“Đừng nghĩ 81 tầng, 67 tầng mới là văn minh, hiện đại. Một số người đang vin vào hai chữ văn minh mà phá bỏ tất cả”, phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã phát biểu như vậy bên lề triển lãm Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM đang diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.
Kiến trúc Pháp vừa thực tế, vừa gần gũi
* Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về dấu ấn kiến trúc Pháp để lại cho Sài Gòn - TP.HCM?
- Phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng: Có hai điều phải nói ở đây. Thứ nhất, những dấu ấn đó không thể mang đi so sánh với 81 tầng, 67 tầng cũng như nhiều công trình khác. Càng nhìn bối cảnh hiện nay, càng thấy trân quý những công trình kiến trúc Pháp còn sót lại.
Đặt trong một tổng thể cao vòi vọi, hiện đại và bóng loáng như thế này, những gì còn lại tạo cho chúng ta một cảm giác đằm thắm, thư thái, yên bình. Dù không quá to cao, lộng lẫy, nguy nga nhưng đến những nơi đó, người dân không cảm thấy bé nhỏ mà thấy tan hòa vào đó. Hai là, tất cả những gì còn lại ngày nay vẫn còn thiết thực và có tính công năng với mỗi người dân.
Một Bệnh viện Nhi Đồng 2, một Bệnh viện Chợ Rẫy, một Sân bay Tân Sơn Nhất, một Bưu điện Thành phố, một Nhà thờ Đức Bà, tất cả đều gần gũi đối với chúng ta.
|
Kiến trúc của Nhà hát Thành Phố |
Càng ngày, những kiến trúc cổ càng có xu hướng bị mất đi, thay vào đó là những kiến trúc mới, nhìn thì có vẻ hiện đại, bóng loáng hơn nhưng càng bóng, càng loáng bao nhiêu thì cốt cách của nó càng mất đi bấy nhiêu. Con người sống bằng sự bóng loáng, lạnh lùng, thậm chí là vô cảm. Phải làm sao để cái cũ luôn đồng hành với chúng ta, với thời đại ngày nay. Đó là yêu cầu, cũng là xu hướng chung của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Phá không khó nhưng làm sao để giữ, giữ trong một tổng thể hài hòa mới khó.
Phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng
|
Tòa nhà 81 tầng và 67 tầng kia, người bình dân như chúng tôi chưa chắc có điều kiện để vào. Mà vào để làm gì? Chúng ta chỉ chiêm ngưỡng sự hiện đại thôi, chứ đâu có sử dụng được gì? Vừa thực tế, vừa gần gũi số đông, vừa quá khứ vừa đương đại, đó là dấu ấn của kiến trúc Pháp ở Sài Gòn. Điều đó làm nên nét đặc trưng cho thành phố phía Nam này dù hơn một thế kỷ đã trôi qua.
* Dấu ấn đó bây giờ còn gì và mất gì, thưa ông?
- Cái còn rõ nét nhất là các công trình gắn với quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch. Sự hiện diện của nó như một sản phẩm của lịch sử đã đành, nó còn là sản phẩm của một quá trình quy hoạch, của một quy hoạch tổng thể trên phạm vi rộng lớn, chứ không phải là những quy hoạch lẻ tẻ, phục vụ cho một bộ phận hoặc nhóm lợi ích nào cả.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều quy hoạch, nếu không đối chiếu lại, sẽ không hiểu được chúng ta quy hoạch trên cơ sở nào. Người Pháp đến đây, quy hoạch trên nền tảng văn hóa bản địa, của vùng đất mới này, và trên một kế hoạch hàng trăm năm chứ không phải ngày một ngày hai, nên những gì họ để lại, dù hơn một thế kỷ trôi qua, vẫn còn hoạt động tốt.
|
Chợ Bến Thành |
Nhìn lại, thành phố chúng ta đã có một sự thay đổi toàn diện. Sự thay đổi đó lắm lúc khiến tôi cũng phải giật mình. Sống ở thành phố này mà 5 năm ít đi lại, hoặc mấy năm đi đâu xa trở về, sẽ không nhận ra. Từ thế kỷ XIX tới giờ là bao nhiêu năm, kiến trúc Pháp thay đổi cũng chỉ đến đó mà thôi. Còn chúng ta, mới 5 năm thôi, đã không nhận ra rồi. Tôi cho rằng, đó là một mối nguy.
Một số người đang nhân danh hội nhập, văn minh
* Người ta thường nói thay đổi để phát triển, thích nghi. Ông lại bảo đó là mối nguy?
- Bỏ qua yếu tố đặt ách đô hộ, khi Pháp vào, họ cũng mang văn hóa phương Tây bổ sung vào bản sắc văn hóa chúng ta. Những nét mới đó không phá đi văn hóa bản địa. Đó là điều cần phải nhìn nhận một cách sòng phẳng. Còn hiện nay, một số người nhân danh hội nhập, nhân danh sự văn minh, thay thế, phá bỏ bao nhiêu điều đẹp đẽ. Dù là chủ trương của người Pháp nhưng tất cả những sản phẩm kiến trúc đó đều do dân Việt Nam ta làm.
Ngay với những gì ít ỏi còn sót lại đó, nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn hoặc bảo vệ thì đúng là một điều đáng tiếc, đáng buồn.
|
Bưu điện Thành phố trước đây |
Đương nhiên, thay đổi để thích nghi, để phát triển nhưng cái quan trọng vẫn là phù hợp. Chúng ta không thể nói cứ hiện đại mới là văn minh được. Trong cái hiện đại đó, nguồn cội như thế nào, phản ánh bản sắc ra sao, và nó tạo ra sự kế thừa và nối tiếp của các thế hệ không? Chính thế hệ nối tiếp thế hệ mới là điều quan trọng nhất để chúng ta thấy dòng chảy của văn minh vẫn còn được tiếp tục. Nếu không, nhìn vào, chúng ta chỉ thấy ở đó một sự thay đổi nhanh chóng, mới lạ, nhưng hình như là vô cảm, trống rỗng.
* Nhưng người ta thường lấy khái niệm văn minh để giải thích cho tất cả mọi thay đổi?
- Quá khứ cũng là văn minh chứ! Sự thay đổi, phát triển ngày nay có thể đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người, chứ không phải toàn thể, không thể đại diện cho văn hóa khi những cái cũ biến mất. Và kể cả khi nó đã biến mất, chúng ta cũng phải có những cách để gợi nhắc trong cuộc sống bây giờ. Chẳng hạn, đường đi bộ Nguyễn Huệ này xưa kia là Kinh Lấp. Kinh Lấp đó giờ mất đi nhưng vẫn còn trong hình ảnh, trong văn hóa, trong tư liệu hay trong ký ức Sài Gòn.
* Theo ông, dấu ấn, di sản kiến trúc Pháp để lại đến ngày nay còn khoảng bao nhiêu phần trăm?
- Vì nhiều lý do về hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh và cả chúng ta phá bỏ mà đến ngày nay, di sản đó chỉ còn 10% là cao. Có khi chỉ còn 5%. Chúng ta chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng dù là 5% hay 10% thì đó vẫn là những gợi mở quan trọng. Và chúng cần được giữ gìn.
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng |
.Triển lãm “Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM”, do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM (1698-2018), kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2018).
Theo đó, xác định Sài Gòn là thủ phủ của thuộc địa, thời kỳ đó, chính phủ Pháp mà đại diện cai trị trực tiếp là các thống đốc, đã gấp rút xúc tiến việc xây dựng nơi đây thành một trung tâm hành chính - chính trị của chế độ với nhiều chức năng (hành chính, quân sự, kinh tế, cảng thương mại...) theo phong cách châu Âu. Để rồi, trên nền một thị tứ phong kiến của ta, vào đầu thế kỷ XX, hình hài về một thành phố phương Tây, Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” - “tiểu Paris phương Đông” dần hiển hiện với hệ thống kiến trúc, hạ tầng hoàn chỉnh.
Được xem là một sự kiện hiếm hoi, triển lãm này trưng bày gần 300 tài liệu và hình ảnh được lưu trữ tại Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia Việt Nam và Cộng hòa Pháp; bao gồm mộc bản triều Nguyễn - tư liệu di sản thế giới cũng như nhiều tài liệu lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử hình thành và phát triển thành phố. Sài Gòn từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền Đại Việt tại vùng đất phía Nam (năm 1698) cho đến năm 1945.
Triển lãm cũng giới thiệu nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ như Tòa Thị chính thời Pháp thuộc (nay là UBND TP.HCM), Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bảo tàng TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong…
Triển lãm được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, kéo dài từ ngày 4 tới hết ngày 24/11.
|
* Xin cảm ơn ông!
Đậu Dung