Phó thủ tướng kết luận về công tác triển khai xuất khẩu gạo

22/04/2020 - 12:29

PNO - Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ra thông báo 163/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thông báo nêu rõ, do tình hình dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn, việc xuất khẩu gạo cần phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Trước đó, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản 2827/VPCT-KTTH, các cơ quan truyền thông, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong tổ chức đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 cũng như sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo về việc xuất khẩu gạo.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo về việc xuất khẩu gạo

Để việc xuất khẩu gạo trong thời gian tới không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà vẫn bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và các doanh nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung:

Cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai thực hiện cụ thể; bảo đảm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về việc triển khai nhiệm vụ này, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Đối với các doanh nghiệp đã được mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo (trong phạm vi 400.000 tấn), Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương thực hiện rà soát, kiểm tra để phát hiện doanh nghiệp khai khống không có hàng (đăng ký hạn ngạch nhưng chưa có gạo); trên cơ sở đó xử lý cho phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng đồng ý với đề xuất của các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài chính về việc cho phép xuất khẩu nếp (bao gồm: thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020. Bộ NN&PTNT chủ trì, rà soát sản lượng, nhu cầu trong nước đối với mặt hàng nếp, dự kiến lượng nếp có thể xuất khẩu trong thời gian tới, gửi Bộ Công thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2020.

Về việc mua gạo dự trữ quốc gia, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020. Đồng thời cần lưu ý cơ chế giá, thủ tục, ràng buộc giữa các bên để đẩy nhanh tiến độ mua đủ lương thực dự trữ quốc gia.

Trước đó Bộ Tài Chính đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra quy trình xuất khẩu gạo.
Trước những lùm xùm trong quy trình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra 

Các bộ ngành liên quan thực hiện xuất khẩu gạo cần bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan; lưu ý việc xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT tiếp tục tập trung, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu. Đánh giá và dự báo sát sản lượng lương thực và nhu cầu tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI