Phờ phạc với tấm thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện

23/03/2015 - 11:26

PNO - PN - “Tự nguyện hay ép buộc” là câu hỏi của rất nhiều người dân tại TP.HCM khi đi mua bảo hiểm y tế (BHYT) tại xã, phường. Tiếng là BHYT tự nguyện, nhưng với những rào cản và quy định mới, để sở hữu một chiếc thẻ BHYT, theo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một người cần, 7 người phải theo

Bà Nguyễn Thị Phương, 62 tuổi (ngụ quận Gò Vấp) bức xúc: “Tôi mua BHYT tự nguyện bao nhiêu năm nay, chẳng có phiền hà, phức tạp gì. Vậy mà đùng một cái, cô phụ trách bán thẻ BHYT của phường 8, quận Gò Vấp kêu: năm nay có thay đổi mới, bác muốn mua thẻ BHYT tự nguyện thì phải yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình cùng mua, hoặc không bác phải photo đầy đủ thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình mang theo (để chứng minh đã có tham gia BHYT ở nơi khác) thì cháu mới giải quyết”.

Pho phac voi tam the bao hiem y te tu nguyen

Không dễ để mua được thẻ BHYT với một "rừng" thủ tục.

Bà Phương bức xúc: con bà toàn lao động chân tay, không có nhu cầu mua BHYT, không lẽ vì một mình bà mà 7 thành viên trong gia đình đều phải mua BHYT?. Làm vậy khác gì ép dân.

Bộ Y tế có chủ trương toàn dân tham gia BHYT vào năm 2020. Tuy nhiên, theo nhiều người, giải pháp này không thật sự hợp lý, gây ức chế rất lớn cho người tham gia BHYT.

Ông Trần Thái Long, 63 tuổi, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn bức xúc: “ Tôi chẳng hiểu những người làm chính sách suy nghĩ gì mà đưa ra cái quy định kỳ cục như vậy. Chuyện mua BHYT tự nguyện là quyền của dân, ai tham gia là quyền của họ. Đằng này bắt ép một người có nhu cầu, cả gia đình cũng “bị trói” theo, tôi thấy không ổn chút nào”.

Theo ông Long, muốn toàn dân tham gia BHYT thì ngành y tế phải chứng minh được sự đổi mới trong khám chữa bệnh diện BHYT, chứ cứ cái kiểu khám bệnh phân biệt như hiện nay, khó mà khuyến khích dân tham gia. Dân chưa tham gia BHYT vì thấy nó chưa tốt.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM thừa nhận: Với Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung thì BHYT trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc thay vì tự nguyện tham gia.

Đặc biệt, hộ gia đình là đối tượng tham gia BHYT và phải tham gia toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình nếu chưa tham gia theo nhóm đối tượng khác. Chính điểm mới này sau thời gian triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2015, đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

"Căn cứ theo Luật cư trú hiện hành, chỉ một số trường hợp được khai báo tạm vắng. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp thoát ly khỏi gia đình nhưng không tách hộ khẩu. Những trường hợp này không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú nhưng không có cơ sở loại trừ do cơ quan công an không xác nhận đây là trường hợp tạm vắng. Bất cập này chúng tôi sẽ sớm tháo gỡ" - bà Huyền cho biết.

Vì chỉ tiêu và tỉ lệ bao phủ?

Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, tính đến hết năm 2014, TP.HCM có 5,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm 69,18% dân số. Đến hết năm 2015, TP.HCM phải đạt tỉ lệ bao phủ 76%.

Để đạt được tỉ lệ này trong năm 2015, theo tính toán, TP.HCM phải tăng ít nhất 500.000 người tham gia BHYT. Toàn TP.HCM hiện có khoảng 56.000 hộ cận nghèo, nhưng chỉ có 2/3 có BHYT, số còn lại vẫn chưa có BHYT. Đây là một con số không phải nhỏ nếu những vướng mắc không được tháo gỡ.

Pho phac voi tam the bao hiem y te tu nguyen

Đối tượng khám bệnh diện BHYT chủ yếu là người lớn tuổi.

Tại buổi làm việc mới đây với ngành y tế TP.HCM, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận thực trạng này. Bà cho rằng, muốn chính sách BHYT bao phủ toàn dân thì việc đầu tiên là phải tháo khó những vướng mắc cho dân; tăng chất lượng phục vụ của kênh khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

“Chỉ bằng chất lượng khám chữa bệnh, chúng ta mới khuyến khích mọi người dân tham gia một cách tự nguyện. Không thể đẩy hết cái khó cho dân để rồi ngồi đó hy vọng tỉ lệ bao phủ (người dân) tham gia BHYT tự nguyện tăng”, bà Tiến nói.

HUYỀN NI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI