|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để giải quyết các vấn đề căng thẳng trong giáo dục và y tế phải mất hàng chục năm và là điều bình thường trên thế giới |
Kỳ vọng vào y tế và giáo dục luôn rất căng thẳng
Cuối phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 28/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình nhiều ý kiến băn khoăn của ĐBQH về hai lĩnh vực y tế và giáo dục.
Phó thủ tướng đánh giá cao những góp ý của các ĐBQH rất trí tuệ và trách nhiệm, tâm huyết đối với hai lĩnh vực này. Theo Phó thủ tướng, Việt Nam có sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là của ngành y tế và giáo dục nên 2 ngành này đều được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Ông cũng cho rằng, kỳ vọng vào giáo dục và y tế là có thật ở tất cả các quốc gia và luôn luôn rất căng thẳng, không chỉ ở các nước đang phát triển.
“Gần đây nhất, chúng tôi làm việc với các vị bộ trưởng sang đây dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN. Một vị bộ trưởng trước đó đã làm bộ trưởng Bộ Công Thương và làm rất xuất sắc. Vị bộ trưởng nói rằng: "Khi tôi làm bộ trưởng Bộ Công Thương và được chuyển sang làm bộ trưởng Bộ Giáo dục thì các thành viên nội các có nói rằng khi anh làm bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ có vài nghìn người muốn thay bộ trưởng nhưng khi sang làm bộ trưởng Bộ Giáo dục hãy sẵn sàng với việc có thể có vài triệu người muốn thay vị trí này”, Phó thủ tướng dẫn dụ.
Giải quyết căng thẳng trong giáo dục, y tế phải mất hàng chục năm
Phó thủ tướng đặt ra một số vấn đề với hai ngành này. Thứ nhất, phải cân đối khả năng đảm bảo nền kinh tế toàn hệ thống với kỳ vọng của người dân, những yêu cầu mang tính chuyên môn của ngành giáo dục và ngành y tế.
“Đặc biệt, y tế và giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa, xã hội là những lĩnh vực trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Đây là những lĩnh vực “chuyên đi xin tiền”, thành tích cũng như hạn chế không thấy được ngay. Muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, những bất cập thì cũng nhiều năm mới bộc lộ, khi bộc lộ thì thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được”, ông nêu vấn đề.
Thứ hai, vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục y tế ở tất cả các nước đều là vấn đề rất lớn, kể cả những nước phát triển nhất. Mặc dù các quốc gia này đã có các cơ chế như học bổng, bảo hiểm y tế tiến bộ hơn ta rất nhiều nhưng không thể nào đảm bảo được bình đẳng tuyệt đối. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Mọi người trên thế giới đều nói, có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn”.
Thứ ba, về tự chủ trong giáo dục và y tế. Trong khi các nước phát triển phần nhiều không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì Việt Nam hằng năm vẫn dành 30% ngân sách để chi cho đầu tư hạ tầng. Dù trình độ kinh tế đã thấp hơn, nhưng lại phải dành một khoản rất lớn để đầu tư cho hạ tầng nên năng lực của chúng ta không bằng các nước, thu nhập của người dân cũng thấp hơn, cho nên khả năng chi trả của người dân cũng không được như các nước.
Phó thủ tướng cho rằng, vấn đề căng thẳng trong giáo dục và y tế không thể được giải quyết trong một, hai năm mà phải tính bằng hàng chục năm và đây là điều rất bình thường trên thế giới.
Tự chủ ở Việt Nam đang thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên
Để giải quyết các vấn đề với ngành giáo dục, Phó thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học, ở các vùng đô thị có cơ chế nào đó để không phải dùng lương từ ngân sách nhà nước, có thể từ khoản học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả...
Đối với y tế, ông cho rằng, nếu đảm bảo mức bằng trung bình thế giới, Việt Nam phải tăng gấp đôi biên chế ngành y tế như hiện nay, trong khi hiện nay chúng ta vẫn yêu cầu phải giảm.
Liên quan tới học phí, viện phí, Phó thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận có những giới hạn nhất định song “không thể nào chúng ta đòi hỏi một chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới, trong khi thu nhập của người dân và chi ngân sách cho dịch vụ đấy lại ở mức thấp trên thế giới, người dân cũng không thể chi trả hơn được”.
Bảo hiểm y tế của Việt Nam mệnh giá chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển, trong khi thuốc và máy móc thì phải như các nước phát triển. Do đó, muốn nâng cao chất lượng thì người dân đóng góp thêm một phần và ngân sách Nhà nước cũng phải dành thêm.
Về tự chủ, theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Ở thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó họ được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi. Nhưng ở Việt Nam, vì thiếu tiền nên thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên.
Phó thủ tướng lấy ví dụ tại trường đại học ở Đức, nếu tự chủ, ngân sách nhà nước vẫn lo 85% còn ở Việt Nam thì ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ.
“Chúng tôi rất tha thiết là chúng ta sẽ phải thay đổi việc này. Tôi rất mừng vì các ĐBQH lần này đã chủ động, rất nhiều đại biểu nêu ra vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp thu để cùng với các cơ quan có chức năng rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để chúng ta có những sự đổi mới căn bản hơn”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
M.Quang