Lỗi tại người mua?
Sáng ngày 2/8, bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã lên tiếng giải thích về phát ngôn gây "sốc" của mình về tình trạng thực phẩm bẩn, độc trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân Khóa IX diễn ra vào cuối tuần vừa qua.
Theo đó, khi bị các đại biểu chất vấn về tình trạng tôm bơm tạp chất diễn ra trên địa bàn, bà Oanh khẳng định: “Tại sao còn bơm chích tạp chất? Là vì còn người mua. Do đó phải làm thế nào để không còn người mua nữa thì tình trạng bơm chích tạp chất sẽ hạn chế và chấm dứt. Bởi bơm mà không ai mua thì không biết bơm để làm gì!”.
Nói thêm về phát ngôn này, bà Oanh cho rằng, hiện nay tình trạng tôm bơm tạp chất vẫn lộng hành là do có nguồn tiêu thụ lớn đến từ các tiểu thương nhỏ lẻ. "Người mua ở đây chủ yếu là tiểu thương, họ mua rồi bán lại đến tay người tiêu dùng" - bà Oanh giải thích.
|
Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu. |
Cũng theo bà Oanh, nếu người mua là các tiểu thương thì chắc chắn họ biết trước được sản phẩm mình bỏ tiền ra mua không "sạch" - bị bơm tạp chất nhưng vì lợi nhuận nên vẫn cố tình thực hiện. Một số tiểu thương thực hiện hành vi khá manh động, có đối tượng còn đe dọa cán bộ thực thi nhiệm vụ. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm không nghiêm túc thực hiện việc “nói không với tạp chất”.
Ngoài ra, do nhận thức kém của một số người dân, thương lái, đại lý cơ sở mua bán thủy sản chưa hiểu rõ hết tác hại của việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Trước câu hỏi tập trung xử lý "người mua" chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, bà Oanh thông tin: "Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ kinh doanh để không xảy ra tình trạng có nguồn tiêu thụ tôm bơm tạp chất nữa. Hình thức tuyên truyền rộng rãi sẽ kết hợp với việc giám sát vi phạm, xử nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần".
Tuy nhiên, bà Oanh cũng thừa nhận, việc nhận biết tôm bơm tạp chất bằng mắt thường rất khó, phải là người có kinh nghiệm lâu năm vì thực tế có nhiều loại hóa chất khi được bơm vào sẽ khiến con tôm tươi lâu hơn.
Cũng trong cuộc họp, đại biểu La Văn Viễn - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Bạc Liêu cho hay, việc bơm chích tạp chất vào tôm không giảm mà có xu hướng ngày càng gia tăng, phổ biến, thách thức dư luận, thách thức cơ quan công quyền. Việc làm của đối tượng bơm chích tạp chất coi như là chuyện công khai, bình thường, không vi phạm pháp luật.
Ông Lê Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, việc bơm chích tôm không dừng lại ở dạng dùng kim chích mà dùng đến công nghệ máy để có thể chích trong thời gian ngắn đạt số lượng nhiều nhất. Người thực hiện bơm chích coi đó là chuyện bình thường.
|
Tình trạng tôm bơm tạp chất diễn ra phổ biến ở Bạc Liêu. |
Nguy cơ nhiễm trùng máu, hại thận
Theo tìm hiểu của PV, một trong những tạp chất người bán thường xuyên bơm vào tôm đông lạnh biến con tôm từ nhợt nhạt trở lên căng mọng, tươi ngon là bột agar (chuyên làm thạch rau câu). Bột này được đóng theo dạng gói, người bán hòa bột với nước rồi bơm thẳng vào lưng con tôm. Không chỉ có màu sắc đẹp đẽ và bắt mắt, thứ nước này còn giúp tôm tăng thêm trọng lượng.
TS. Nguyễn Văn An - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi tôm có chứa tạp chất ở dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm. Khi người dùng ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc và mắc một số chứng bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, thương hàn, tả…
Không chỉ vậy, nếu nguồn nước sử dụng để bơm tạp chất vào tôm bị ô nhiễm, lấy từ các con sông, kênh rạch, nước ruộng bẩn thì các vi khuẩn càng có cơ hội tấn công cơ thể, khiến người ăn dễ bị mắc bệnh. Ngoài tiêm nước hay tạp chất, người bán còn dùng các loại chất bảo quản hay chất hóa học để giữ tôm được tươi ngon sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng như hại gan hay thận.
Anh Phạm Văn Tùng - người có kinh nghiệm 8 năm làm đầu bếp trong một khách sạn ở TP. Hà Nội khuyên, với tôm bơm tạp chất, phần mang thẳng đơ và rất cứng, thân tôm phồng căng hơn so với bình thường, các đốt trên thân tôm bị giãn ra. Trong khi tôm tươi thì mềm mại hơn và thân hình cong tự nhiên. Ngoài ra, đuôi tôm bị tiêm tạp chất thường bị xòe ra, trong khi đó thì tôm sạch đuôi lại cụp xuống.
Sau khi chế biến, tôm tiêm tạp chất, phần thịt thường bị teo lại, thịt bở và ăn cảm giác bị nhạt. Tôm tươi thì thịt ngọt, không bị chảy nhiều nước, không bị bở. Ngoài ra, khi tôm bị tiêm bằng bột rau câu, sau khi nấu chín có thể thấy một lớp rau câu giữa phần thịt và vỏ tôm.
Bên cạnh đó, để chọn được tôm ngon, người nội trợ nên chọn những con tôm còn tươi sống, nhảy tanh tách, vỏ trông sáng bóng, thịt tôm còn gắn chặt với vỏ. Khi chọn mua tôm sú, không nên chọn những con đã chuyển sang màu hồng vì nó đã bị ươn.
|
Hình ảnh mặt sau của con tôm bị bơm tạp chất (Ảnh VNN). |
Đoàn Văn