Phố Tây đã "gãy": Lạc lõng ở phố nhà

14/12/2015 - 09:35

PNO - Tôi tâm đắc với nhận xét "gãy lâu rồi" mà người bạn kiến trúc sư đánh giá về khu vực tập trung nhiều người nước ngoài nhất TP. HCM.

Lẽ đương nhiên, không phải "gãy" do lún nứt, thông thường hay do phê ma túy như các kiểu dân "anh chị". Không chỉ gãy về quy hoặc đô thị khi tồn tại hàng loạt nhà sập xệ xây dựng từ 30 - 40 năm trước hay thỉnh thoảng lính cứu hỏa phải trở thành "khách mời cấp tốc" của các hostel (nhà tập thể) trong hẻm, những đêm sống ở phố Tây, cái "gãy" mà tôi thấy lại thuộc về điều khác.

2g sáng Chủ nhật, khi phố đi bộ Nguyễn Huệ đã vắng hoe, “phố xe máy” Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) lại chen chúc người đi bộ. Những khách du lịch “bụi” mới đến, những kẻ thất nghiệp, thất tình cùng chào đón ngày mới qua những chai bia.

Những kẻ lang thang

22g thứ Bảy, đường Đỗ Quang Đẩu bị cúp điện. Khách Tây ba lô kéo nhau sang các quán bia nhỏ trong hẻm và mặt tiền đường Bùi Viện. Góc tối dưới mái hiên nhà, những nhóm thanh niên người Nigeria đứng tụm lại nói chuyện, hút thuốc, thỉnh thoảng búng tay tách tách khi thấy phụ nữ đi một mình lướt ngang qua.

Tôi rẽ vào hẻm nhỏ trên đường Bùi Viện, cảm giác rằng những người còn thức đã đổ xô ra hết mặt tiền. Graffi ty vẽ trộm nguệch ngoạc chi chít trên tường. “Hẻm nhỏ quá, cẩn thận kẻo bị lạc đường”, Jubba Da Hutt - một chàng trai Úc đi ngang qua và nói khi thấy tôi đang chĩa máy ảnh về hai bức tường cách nhau chưa đầy 1m.

Hutt trông như một nghệ sĩ rock, áo thun rộng thùng thình, tóc dài ngang lưng. Sau cái khoác vai đầy thân thiện kiểu “tôi yêu Việt Nam” thường thấy ở du khách, giao lưu tài khoản mạng xã hội, chàng trai 20 tuổi chạy như bay ra hướng đường Bùi Viện vì cô bạn gái gọi điện. Một con chuột theo chân Hutt vài mét rồi chui vào cống.

Chỉ một đoạn ngắn chưa đến 30m trong hẻm 265 Bùi Viện đã có đến 10 khách sạn, nhà nghỉ. Đường dẫn vào nhà nghỉ Saigon Inn chỉ đủ một người đi qua. Những nhà nghỉ xung quanh cũng có diện tích cực kỳ hạn chế với mặt tiền từ 3m trở xuống.

Phố Tây có lẽ là nơi duy nhất tại TP.HCM mà tôi có thể thấy nhiều hình ảnh tiết kiệm không gian tuyệt đối. Người dân xếp hai xe máy chạm cả cần số vào nhau. Rồi sau đó, xe đạp gác lên xe máy, xô chậu móc trên xe đạp.

Tôi gọi cho Joey, người bạn Mỹ mới sang hỏi xem đã có chỗ ở chưa. Joey nói đang trong nhà nghỉ “4 chàng trai” gần đó. Ở phòng tập thể 5 đô la một giường nên trước đó Joey ra chợ Bến Thành mua một túi vải có quai đeo quấn vào phía trong quần để cất các giấy tờ quan trọng. “Mày phải mua thêm bình cứu hỏa nữa Joey à”, một bạn ở chung phòng nói kháy tính cẩn thận của Joey vì biết các hẻm phố Tây hay xảy ra cháy.

Pho Tay da
Bên trong hẻm của các nhóm Nigeria

Cả nhóm uống bia buổi tối hôm đó thuộc “liên hợp quốc”, tám người thuộc sáu quốc tịch Việt Nam, Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Singapore. Trong số này, chỉ có tôi và Joey đang làm việc tại TP.HCM, sáu người còn lại đều thất nghiệp hoặc xin nghỉ việc đi du lịch. Andrew, bạn ở chung hostel với tôi tại Khao San (Thái Lan) bốn năm trước, hiện đang sống nhờ trợ cấp xã hội Đức và luôn “siêu tiết kiệm” ở mọi nơi.

Hai thông tin mà Andrew ghi nhớ khi đến Việt Nam gồm: “người Việt Nam rất nhiệt tình” và “mua gì cũng phải trả giá”. Chính vì vậy, cần mua bất kỳ món đồ nào Andrew cũng nói y chang một câu: “Tôi đến từ Đức, cái này bao nhiêu?”.

Nhóm của Joey gọi Andrew là “big shot” (tiếng lóng mỉa mai - nhân vật quan trọng). Tôi cũng phải công nhận điều này vì đến chị bán khoai lang nướng chỉ cần nhìn thấy mặt Andrew là đã giơ củ khoai lên và nói: “Rẻ lắm, hai chục ngàn”. Tôi nói mua đi thì Andrew gật đầu nhưng vẫn quay sang chị bán khoai lang nói bằng giọng tiếng Việt lơ lớ: “Còn mắc lắm. Bớt một chút đi em”.

Phố Tây gần nửa đêm, đông người theo cái kiểu bãi đất trống ở quê ai muốn ra chơi cũng được. Ngậm dầu phun lửa, trẻ em ăn xin, ảo thuật đường phố, kẻ móc túi… thi nhau đổ ra đường. Trinh sát đặc nhiệm Q.1 đảo qua đảo lại liên tục mỗi khi có tin báo đối tượng khả nghi.

Trong cái không khí bát nháo ấy, nhiều khách du lịch không đội mũ bảo hiểm phóng bạt mạng, vừa đi vừa chửi nhau ầm ĩ. Trước cửa hàng tiện lợi trên đường Bùi Viện đoạn gần Đề Thám, một đôi nam nữ người Nga ngồi bệt trên vỉa hè uống rượu, mặt ngơ ngáo trong mùi “cỏ” thơm lừng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI