Theo ông Dương Trí Dũng, nếu dịch ở cấp độ 2 dạy 24 tiết, trường cần tính phương án theo số tiết xây dựng thời khoá biểu phù hợp, đảm bảo mật độ, khoảng cách, làm sao vừa dạy học trực tiếp vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn thích ứng phải dựa vào điều kiện địa phương. Ngay cả khi địa phương màu xanh thì các hoạt động giáo dục tăng cường hơn nữa nhưng cũng phải tính toán phù hợp.
|
Đoàn kiểm tra Sở GD-ĐT TPHCM, Sở Y tế TPHCM kiểm tra công tác đi học trực tiếp tại Trường THCS Bình Trị Đông A |
Ông Dũng lưu ý trong 2 tuần khởi động đi học lại, trường cần nắm số học sinh biến động trong ngày, khi có F0 thực hiện theo đúng kịch bản như đã tập huấn. Thích ứng với cấp độ dịch chuyển trạng thái với hoạt động dạy học trực tiếp.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường phải làm công tác truyền thông phòng chống dịch thật thường xuyên với phụ huynh, giáo viên, học sinh. Khi đi học trực tiếp, bằng mọi phương tiện, tổ chức hợp lý trong khuôn viên trường như trước khu vực rửa tay sát khuẩn; tổ chức phát thanh vào đầu giờ, giờ ra chơi, cuối giờ; kết hợp truyền hình… thông qua các tài liệu TP đã cung cấp sẵn hoặc tự biên soạn.
Quận cũng nên tính toán kế hoạch truyền thông quy mô, phủ khắp các đơn vị nhưng cần tác động thầy cô giáo. Khi xảy ra vấn đề điều chỉnh linh hoạt, chuyển trạng thái thì nhận thức của thầy cô rất quan trọng, việc tuyên truyền trong một buổi họp hội đồng không đủ mà phải làm thường xuyên thì mới thấm được.
“Vấn đề truyền thông phải làm thường xuyên với các đối tượng, đảm bảo phương án an toàn linh hoạt phòng chống dịch đi vào tiềm thức mỗi thành viên, để khi có vấn đề mọi người đều nắm vai trò của mình”.
Tại buổi kiểm tra, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng nhận định, 2 tuần đi học trực tiếp này cực kỳ quan trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giásự phù hợp của những quy định và rút ra những vấn đề, tồn tại. Trường nắm số học sinh biến động, học sinh đang đi học mà nghỉ thì cần tìm hiểu lý do, theo dõi để cẩn trọng, có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tình huống phát sinh.
Ông lưu ý nhà trường chú trọng dạy học sinh rửa tay đúng cách, thời điểm rửa tay, khuyến khích học sinh rửa tay bằng nước và xà phòng. “Việc bố trí bồn rửa tay phải đi cùng với thường xuyên nhắc nhở, quan sát học sinh rửa tay thường xuyên và đúng cách. Bố trí mà không dạy, không hướng dẫn thì thành qua loa. Ngoài rửa tay, trường cần quan sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập”, ông nói.
|
Cô, trò trở lại trường trong niềm hân hoan, phấn khởi |
Để đảm bảo an toàn khi đi học trực tiếp, Phó giám đốc Sở Y tế nhắn nhủ, học sinh nào chưa tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin cần thưa với ba mẹ được đi tiêm vì đây là vấn đề tốt, là quyền lợi của học sinh. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin rồi vẫn cần đảm bảo 5K, trong quá trình học hành, tiếp xúc tại trường cần giữ khoảng cách, nhất là ra chơi. Ngoài 5K, học sinh cần giữ gìn sức khoẻ, không thức khuya. Sáng nên dậy sớm tập thể dục, ăn uống đầy đủ, rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng.
“Thời gian này, phụ huynh cần giữ gìn, hạn chế cho học sinh đến nơi đông người, nơi công cộng, hỗ trợ các em về mặt tinh thần, điều kiện để các em đi học lại được an toàn. Học sinh khi có triệu chứng như ho, sốt, khó thở thì cần báo cho ba mẹ khi ở nhà, còn đang ở trường thì cần báo cho thầy cô”, ông Hưng nói.
Thời gian tới, tỷ lệ học sinh đến trường sẽ tăng lên Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, toàn quận có 22 trường đủ điều kiện tổ chức cho học đi học trở lại từ ngày 13/12 với tỷ lệ học sinh trở lại trường khá cao: 94,6% với lớp 9, cao nhất là Trường THCS Tân Tạo với 98,4% và 98,9% với lớp 12, cao nhất là Trường THPT An Lạc với 97,8%. Trong khi đó, khảo sát ban đầu, tỷ lệ này chỉ là hơn 60%. “Thời gian tới tỷ lệ học sinh đến trường sẽ tăng lên vì nhiều học sinh kết thúc thời gian cách ly. Quận đã diễn tập tình huống F0 để các trường xử lý. Tới đây, quận sẽ tiếp tục làm việc các trường để tăng cường, đảm bảo phương án phòng chống dịch. Tuy nhiên, với đặc thù địa phương có số học sinh đông, trung bình trên 40 học sinh/lớp, nếu tổ chức dạy học trực tiếp tất cả các khối thì rất khó chia đôi lớp”. Tại Trường THCS Bình Trị Đông A, tỷ lệ học sinh khối 9 đi học trực tiếp trong ngày đầu tiên là 93,4%, cao hơn nhiều so với con số khảo sát ban đầu dưới 50%. Qua ngày thứ 2, số học sinh đến trường đã tăng lên gần 94% (tăng thêm 1 học sinh). Tổ chức dạy học trực tiếp, trường tách 15 lớp 9 thành 30 phòng học, trung bình 20-22 học sinh/phòng, mỗi học sinh ngồi 1 bàn. Thời gian thí điểm, trường tổ chức dạy 1 buổi, 4 tiết/buổi. Giáo viên dạy song song 2 phòng với sự hỗ trợ của giáo viên tăng cường các lớp. Trường trang bị thêm 13 máy đo thân nhiệt, rửa tay, bố trí 70 bồn rửa tay dưới sân trường và chai sát khuẩn nhanh trên mỗi lớp. Thầy Lý Văn Phát - Hiệu trưởng cho hay, 110 cán bộ giáo viên nhân viên trường đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Trên 92,4% học sinh khối 9 đã tiêm đủ 2 mũi. Số còn lại đã tiêm 1 mũi, đang tiếp tục tiêm mũi 2. Toàn khối 9 còn 6 phụ huynh chưa đồng thuận tiêm vắc xin cho học sinh. “Thầy và trò rất hân hoan khi trở lại trường. Công tác giáo dục học sinh ý thức phòng chống dịch được trường chú trọng. Mỗi học sinh tự trang bị nước sát khuẩn, bình nước cá nhân. Trường sẽ tiếp tục vận động phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn khi các em trở lại trường”. |
Sáng 14/12, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã có buổi kiểm tra công tác tổ chức dạy học trực tiếp tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) | Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi vui mừng khi đi học trực tiếp |
“Lứa tuổi này hiện nay đang được xem là nguy cơ thấp, tính toán làm sao ra được lộ trình ứng xử với các em không nhất thiết phải siết quá. Nếu quá sợ áp quy định nhóm đối tượng này như với nhóm đối tượng khác thì sẽ mất sức và phản tác dụng. Cần tính toán nới ở mức độ nào tối đa mà vẫn giữ được sự an toàn. Không an toàn thì có “lỗi” với phụ huynh, xã hội”, ông nhận định. Nhìn nhận trong 2 tuần dạy học trực tiếp, điều kiện mật độ chỉ bằng 1/3 so với bình thường, lãnh đạo TP yêu cầu trường cố gắng không để sĩ số lớp học quá đông. Nhà trường cần suy nghĩ giải pháp tổ chức phù hợp, chia đôi lớp để nếu có sự cố liên quan đến COVID thì xử lý dễ. Qua đó giúp học sinh quen với ứng xử, tránh việc học sinh, phụ huynh hoảng loạn. “Trong mọi trường hợp, nhà trường không nên để bất ngờ. Lắng nghe, phối hợp với phụ huynh, học sinh; Tạo điều kiện cho thầy cô không nên căng thẳng quá. Nuôi dưỡng sức lực, tinh thần, điều kiện làm việc để thầy cô tiếp tục cống hiến. Nêu cao tinh thần thích ứng linh hoạt, trong quá trình vận hành thì điều chỉnh phù hợp…”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh. Trong trường hợp ba mẹ là F0, học sinh là F1, Phó chủ tịch Dương Anh Đức yêu cầu nhà trường theo dõi, tính toán tạo điều kiện cho các em học tập, cách ly trong thời gian ngắn nhất. “Tốc độ lây lan của biến chủng Omicron cao hơn nhiều so với chủng Delta song số ca nặng, tử vong thì thấp hơn nhiều. Khi mở cửa, giao thương thì có thể có rất nhiều F0. Một F0 sẽ có nhiều F1. Khi số lượng F1 tăng lên nhưng nếu chúng ta áp dụng cứng nhắc quy định hiện hành thì không tổ chức đi học trực tiếp được. Trường học mở đóng liên tục thì không được”. Từ phân tích trên, ông nhận định cần có ứng xử với F1 một cách linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Đồng thời yêu cầu ngành y tế, ngành giáo dục có tính toán tham mưu phù hợp, từ nay đến hết tháng 12 có tính toán, ban hành hướng dẫn cụ thể. | Đoàn kiểm tra kiểm tra công tác dạy học trực tiếp tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi |
|
Én Bông