|
Cơn dông (mực nho trên giấy dó, 2023) |
Thẩm thấu nhiều giá trị mỹ thuật cổ
Phóng viên: Vì sao chị lấy tên triển lãm là Ảnh xạ?
Phó giáo sư, tiến sĩ Trang Thanh Hiền: Ảnh xạ là cái tên đến với tôi hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân. Ảnh xạ là sự phản chiếu, sự in dấu, lúc tĩnh, lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý. Tôi có thể ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, nó ghi nhận phản chiếu vô vàn khoảnh khắc của cuộc sống, còn những tác phẩm hội họa của tôi chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kỹ thuật tạo hình mà còn là những nghiên cứu trong suốt hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh. Nghe thì có vẻ hơi bóng bẩy nhưng đó là một thực tế. Vẽ chính là sự phơi bày tâm hồn mình lên những tác phẩm. Hội họa là thứ ta khó có thể lừa dối ta cũng như người xem.
|
Phó giáo sư, tiến sĩ Trang Thanh Hiền giới thiệu nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam ở Hàn Quốc |
* Bắt đầu là một phó giáo sư nghiên cứu mỹ thuật cổ, hơn 20 năm ròng, có vẻ những sự khao khát sáng tác luôn “ém” trong nội tâm rồi tới ngày cũng phải bung ra như một sự bùng nổ, phải không chị?
- Đứng về mặt sáng tạo thì đúng là như thế. Đôi khi khao khát sáng tạo khiến người ta quên ăn quên ngủ. Trong suốt thời gian gần đây, có thể nói tôi đã rơi vào trạng thái như thế. Dường như trong đầu tôi lúc nào cũng nảy lên hết ý tưởng này đến ý tưởng khác. Thậm chí vẽ ban ngày rồi, buông tay, buông bút, đến đêm chìm vào giấc ngủ, tôi thấy mình vẫn đang tiếp tục vẽ, khắc những thứ còn dở dang ban ngày.
Nghiên cứu nghệ thuật đã nhiều năm nhưng phải nói khi thực sự bắt tay vào thực hành nghệ thuật, tôi mới biết độ thăng hoa là như thế nào. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, 8 năm sau triển lãm cá nhân Đáy sóng lần thứ nhất, mà xa hơn nữa là trong vòng 15-20 năm, những điều tôi suy nghĩ về những giá trị sống, giá trị của tôn giáo hay những thông điệp của cha ông mà tôi đang nghiên cứu và đồng hành, giờ thực sự thẩm thấu buộc mình phải vẽ để “xả”. Mà tôi nghĩ, trong chu trình vẽ của mỗi họa sĩ, “ươm” là lúc ta ủ nó rất lâu, còn “chín” đôi khi chỉ trong khoảnh khắc. Với tôi, Ảnh xạ chính là những khoảnh khắc mà tôi chạm được vào đúng tâm mình sau rất nhiều năm nghiên cứu và âm thầm sáng tác.
|
Đầm thiền (mực nho trên giấy dó, 2022) |
* Việc nghiên cứu mỹ thuật cổ đã ảnh hưởng thế nào tới các tác phẩm hội họa và điêu khắc của chị?
- Từ những năm 2000, tôi đã chập chững với hội họa. Những hình tượng bạn thấy trong tác phẩm của tôi hôm nay dường như đã được hình thành từ bấy giờ. Khi đó, thay vì lựa chọn con đường hội họa, tôi đã bị cuốn theo những cuộc điền dã đình, đền, chùa, miếu hay lăng mộ.
Cũng rất khó lý giải. Tôi khi đó, còn rất trẻ, lại bị mê hoặc bởi những vẻ đẹp của mỹ thuật cổ. Lúc đó, đi nghiên cứu khó khăn hơn nhiều, từ phương tiện đi lại cho đến máy ảnh, máy tính đều rất hạn chế. Có lẽ vì sự hạn chế trên mà việc vẽ lại là một lợi thế của tôi so với cánh nghiên cứu. Phải chăng nó ngấm vào mình, đặc biệt là hệ thống ngữ nghĩa biểu tượng trong mỹ thuật cổ? Đơn cử như hình tượng Phật trong các ngôi chùa.
