi phải có sự tương tác, phối hợp nhiều mức độ từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người dân. “Với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh TPHCM có Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ thế đặc thù thì TPHCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên TPHCM cần phải tham khảo kinh nghiệm để xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, có như vậy mới huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp và sự chung tay từ người dân” - Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tiếp thu các ý kiến đóng góp, mong được học hỏi chia sẻ kinh nghiệm của mỗi tổ chức cá nhân vào hành trình ý nghĩa này. Vì hành trình này tạo giá trị không phải cho riêng ai, mà cùng nhau tạo nên nền tảng tốt đẹp cho tương lai các thế hệ mai sau.
Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM thay mặt lãnh đạo Thành phố và ông Jeremy Jurgens - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trao bản Tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trước đó 2 bên cùng thống nhất thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM, Diễn đàn Kinh tế TPHCM tham gia vào hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sẽ đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của TPHCM phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế. Qua đó huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. |
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa