Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM: Không khuyến khích kỷ luật làm gián đoạn việc học

05/11/2023 - 17:30

PNO - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, Sở GD-ĐT không khuyến khích nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật làm gián đoạn việc học của học sinh.

Phóng viên: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hình thức kỷ luật tạm đình chỉ học tập có thời hạn học sinh vẫn được áp dụng. Trong bối cảnh TPHCM đang xây dựng trường học hạnh phúc, ông nhìn nhận thế nào về hình thức kỷ luật này?

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng: Trong Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc mà Sở GD-ĐT ban hành trong năm học này có đề cập đến hình thức kỷ luật tích cực học sinh. Việc giáo dục học sinh hiện nay không chỉ là giáo dục toàn diện mà còn phải cá thể hóa, từng cá nhân học sinh đều phải được quan tâm giáo dục theo năng lực, hoàn cảnh riêng.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng

Khi có bạo lực giữa học sinh xảy ra, nhà trường cần phải phối hợp hỗ trợ, từ thầy cô giáo chủ nhiệm, tư vấn tâm lý, phụ huynh học sinh… Giáo dục ở đây phải có 2 vấn đề: giáo dục để các em nhận thức hành vi của mình và có hình thức kỷ luật để răn đe. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào để các em nhận thức được hành vi để sửa chữa, chứ không phải kỷ luật để các em sợ hãi. 

Sở GD-ĐT không khuyến khích nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật làm gián đoạn việc học của học sinh. Trước những vụ bạo lực, xô xát giữa học sinh trong trường thì mỗi học sinh đều tổn thương, cần được quan tâm, chia sẻ. Việc tổ chức giáo dục, phối hợp giải quyết, xử lý các mâu thuẫn trong học sinh là trách nhiệm của nhà trường, nhưng phải phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với từng đối tượng và sự vụ cụ thể, không thể cứng nhắc. Phương án phải không gây ảnh hưởng xáo trộn đến tâm lý học sinh. 

Rõ ràng, khi các em tìm đến bạo lực là các em đang gặp vấn đề, nhưng lại không tìm được sự chia sẻ từ phía người lớn. Do đó, quan trọng hơn cả vẫn là giáo dục, hỗ trợ các em nhận thức, kỹ năng để khi có vấn đề xảy ra, các em biết cách ứng xử phù hợp. 

* Nhiều năm nay, nhiều giải pháp giáo dục phòng chống bạo lực học đường đã được ngành giáo dục đẩy mạnh. Thực tế bạo lực học đường vẫn âm ỉ, không ít trong đó thấy sự vô cảm của một bộ phận học sinh khi chỉ đứng xem, quay video và phát tán lên mạng xã hội. Phải chăng chúng ta quan tâm chưa đủ sâu đến vấn đề này?

- Hiện nay, mối quan hệ trong học sinh đang ngày càng có những vấn đề cần được nhà trường, gia đình sát sao, quan tâm sâu hơn. Sự tác động của xã hội với mỗi học sinh ngày càng sâu, rộng. Hành vi của mỗi học sinh có thể học qua rất nhiều kênh. Các em có thể chủ động tìm hiểu, chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội, từ công nghệ...

Trường học phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp để triệt tiêu bạo lực học đường
Trường học phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp để triệt tiêu bạo lực học đường

Mục tiêu hiện nay của giáo dục là trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức, kỹ năng trở thành người công dân tốt. Vì vậy, sự quan tâm ở đây không chỉ dừng ở việc dạy cho học sinh học hết chương trình, mà phải quan tâm từ môi trường giáo dục, mối quan hệ học đường cho tới các vấn đề liên quan đến nhận thức, kỹ năng cho học sinh, để khi bước ra khỏi ghế nhà trường các em có thể tự tin hòa nhập với xã hội.

Sở GD-ĐT TPHCM luôn chỉ đạo các trường quan tâm phát triển toàn diện học sinh. Trong đó, tạo môi trường để học sinh được chia sẻ vấn đề học tập, nhận thức các vấn đề xã hội…, trang bị cho các em kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn. Ngành giáo dục cũng phối hợp với các sở, ngành như Thành đoàn, Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… đa dạng thêm các sân chơi, các em có thêm kỹ năng, kiến thức, nhận thức được hành vi, ứng xử. 

Tuy nhiên, giáo dục học sinh cần sự chung tay của cả xã hội chứ không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường, thầy cô. Với bạo lực học đường, để giải quyết thì cần đến rất nhiều yếu tố phải cùng phối hợp. Trước hết, đó là sự làm gương của người lớn, bao gồm cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội.

Như vậy, không gì khác là từ người lớn phải làm sao giáo dục, định hướng cho các em. Mỗi người lớn phải làm gương, phải thể hiện và hướng dẫn các em từ mỗi hoạt động trong nhà trường, trong gia đình, hướng dẫn các em kỹ năng để sử dụng mạng xã hội cho đúng. 

Với việc xây dựng trường học hạnh phúc, ngành giáo dục TPHCM luôn hướng mỗi trường học xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường. Mối quan hệ tốt đẹp ở đây là từ học sinh, giáo viên, phụ huynh… Đây được xem là cốt lõi để giải quyết, triệt tiêu mầm mống của bạo lực trong trường học. 

* Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong trường học, theo ông nhà trường cần bắt đầu như thế nào?

- Khi xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng địa phương, trường học, cấp, lớp. Mỗi nhà trường phải quyết tâm làm, cùng nhau phối hợp làm.

Đặc thù mỗi đối tượng học sinh sẽ cần đến sự quan tâm của thầy cô ở những khía cạnh khác nhau. Trường ở vùng trung tâm kế hoạch phải khác với trường ở vùng đang đô thị hóa nhanh, mật độ dân số lớn, học sinh có thể đến từ các khu vực khác nhau… Nhà trường phải có khảo sát, đánh giá về điều này để đề ra kế hoạch cụ thể, trong đó tạo môi trường đa dạng để học sinh được vui chơi, rèn luyện, gắn kết…

Hiện nay, với nhu cầu phát triển của xã hội, vị trí tư vấn tâm lý trong trường học đóng vai trò cực kỳ quan trọng, phối hợp với thầy cô giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, với các quy định hiện hành, giáo viên hiện đang phải kiêm nhiệm vị trí này, phần nào khó khăn cho thầy cô khi hỗ trợ học sinh.

Đa dạng sân chơi để giáo dục học sinh
Đa dạng sân chơi để giáo dục học sinh

Sở GD-ĐT đã có đề xuất UBND TPHCM, sẽ trình HĐND TPHCM để tháo gỡ khó khăn này, đảm bảo có vị trí nhân viên tư vấn trong trường học; đồng thời tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh, ban hành quy định nhằm bổ sung các vị trí, biên chế cần thiết trong trường học. 

Điểm mới trong năm học này, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát nhà trường thực hiện phòng chống bạo lực học đường, đặc biệt là xây dựng môi trường giáo dục, mối quan hệ tốt đẹp khi xây dựng trường học hạnh phúc. 

- Xin cảm ơn ông.

Q.Trung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI