Phỏng độ 2 vì nước thông cống đổ xuống chân

14/09/2019 - 07:00

PNO - Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bị phỏng do nước thông cống. Bệnh nhân nam tên B.M.K., sinh năm 2001, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Tối 9/9, anh K. đổ dung dịch thông cống vào bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh. Nào ngờ, dung dịch này làm thủng luôn ống nối bằng nhựa ở phía dưới chậu sứ rửa mặt và dội thẳng vào chân của nạn nhân. Anh K. bị phỏng rộp cả hai chân, từ cẳng chân xuống tới bàn chân và được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. 

Bác sĩ đã sơ cứu bằng cách cho bệnh nhân xả nước lạnh để rửa trôi hóa chất, làm vết phỏng không sâu thêm. Tại thời điểm đó, anh K. được xác định phỏng độ 2, cho thuốc bôi và uống điều trị ngoại trú, hẹn tái khám.

Bệnh nhân cho biết, đã quên đọc hướng dẫn sử dụng, không biết có cần phải pha loãng dung dịch ra hay không, nên đã đổ thẳng chai dung dịch vào chậu rửa mặt thì xảy ra tai nạn.

Phỏng dọ 2 vì nuóc thong cóng dỏ xuóng chan
Bệnh nhân K. bị phỏng do dung dịch thông cống đổ xuống chân

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện từng ghi nhận vài ca bị phỏng do hóa chất. Nguyên nhân đa phần do người sử dụng làm sai hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc trong lúc thao tác bất cẩn để văng hoặc dính vào da. Điều lo ngại nhất là vết thương bị nhiễm trùng, sẹo gây xấu thẩm mỹ, nếu phỏng ở những vị trí trọng yếu còn gây ảnh hưởng chức năng hoạt động. 

Theo tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học Trường đại học Bách khoa TP.HCM, người dân nên hạn chế dùng hóa chất tẩy rửa, dung dịch thông cống. Trong các dung dịch này có thành phần a-xít, dung môi hữu cơ… A-xít có tác dụng chống bám cặn.

Tùy từng loại rác gây tắc nghẽn mà nhà sản xuất sẽ đưa ra những loại dung dịch tương ứng. Chẳng hạn tắc ở khu vực bồn rửa chén thường do mỡ thì dung dịch thông tắc sẽ có tính chất hòa tan mỡ. Điểm hạn chế của dung dịch dạng này sẽ “hòa tan” luôn cả đường ống làm bằng nhựa một cách tức thì hoặc từ từ tùy độ đậm đặc và tần suất sử dụng.

Còn trong nhà tắm, rác gây tắc đường ống chủ yếu là tóc nên cũng sẽ có các dung dịch chuyên dụng để tiêu hủy các thành phần này. Dung dịch thông cống rất độc hại nếu tiếp xúc trực tiếp vào da. A-xít trong dung dịch tẩy rửa, thông cống có tính ăn mòn, cần hạn chế tiếp xúc với kim loại, gạch men, xi măng và gốm sứ.

Theo tiến sĩ Duy, với bất cứ sản phẩm thông cống nào cũng phải đeo găng tay bảo hộ, thậm chí đeo khẩu trang, làm đúng theo hướng dẫn in trên bao bì. Kể cả sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc vi sinh được cho là an toàn nhưng khi dính vào tay sẽ “ăn da”. Cách sơ cứu khi bị dính hóa chất thông cống, tẩy rửa là rửa trôi vết thương dưới vòi nước lạnh. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI