Phóng viên: Từ tên đề án có thể thấy, đây là bảo tàng mang quy mô của một vùng, thậm chí của quốc gia. Theo ông, liệu tham vọng của tỉnh Vĩnh Long có quá lớn không?
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: Đó là một tham vọng rất lớn, có tầm nhìn xa trông rộng. Bản thân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng có những đặc trưng rất chung và rất riêng. Nếu bảo tàng đó trưng bày được các vấn đề liên quan đến nông nghiệp của ĐBSCL một cách toàn cục, để nhìn ra cái riêng - chung đó thì rất hay.
Tôi vừa về từ Ma-rốc. Đó là một đất nước có nhiều vùng sa mạc và bán sa mạc. Họ đang làm một bảo tàng di sản về nước đặt tại thành phố Marrakech, nhưng là dự án của một bộ. Và họ chỉ bàn một câu chuyện duy nhất, đó là nước. Với vùng sa mạc, nước là vấn đề cốt lõi. Họ khai thác chủ đề ấy để làm một bảo tàng hiện đại, kể câu chuyện về nước quan trọng thế nào với cuộc sống của người dân.
Có cần thiết phải xây một bảo tàng nông nghiệp ở nước ta hay không? Theo tôi, rất nên. Tôi chỉ băn khoăn, bảo tàng nông nghiệp đó mang tầm vóc, quy mô của riêng tỉnh Vĩnh Long hay là cả ĐBSCL? Bởi lẽ, nếu giới hạn một tỉnh, thì dễ làm, song khó hay. Muốn hay, đó phải là một bảo tàng của cả vùng, đòi hỏi sự kết nối, hợp tác giữa các tỉnh. Tôi cũng không rõ, tỉnh Vĩnh Long đã lường trước được những gì mình có thể làm được chưa.
Muốn làm một bảo tàng tốt, phải mất ít nhất 7-10 năm. Nó đòi hỏi một tư duy về chiến lược, chứ tư duy nhiệm kỳ không làm được. Xây dựng ý tưởng nội dung và tổ chức nội dung cho một bảo tàng đòi hỏi tính khoa học rất cao. Ai làm điều đó? Ai vận hành? Đội ngũ cán bộ tỉnh Vĩnh Long có làm nổi không? Nếu làm, phải đi học, có tư duy mới, thì mới làm được. Bấy nhiêu cũng phải mất 5 năm rồi. Chưa kể, để kết nối chuyên gia tư vấn, cũng mất thêm vài ba năm nữa. Tôi nghĩ, 7 năm chưa đủ, ít nhất 10 năm, mới xong một bảo tàng hiện đại ra tấm ra miếng.
* Theo ông, vùng ĐBSCL đủ điều kiện và chất liệu để dựng nên một bảo tàng nông nghiệp hấp dẫn hay chưa?
- Không những đủ, mà còn thừa sức để làm và rất cần thiết để làm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Ví dụ: trước tình trạng triều cường ngày càng dâng cao, ĐBSCL đang “chìm” từng ngày. Chúng ta chưa biết hình hài ĐBSCL sau này sẽ thế nào. Tôi đồ rằng sẽ rất khác bây giờ. Tại sao và như thế nào lại xuất hiện tình trạng “chìm” đó? Một câu chuyện như thế phải được đưa vào bảo tàng, và bảo tàng nông nghiệp phải nói về những câu chuyện sống động như thế của ĐBSCL.
|
Sắp tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ xây bảo tàng nông nghiệp đầu tiên của nước ta |
* Trong mường tượng của ông, một bảo tàng nông nghiệp đúng nghĩa sẽ được tổ chức ra sao? Có giống với sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua bốn thời kỳ mà đề án của tỉnh Vĩnh Long vạch ra không?
- Nếu thông tin đúng như báo chí đưa, tôi thiển nghĩ đó là một sai lầm nghiêm trọng. Đó là một tư duy làm bảo tàng rất cũ.
Quan điểm của tôi, phải là một cái nhìn xuyên suốt, tổng thể, kết hợp được yếu tố truyền thống - hiện đại, tri thức, kinh nghiệm phi vật thể cũng như các vấn đề khai thác, thích ứng của ĐBSCL như thế nào trong bối cảnh mới… Đó là một bảo tàng sống động, bám chặt vào đời sống nông dân ĐBSCL mà quá khứ và hiện tại nối liền chặt chẽ. Nếu cứ nói về truyền thống lịch sử, tái hiện làng quê Nam Bộ… giống như các công ty du lịch tổ chức tour hiện nay thì rất có vấn đề.
Nếu chi tiền làm một bảo tàng nông nghiệp, nó thật sự phải là một bảo tàng khoa học, trả lời được nhiều câu hỏi khoa học về đời sống, tài nguyên, đất, nước, khí hậu, con người… Thậm chí, những sai lầm trong việc xử lý, ứng phó thiên tai, ngập, hạn trong quá khứ, bảo tàng phải là nơi người ta rút ra bài học để ứng xử với thời nay. Nó không những đẹp, bắt mắt, hấp dẫn, mà còn phải mang tính khoa học sâu sắc nhưng giản dị, gần gũi, tránh sự hàn lâm. Nếu bảo tàng được sắp xếp dựa trên trình bày thuần túy về những hiện vật văn hóa - lịch sử, thì rất dở.
|
Một góc Bảo tàng nông nghiệp ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). |
* Có một bài báo giật tít: “Nông dân không cần bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ”. Họ cho rằng, trong khi ĐBSCL đang gồng mình chống hạn mặn, thì bỏ 400 tỷ đồng xây bảo tàng lúc này quá lãng phí… Suy nghĩ của ông thế nào?
- Người ta chưa hiểu nên mới nói thế. Họ cho rằng, bảo tàng là nơi thuần túy vui chơi, giải trí. Bảo tàng không phải là một thiết chế văn hóa phù phiếm, mà rất khoa học, thiết thực, có tác dụng nâng cao hiểu biết, tri thức về ĐBSCL, giúp thế hệ hôm nay và tương lai tiếp nối những truyền thống cha ông trong việc thích ứng và ứng xử với môi trường, nước, đất đai, khí hậu, cũng như các cây trồng, vật nuôi nông nghiệp của vùng.
Tất nhiên, sẽ có sự ưu tiên cái này hay cái kia tùy thời điểm. Nhưng đừng nhầm lẫn khi cho rằng chỉ có cứu đói, cứu khỏi hạn mặn, hay xây một cây cầu, làm một con đường mới quan trọng, còn làm một bảo tàng thì không. Không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải làm. Vì đó là tương lai của văn hóa, của chúng ta.
* Nhưng vì sao khi nhắc đến việc xây dựng bảo tàng, dư luận lại dậy sóng như thế, thưa ông?
- Xã hội ta hiện nay đương có một tâm lý chung, đó là sợ hãi bảo tàng. Các nhà lãnh đạo rất sợ bàn chuyện xây dựng bảo tàng; người dân càng phản ứng mạnh với việc đầu tư xây dựng bảo tàng. Điều đó bắt nguồn từ thực trạng có rất nhiều bảo tàng đìu hiu, vắng khách; có những bảo tàng ngàn tỷ nhưng bỏ không. Bản thân tôi cũng ngao ngán với những bảo tàng như vậy.
|
Bên trong Bảo tảng nông nghiệp ở Cairo (Ai Cập) - bảo tảng nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, được xây dựng bắt đầu vào năm 1930 |
Hiện nay, ở ta, vừa thừa vừa thiếu bảo tàng. Thừa những bảo tàng như ta vừa nói, nhưng lại thiếu những bảo tàng chất lượng mang tính chuyên ngành. Việt Nam là nước nông nghiệp, có một nền văn minh lúa nước, nhưng lại chưa có một bảo tàng về nó.
Là người công tác lâu năm trong ngành bảo tàng, tôi thấy lãnh đạo các tỉnh, ngành văn hóa phải vượt qua nỗi sợ hãi đó, để làm được những bảo tàng có ý nghĩa, thực sự là những thiết chế văn hóa có ích cho xã hội. Phải thay đổi tư duy làm bảo tàng, làm đúng, làm hay, khiến người ta cảm thấy có ích khi đến bảo tàng.
Chẳng nói đâu xa, như Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các bảo tàng của họ hiện nay đều là những trung tâm văn hóa đột phá. Còn ở châu Âu, trong hành trình khám phá, không thể không có bảo tàng. Tôi tin nước ta sẽ làm được, và nhất định phải làm được những bảo tàng như vậy. Nhưng nếu không thay đổi tư duy về làm bảo tàng, kể cả đầu tư, từ các cấp lãnh đạo trở xuống thì đừng làm, phí tiền của dân.
* Cảm ơn ông.
Đậu Dung (thực hiện)