|
Ảnh xạ là cái tên đến với Trang Thanh Hiền hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân |
Phật có thể là một pho tượng nhưng có khi Phật chỉ là một ký hiệu chữ Vạn. Mà sâu hơn nữa, quan niệm “Sắc - Không” của Phật giáo cũng là Phật, cũng như “Phật tại tâm”. Mỗi người đều có Phật tính trong mình mà đôi khi họ không tự nhận ra. “Sắc - Không” - có và không là như vậy. Thế nên Phật trong các tác phẩm của tôi được mường tượng như hình bóng của một nhân vật ngồi thiền, mà thoạt nhìn ai cũng có thể liên tưởng đến Phật - hay bóng hình Phật. Nhưng trong cái thế giới ý niệm về “Sắc - Không” ấy, với tôi, Phật ôm trọn mọi giá trị.
Bạn có thể thấy trong dáng hình đó là hoa sen - khi nở khi tàn, khi viên mãn, khi trơ trọi, tức mọi trạng thái của cuộc sống. Rồi không chỉ sen mà còn có mây, núi, mưa gió, thậm chí là bão giông… Song, vượt trên tất cả những trạng huống đó của cuộc đời, hình bóng Phật trong tranh hay các tác phẩm điêu khắc của tôi vẫn luôn ở vị thế trung tâm, vững vàng. Đó là tâm Phật, giá trị cốt lõi giữ cho mỗi người được sống đúng với bản thân và vượt qua tất cả.
|
Với Trang Thanh Hiền, khó có thể nói hết về niềm say mê của bản thân dành cho hội họa |
Trong nghệ thuật, tôi được thỏa sức bứt phá...
* Có thể nói những tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng khá nhiều đến tác phẩm của chị nhưng cũng không hẳn như vậy, mà những gì chị thể hiện khá bản năng và mang tính thân phận rất cao?
Các tác phẩm nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ của phó giáo sư, tiến sĩ Trang Thanh Hiền: Hình tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn ở Việt Nam, Cửu phẩm Liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam, Tranh tết - nét tinh hoa truyền thống Việt, Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa… Trong hội họa, chị thường sử dụng giấy dó, mực nho, màu nước. Đặc biệt, bộ tượng gỗ của chị khiến nhiều người bất ngờ bởi khả năng sáng tác đa dạng. |
- Tôi nghiệm ra một điều, trong nghệ thuật Phật giáo, những biểu tượng phồn thực là không ít. Đơn cử như hình tượng hoa sen. Từ nụ, nhị, đến hạt sen vừa mang biểu tượng về sự thanh khiết đồng thời cũng mang biểu tượng của sự nảy mầm, sinh, diệt… và cả sự bất hoại… Không ít người bảo tôi vẽ đầy chất phồn thực với những biểu tượng mang đậm chất đàn bà. Tôi có thể không cố tình nhưng trong suy nghĩ của bản thân, những biểu tượng đó mang đến nguồn năng lượng mãnh liệt để sáng tạo, kết nối những điều tôi suy ngẫm về người đàn bà, về những ngọn nguồn nội tại. Trong xã hội Việt, những người đàn bà Việt lúc nào cũng đảm đang.
Sự đảm đang quán xuyến ấy khiến thân phận của họ đôi khi rất khổ. Đôi khi cái tôi cá nhân cũng phải giấu nhẹm đi để sống cho đúng với những căn cốt, định thức xã hội. Ấy nên trong Phật giáo Việt, hình tượng Bồ Tát đa số được hình tượng hóa là những người phụ nữ. Trong nghệ thuật, tôi được thỏa sức bứt phá với những cảm xúc của bản thân. Dù đó là Phật giáo hay suy nghĩ về phồn thực, tất cả đều là nguồn sinh năng lượng vũ trụ để mỗi người có thể sống. Đó chính là ý nghĩa tối thượng mà tôn giáo nào cũng hướng đến.
|
Tâm thiền (điêu khắc, 2023) |
* Họa sĩ Vũ Đình Tuấn viết: “Ảnh xạ của Trang Thanh Hiền đậm chất ngôn ngữ đàn bà, đàn bà kiểu tràn đầy khát vọng, nổi loạn, cuồng nhiệt, nhường nhịn nhưng thăm thẳm như một dòng chảy”. Chị nghĩ sao về bình luận này?
- Tôi vẫn nói rằng, với hội họa, ta không thể dối trá. Tôi cho rằng Tuấn đọc được hầu hết những thông điệp trong các tác phẩm của tôi. Đôi lúc, tôi thấy mình cuồng loạn thật nhưng dường như tôi luôn phải ghìm, phải cầm cương “con ngựa bất kham” trong bản thân để sống, vẽ và nghiên cứu. Tôi nghĩ, có lẽ một ngày tôi sẽ thả cho nó đi hoang xem câu chuyện nghệ thuật của mình sẽ chảy đến đâu. Tại sao không!
* Các chất liệu chị thường sử dụng trong tác phẩm của mình là gì?
- Riêng về chất liệu và kỹ thuật, điều làm tôi thực sự hứng thú ở cuộc triển lãm lần này chính là sự kết hợp đặc biệt giữa in khắc gỗ và mực nho trên giấy dó. Từ xưa đến giờ, tôi có một niềm đam mê với giấy tự nhiên. Tôi đi khắp nơi, đến đâu tôi cũng hỏi về giấy. Từ giấy mẩy sa đến giấy tre, trúc, giang, dó... Mỗi loại giấy đó tôi đều thử vẽ.
Chúng đem lại nhiều cảm xúc thú vị. Đặc biệt là độ loang của màu và mực. Tôi đặc biệt thích thú với việc in khắc gỗ xong đệm mực loang nhòe. Cái sắc nét của bản khắc tạo ra sự tương phản kỳ diệu, khiến các ý tưởng như được chắp cánh. Ngoài ra, những tác phẩm điêu khắc của tôi cũng chính là những bản khắc. Có khi tôi dùng chúng như khuôn để in ở một số tranh rất giới hạn. Tất cả như tạo cho tôi một sự kết nối, kiểu hết ý tưởng nọ lại nảy sinh ý tưởng kia.
Tôi nợ chùa Bút Tháp một cuốn sách
* Điều gì khiến chị say mê những tinh hoa vốn cổ đến thế? Hoa văn, mỹ thuật cổ hoặc ngôi chùa nào, pho tượng nào mà chị thấy đúng thực là tuyệt tác của cha ông ta?
- Thật ra, khó có thể nói hết về niềm say mê của bản thân. Nhưng có lẽ tôi là người luôn tò mò muốn hiểu những ngữ nghĩa mà cha ông ghi dấu. Với tôi, mỹ thuật cổ là con đường mà ta càng đi càng xa nhưng càng xa lại càng thú vị. Tôi cũng không xác định được rõ đâu là kiệt tác hàng đầu trong kho tàng văn hóa mỹ thuật cổ hàng ngàn đời. Trống đồng có thể vô cùng cổ xưa, có thể hội tụ trong đó vô vàn thông điệp nhưng những di sản thế kỷ XVII cũng không kém cạnh.
Mỗi thời đại lại có những đỉnh cao nghệ thuật khác nhau trên những chất liệu và hình thái khác nhau mà ta cần khám phá. Như hành trình điền dã của tôi chẳng hạn, tôi đến chùa Bút Tháp hàng trăm lần, viết không biết bao bài nghiên cứu, sách về ngôi chùa này mà mỗi lần đến, tôi lại khám phá thêm được những điều mới. Đó phải chăng là duyên phận?
|
Mơ sen (màu nước trên giấy dướng, 2023) |
* Đi thực địa suốt, chị thấy thực trạng của những di sản cha ông để lại đã được quan tâm một cách thực sự và có hiểu biết hay chưa? Hiện nay, số hóa hẳn đã tới được các di tích đó?
- Đáng mừng là khoảng chục năm trở lại đây, các di sản bắt đầu được quan tâm đúng với vị thế của chúng. Việc số hóa cũng đã được làm với một số di tích để quảng bá giá trị của chúng. Đó là việc ta nên làm để lưu giữ và phổ quát không chỉ cho bây giờ mà còn cho sau này.
|
Trang Thanh Hiền đã trình làng những tác phẩm mang tới nguồn năng lượng mãnh liệt, đầy suy ngẫm và có nhiều triết lý nhân sinh |
* Chị là một giảng viên tâm huyết của Khoa Lý luận và phê bình mỹ thuật tại Trường Yết Kiêu - một khoa nổi tiếng ít người theo học, điều này có thể giải thích như thế nào?
- Thời đại này là thời đại nghe nhìn. Khoa của tôi sở dĩ ít sinh viên theo học cũng vì nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là thông tin về khoa, về ngành còn ít được biết đến. Đặc biệt, nghe đến “phê bình”, người ta đã ít nhiều e ngại. Từ ngữ đó ít nhiều đem lại cảm xúc về một sự cũ kỹ. Trong khi đó, các sinh viên khoa tôi khoảng chục năm trở lại đây, khi ra trường đều là những người rất năng động trong các ngành nghề liên quan đến mỹ thuật như: giám tuyển, truyền thông nghệ thuật, phim ảnh…; thậm chí trở thành những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Còn một vấn đề nữa khiến những người tiếp cận e ngại cho rằng vào khoa lý luận chỉ học rặt lý thuyết.
Trong chương trình đào tạo, chúng tôi rất coi trọng thực hành. Không có thực hành thì không củng cố được lý thuyết. Vậy nên vừa rồi kỷ niệm 45 năm thành lập khoa, bên cạnh sách, chúng tôi còn tổ chức triển lãm. Tác phẩm của các “nhà lý luận” cũng ngang ngửa các nghệ sĩ, không kém cạnh gì.
* Có thể thấy một Trang Thanh Hiền rất năng động, tích cực, đầy nỗ lực. Vậy nhưng những lúc mệt mỏi, tinh thần đi xuống, thậm chí sau triển lãm, chị đã vào viện. Lúc đó, “mình đã vực mình” bằng cách nào?
- Đôi khi, tôi không hiểu mình lấy năng lượng ở đâu để có thể làm được bấy nhiêu việc một lúc. Cơ bản là tôi làm những điều tôi thấy đem lại nhiều ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi nghĩ mình còn khỏe thì phải cố gắng, đó cũng là gương cho con cái để con thấy rằng muốn đạt được điều gì, ta phải nỗ lực. Còn “tự vực mình” bằng cách nào ư? Chắc là các ý tưởng về hội họa. Hôm tôi nằm viện, chắc được 2 hôm cơ thể không khỏe nên nằm bết, sau đó, các ý nghĩ về hội họa đã khiến tôi bò dậy và bảo con mang cho mình gỗ và dao khắc, tôi đã ngồi khắc tranh ngay trong phòng bệnh. Có thể là hơi “điên điên” nhưng rõ ràng, điều đó khiến tôi tỉnh táo hơn. Tôi đùa rằng vì làm nghệ thuật mà quá sức nhưng cũng nhờ làm nghệ thuật mà mình bật dậy nhanh hơn.
Thật ra sau trận ốm vừa rồi, tôi cũng tự nhận thức rằng mình phải sống khỏe để có thể “tải” được hết các đam mê của mình. Vậy nên điều tôi hứa với bản thân là tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Mà với tôi, aerobic cũng là một niềm vui. Tôi tập mỗi sáng, vừa tập vừa ngắm những sự thay đổi của thời tiết, ánh sáng qua khung cửa sổ nhà mình. Nó thực sự giúp tôi thư giãn để tiếp nhận nguồn năng lượng sống cho mỗi ngày.
|
Trang Thanh Hiền đã trình làng những tác phẩm mang tới nguồn năng lượng mãnh liệt, đầy suy ngẫm và có nhiều triết lý nhân sinh |
* Ngày xuân, chị thường đi tới vùng miền nào hay di tích nào cho hợp với không khí tết? Chắc hẳn thêm một cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật cổ nữa sẽ được xuất bản vào năm 2024?
- Tôi chưa có dự định gì cụ thể cho những ngày đầu năm mới nhưng có lẽ tôi sẽ đến chùa Bút Tháp. Tôi vẫn đang “nợ” Bút Tháp một cuốn sách. Hy vọng đến cuối năm 2024, tôi sẽ cho ra mắt bạn đọc. Ở đó là những khám phá mới nhất của tôi về Bút Tháp.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Codet Hanoi (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp