Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ: “Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa chưa được như kỳ vọng”

24/11/2021 - 07:32

PNO - "Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là dịp để ta nhìn lại chặng đường 75 năm đã đi qua, đồng thời, xốc lại một hành trang cho dân tộc, nhất là văn hóa, để đi về phía trước; với sức mạnh của hàng ngàn năm lịch sử; tranh thủ những thời cơ, thuận lợi mới để vượt qua những thách thức, khó khăn".

Sáng nay 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị nhằm triển khai thực hiện tư tưởng nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến 2045. 

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe, đồng thời cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Điểm yếu của khá nhiều người Việt Nam, trong đó có cả cán bộ các cấp, là việc tuân thủ pháp luật còn yếu. Để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, phải xây dựng và bảo vệ cho được văn hóa pháp quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật”, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương - nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Phụ Nữ TP.HCM trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ông cũng nêu rõ một trong những việc làm cần thiết là xây dựng, bổ sung hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Còn nhiều việc cần làm 

Phóng viên: Thưa phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Thế Kỷ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức năm nay có ý nghĩa như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm nay, tròn 75 năm chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, năm 1946). Trong 75 năm ấy, đất nước nói chung và văn hóa nói riêng đã có nhiều thay đổi lớn. Thân phận của dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam có nhiều đổi thay sâu sắc, từ kiếp nô lệ, bị kẻ thù xâm lược đến sạch bóng quân thù, Bắc - Nam thống nhất, đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng có một ý nghĩa, một tầm mức còn cao hơn, chúng ta đang đứng trước một thời kỳ bản lề để đưa đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - ẢNH: Đ.D.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ 

Đây cũng là thời điểm có nhiều thời cơ, thuận lợi cũng như nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đất nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chúng ta hội nhập sâu và toàn diện hơn với thế giới. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là kết tinh bao nỗ lực, bao sức sáng tạo, cống hiến bền bỉ, liên tục nhiều năm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Chúng ta vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được những thành công nhất định. Song bên cạnh đó, có không ít hệ lụy do mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cơ chế kinh tế thị trường mang lại. Khi ta phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, văn hóa số, truyền thông số, xã hội số… nảy sinh nhiều thách thức, nhất là thách thức đối với văn hóa và con người. Mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng dễ biến mọi thứ thành hàng hóa, thậm chí là thứ hàng hóa rất tầm thường, ảnh hưởng đến cả văn hóa nói chung, đến việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn của con người. 

Thứ nữa, khi chúng ta hội nhập, một mặt vừa là lan tỏa, phổ biến văn hóa Việt ra thế giới, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại; đồng thời, cũng không thể tránh khỏi các “va đập” với thế giới, có những sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa bên ngoài không phù hợp với văn hóa Việt Nam, lối sống của người Việt Nam. Thậm chí, không lành mạnh, độc hại, nhất là trên môi trường internet… Chưa kể, có những vấn đề liên quan đến cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Chẳng hạn, COVID-19 khiến cả thế giới khủng hoảng; việc có nước/người dân đồng ý tiêm vắc-xin, có nơi không - đều là những vấn đề thuộc về văn hóa, lối sống.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là dịp để ta nhìn lại chặng đường 75 năm đã đi qua, đồng thời, xốc lại một hành trang cho dân tộc, nhất là văn hóa, để đi về phía trước; với sức mạnh của hàng ngàn năm lịch sử; tranh thủ những thời cơ, thuận lợi mới để vượt qua những thách thức, khó khăn.
Năm 2021 cũng là 35 năm sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Rõ ràng, đây là thời điểm để ta tổng kết lại chặng đường dài đã qua, những gì đã làm được, chưa làm được, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, từ đó toàn Đảng, toàn dân ra sức đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhằm chấn hưng đất nước, trong đó có văn hóa. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn ra những mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục.

Hoa hậu Ngọc Hân (giữa) trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam với chủ đề Áo dài trên con đường di sản tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 ẢNH: THUẬN HÓA
Hoa hậu Ngọc Hân (giữa) trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam với chủ đề "Áo dài trên con đường di sản" tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 ẢNH: THUẬN HÓA

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới?

- Chúng ta đã đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, phát triển văn hóa và xây dựng con người. Trong các chủ trương, đường lối, nghị quyết, quan điểm của Đảng hay những chính sách, pháp luật thì những vấn đề của văn hóa được đặt ra với một sự quan tâm sâu sắc. Đặc biệt, Đảng có một hệ thống các nghị quyết, từ Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Hội nghị Văn nghệ toàn quốc (1948), đến các nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng sau này, bao giờ cũng có nội dung rất quan trọng là phát triển văn hóa và con người. Các nghị quyết của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tất nhiên, quá trình này có mặt ta làm chưa tốt, cần chấn chỉnh, sửa chữa trong thời gian tới.

* Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa lãnh đạo quốc dân để độc lập, tự cường, tự chủ”. Bác cũng nói, văn hóa “phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”… Dưới góc nhìn của ông, trong mấy chục năm qua, văn hóa đã phát huy được sức mạnh của mình chưa? 

- Chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, thì chưa được như kỳ vọng. Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất mạnh mẽ, quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, kể cả ở một số cán bộ cấp cao. Gần như ngày nào, tuần nào, chúng ta cũng gặp các vụ việc lớn, nhỏ như vậy. Đó chính là giặc “nội xâm”, là quốc nạn và nó cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Nếu không tỉnh táo, không kiên quyết, chính bộ phận này sẽ gặm nhấm chế độ, làm lung lay, hư hỏng rường cột quốc gia.

* Theo ông, muốn xây dựng con người Việt Nam mới trong thời kỳ mới, những hệ giá trị nào cần được bổ sung?

- Có một hệ giá trị quan trọng cần được bổ sung đó là nguyên tắc, là thái độ và hành vi thượng tôn pháp luật. Dường như có một thời gian khá dài, khi ta thực hiện “làm chủ tập thể”, có không ít người nghĩ mình có những quyền của người làm chủ, có thể sai khiến người khác mà quên mất mình cũng là người phải thực thi pháp luật. Điểm yếu của khá nhiều người Việt Nam, đó là, từ cán bộ đến người dân, việc tuân thủ pháp luật còn yếu kém. Để xây dựng đất nước hùng mạnh, văn minh, phải có văn hóa pháp quyền, pháp luật nghiêm minh, cán bộ và người dân phải thượng tôn pháp luật.

Thời gian qua, Quốc hội cần tiếp tục xây dựng và ban hành nhiều bộ luật quan trọng, cấp thiết. Mặt khác phải tăng cường giám sát, điều chỉnh, xử lý việc thực thi pháp luật. Đây là khâu yếu lâu nay. Tôi ví dụ, chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra rất phổ biến và nặng nề; đã có Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nhưng việc vi phạm diễn ra vẫn thường xuyên, nhiều vụ việc nghiêm trọng… Tôi cho rằng, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, phải có chế tài mạnh, nghiêm để xử lý.

Xây dựng những giá trị con người cao đẹp là mục tiêu lớn nhất của văn hóa - ẢNH: p.huy
Xây dựng những giá trị con người cao đẹp là mục tiêu lớn nhất của văn hóa - ẢNH: p.huy

* Theo ông, trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa có vai trò như thế nào trong việc nhận diện bản sắc quốc gia? 

- Văn hóa của dân tộc như một tấm căn cước để chúng ta đi ra bên ngoài. Nếu có bản lĩnh, cốt cách, bản sắc văn hóa bền vững thì ta có một tâm thế đĩnh đạc, tự tin và không sợ bị hòa tan. Nếu ngược lại, dễ bị đồng hóa, thậm chí bị “xâm lăng văn hóa”. Trong lịch sử, cả ngàn năm ta bị Bắc thuộc, sau đó là chiến tranh đế quốc… họ đưa cả chữ viết, phong tục tập quán, lối sống của họ vào nước ta, thậm chí đốt sách, phá bỏ di sản văn hóa của ta. Nhưng ông cha ta bản lĩnh vô cùng, kiên cường, bền bỉ, tài trí, vừa đấu tranh chống ngoại xâm, vừa tỉnh táo để bảo vệ văn hóa dân tộc. Không chỉ bảo vệ văn hóa, mà còn biết tiếp biến văn hóa, lấy tinh hoa văn hóa của người ta làm của mình. Chữ viết là một ví dụ. Trong thời hội nhập, chúng ta cần tự trang bị bản lĩnh văn hóa, một sức đề kháng văn hóa tốt, một sức mạnh mềm. 
Đặc biệt quan tâm tới các em nhỏ, văn hóa gia đình

* Trong công cuộc chấn hưng văn hóa đó, văn hóa gia đình có ý nghĩa ra sao, thưa ông?

- Người ta hay nói gia đình là tế bào của xã hội; nếu xã hội có những tế bào lành mạnh thì đó là một xã hội tốt đẹp. Truyền thống gia đình Việt Nam xưa nay cô đọng ở mấy chữ: yêu kính tổ tiên, kính trên nhường dưới, thuận vợ thuận chồng, anh em như thể tay chân… Theo đó, những phép ứng xử tốt đẹp trong gia đình được truyền từ đời này qua đời khác, làm nên một cộng đồng xã hội hòa thuận, yên ổn và kết cấu chặt chẽ. Nhưng khi chúng ta bước vào hội nhập với thế giới, chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, thì mô hình gia đình, kết cấu tương đối bền vững của gia đình trước đây bắt đầu bị xâm hại, thậm chí đổ vỡ nhiều mặt.

Ngày nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn nhiều hơn. Ứng xử trong gia đình có chiều hướng đi xuống, thậm chí đáng báo động. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra một quan điểm tổng hợp nhưng đầy đủ, sâu sắc: “Cần phải xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam”. 

Văn hóa góp phần nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn trẻ thơ - những công dân tương lai  của đất nước - ẢNH: T.V.
Văn hóa góp phần nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn trẻ thơ - những công dân tương lai của đất nước - ẢNH: T.V.

* Bác Hồ từng kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam cần “đặc biệt quan tâm tới lứa tuổi nhi đồng”. Nhưng hình như những năm qua, sự quan tâm này chưa thực sự đúng mức? 

- Bác nói: “Vì hạnh phúc mười năm thì phải trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm thì phải trồng người”. Sự nghiệp trồng người là sự nghiệp lâu dài, gian khổ, cần tập trung chăm bẵm, vun xới từ nhiều góc độ, nhiều giai đoạn, từ khi trong bụng mẹ, bú mớm, đến khi các em chập chững tập đi, lớn lên. Chăm lo không chỉ giá trị vật chất mà còn đặc biệt chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho các em, các cháu; phải chăm bẵm, giáo dục các cháu trong một môi trường trong lành, tiến bộ, nhân văn, hạnh phúc; các sản phẩm văn hóa độc hại không xâm lấn, làm hư hại các cháu, không làm vẩn đục nhân cách, đạo đức, tâm hồn… Những năm qua, ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong vấn đề này, nhưng cần cố gắng nhiều hơn nữa, toàn diện hơn nữa. Đây là việc mà cả toàn xã hội phải cùng chung lòng, chung sức chăm lo, chứ không phải việc riêng của ngành giáo dục, y tế, đoàn thanh niên… Hiện, đây là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

* Rất cảm ơn ông! 

Đậu Dung (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI