Phố Tây đã "gãy": "Cứu tinh"... mất hút

16/12/2015 - 07:54

PNO - Đề án quy hoạch xây dựng du lịch phố Tây ở TP. HCM đến lúc này coi như đã bị “ngâm” sang năm thứ 11.

Nhìn thẳng vào sự thật

Trong những sự kiện liên quan đến khu vực phố Tây tại TP.HCM, có lẽ lãnh đạo Q.1 và UBND P.Phạm Ngũ Lão không thể quên hai đêm 21 và 22/7 năm 2014. Sự việc khiến công an thành phố phải huy động gần 100 cảnh sát cơ động và cảnh sát trật tự phản ứng nhanh có mặt.

Ghi nhận tại hiện trường từ rất sớm, phóng viên (PV) báo Phụ Nữ đã chứng kiến cảnh nhiều hộ kinh doanh (chủ yếu là quán bia) phản đối quyết liệt và quá khích. Một số người giăng băng rôn phản ứng khi cơ quan chức năng thu gom bàn ghế và xử phạt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12 (lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Q.1) đã xuống tận nơi để giám sát tìm hướng giải quyết vì cấp phường báo tin tình hình rất căng thẳng. Một số người dân nằm trước đầu xe lực lượng chức năng không cho xe chạy.

Đến rạng sáng hôm sau, an ninh trật tự khu vực mới tạm ổn. Một người nước ngoài tôi gặp lúc đó đã phải thốt lên: “Người dân (người nằm trước đầu xe - PV) liều quá. Tôi cứ nghĩ ngồi vỉa hè là văn hóa truyền thống của Việt Nam. Hóa ra như vậy là sai quy định (!)”. Không ít các ý kiến lúc bấy giờ cũng theo sự kiện này để dẫn dắt trên quan điểm “người nghèo cần được tạo công ăn việc làm”. Ghi nhận và khảo sát ở phố Tây của PV báo Phụ Nữ cho thấy một hình ảnh khác.

Pho Tay da
Một góc phố Tây xập xệ, nhếch nhác

Tôi đã bảy lần trong vai một nhân viên đi thuê mặt bằng kinh doanh, hỏi mua nhà làm trụ sở cho công ty. Mới đây nhất, tôi tìm đến một căn nhà diện tích 3,8mx14m trên đường Bùi Viện.

Tiếp tôi là một nhân viên môi giới. “Giá 17 tỷ đồng, không bớt xu nào. Nếu chồng tiền nhanh thì chủ nhà lại “lộc” 50 triệu”, nhân viên này cho biết. Căn nhà tôi xem nằm trong khu vực các quán bia, mỗi tối đón hơn 100 khách và hiện đang cho thuê với giá 50 triệu đồng/tháng.

Cách đó không xa là một căn nhà diện tích 4mx17m cũng rao bán, đang cho thuê 40 triệu đồng/ tháng. Căn nhà ba lầu này chào bán 19 tỷ đồng. Một căn nhà khác nằm gần giao lộ Bùi Viện - Đề Thám chào giá đúng một triệu USD, hợp đồng khách thuê nhà còn hai năm, giá thuê 90 triệu đồng/ tháng.

Theo ghi nhận, một căn nhà khoảng 30m2 trong hẻm đường Bùi Viện đã có giá thuê dao động từ 20-30 triệu đồng/ tháng. Như vậy, người nghèo ở phố Tây thực sự là số đông trong những hộ kinh doanh? Tỷ lệ người dân trong khu vực kinh doanh ở mặt tiền chiếm mức nào? Chưa hề có một báo cáo nghiên cứu nào công bố.

Ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ?

Năm 2005, UBND TP.HCM đã có đề án quy hoạch để xây dựng du lịch phố Tây trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn, giao cho Sở VH-TT-DL chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, theo xác minh của chúng tôi, đến thời điểm tháng 11/2015, UBND TP vẫn chưa nhận được kế hoạch hoàn tất do cơ quan này trình lên.

Phía Sở VH-TT-DL cho biết, đề án đã được thành phố cấp kinh phí từ năm 2009, hiện chỉ còn 1% thủ tục thuộc về trách nhiệm của Sở Khoa học - công nghệ và Sở Tài nguyên - môi trường. Không phải phân tích nhiều cũng thấy rằng, đề án này dưới góc độ quản lý khác nào “cứu tinh” cho bộ mặt trung tâm và du lịch thành phố. Sở VH-TT-DL gặp khó khăn cụ thể ra sao hay có vấn đề về năng lực triển khai mà chậm trễ đến mức “kỷ lục” như vậy?

Pho Tay da
Hiện trường một vụ cháy xảy ra tại phố Tây

Ngoài đề án này, phố Tây balô cũng từng là đối tượng của đồ án do nhóm ba kiến trúc sư thực hiện, được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Vượt qua 38 đồ án dự thi khác, “Khu Vinh Bùi Viện” của nhóm tác giả Nguyễn Phước Vinh, Hoàng Hữu Gia Hân, Phan Thị Khánh An đã giành giải thưởng duy nhất của cuộc thi Tài năng 2013 do Quỹ CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.

Theo đồ án cải tạo và tận dụng phần không gian đang bị bỏ phí tại phố Tây ba-lô Bùi Viện, nhóm kiến trúc sư này tạo thêm hai tầng “đường đi bộ” nằm lệch về một bên phố.

Đó là những mặt phẳng có bề rộng khoảng 2m, làm bằng bê tông nhẹ, kết cấu đơn giản với những trụ đỡ và cầu thang lên xuống. Hai tầng đường này vừa có chức năng lưu thông, vừa kết hợp làm mái che cho tầng đường ở dưới. Khi hai tầng đường đi bộ này được xây và áp sát một bên phố, mặt tiền tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà cạnh đường sẽ tiếp tục được khai thác thành cửa hàng, quán cà phê, hoặc những mục đích khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI