Phố đi bộ thành... 'đại lộ' làm tiền: Họ đã chọn đứng bên ngoài lễ hội

23/10/2017 - 09:01

PNO - Giao phố đi bộ cho đơn vị xã hội hóa cho thuê lại làm nơi kinh doanh, Sở Du lịch TP.HCM đã tước bỏ của người dân một không gian văn hóa, biến nơi đây thành chốn kinh doanh và đẩy người dân ra hai bên vỉa hè.

Lễ hội Thời trang và Công nghệ (Fashionology Festival) 2017 diễn ra từ ngày 20 - 22/10/2017 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được giới thiệu là “cầu nối giới thiệu thời trang Việt với bạn bè quốc tế”, sự kiện “nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch của TP.HCM” với các đêm trình diễn thời trang, công nghệ hiện đại và các gian hàng để du khách mua sắm. Trên thực tế, những gì diễn ra tại lễ hội ngả nhiều về quảng cáo, bán hàng hơn là xúc tiến du lịch, tôn vinh thời trang, công nghệ hay thậm chí là hoạt động giải trí cho người dân thành phố.

Phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn: Ho da chon dung ben ngoai le hoi
Lễ hội thời trang và công nghệ không dành cho công chúng - Ảnh: P.T.N.

Để có không gian phục vụ lễ hội, toàn bộ khu vực phố đi bộ (từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng) đã được rào chắn, hạn chế xe cộ. Kết quả, những con đường xung quanh ùn tắc.

Khu vực trung tâm phố đi bộ - nơi người dân đến vui chơi, giải trí - nay được chia thành hai khu: khu sân khấu trình diễn thời trang và khu mua sắm, quảng bá. Như nhiều hoạt động chính quy khác có sự xuất hiện của đại biểu, quan khách, khu sân khấu nằm bên trong lớp rào chắn, được lực lượng thanh niên xung phong trấn giữ, soát vé vòng ngoài và cảnh sát bảo vệ bên trong. Du khách và người dân, nếu không có vé mời, chỉ có thể thưởng thức các phần trình diễn, các bộ sưu tập bằng cách… nhìn từ xa qua lô nhô đầu người.

Các đôi bạn trẻ được phục vụ tốt hơn - những chiếc máy ảnh cảm ứng lắp trên phố, dưới sự hướng dẫn của nhân viên nhà tài trợ lễ hội cho phép họ chụp ảnh cùng nhau trong những bộ trang phục ảo - tương tự như vô vàn phần mềm trên điện thoại. Khác biệt chăng là phần mềm trên điện thoại không kèm logo, slogan của nhà tài trợ mà còn cho phép người sử dụng được tùy chỉnh nhiều thứ. Phần trình diễn âm nhạc EDM (điện tử) trong phạm vi lễ hội không thu hút được khán giả dù nữ DJ... mặc trang phục khá mát mẻ! Trước bàn chỉnh nhạc thường chỉ có một nhúm người và kết thúc khá sớm. Phố đi bộ vốn đã có quá thừa âm thanh nên khán giả cũng không cần phải chịu thêm tiếng ồn của dãy loa công suất lớn.

Không có nhiều thứ để người dân giải trí, thư giãn, lễ hội chủ yếu bày biện các quầy hàng quần áo, giày dép để người dân tiện tay mua sắm. Tuy nói là lễ hội thời trang và công nghệ, hai gian hàng chiếm không gian cực lớn trên phố lại là gian của một nhãn hiệu sữa với vài chiếc vòng lắc, hai chiếc máy tập thể dục chạy bộ, hai chiếc máy đạp xe và những trò chơi kéo tay, vặn mình.

Ở phía bên kia, nhân viên pha chế của nhãn hàng trà tài trợ lễ hội liên tục biểu diễn tung hứng các bình pha chế. Quầy của nhãn hiệu dầu gội thì cho phép mọi người chụp ảnh check-in, cung cấp thông tin cá nhân để nhận quà. Gian của nhà tài trợ kim cương là nơi trưng bày các loại nước hoa, nước xả vải với điểm nhấn được lặp đi lặp lại là mùi hương của thương hiệu này...

Trên thông tin chính thức, đơn vị tổ chức lễ hội là Sở Du lịch TP.HCM nhưng trên thực tế, thực hiện các công đoạn của lễ hội là Golden Communication Group. Ngoài ba đêm diễn thời trang mà khán giả đại chúng và khách du lịch không xem được, cái được bày trên phố chỉ là hoạt động quảng cáo, bán hàng của doanh nghiệp - như các hội chợ chứ không là hoạt động văn hóa, giải trí cho người dân và cũng không có mấy tác dụng thu hút du khách.

Phó di bọ thành... 'dại lọ' làm tièn: Ho da chon dung ben ngoai le hoi
 

Bằng cách giao phố đi bộ cho đơn vị xã hội hóa cho thuê lại làm nơi kinh doanh, Sở Du lịch TP.HCM đã tước bỏ của người dân một không gian văn hóa, một chốn hẹn hò cuối tuần, biến nơi đây thành chốn kinh doanh và đẩy người dân ra hai bên vỉa hè. Thực tế cho thấy, trong tối 20, 21/10, số lượng người dân vào mua sắm, tham quan các gian hàng của các nhà tài trợ không nhiều. Với các hoạt động khác, hầu như họ không tham gia.

Nếu đối chiếu với các hoạt động từng được tổ chức trên đại lộ Nguyễn Huệ như những buổi trình diễn âm nhạc đường phố, trưng bày tranh, ảnh, nón lá… thì Fashionology Festival không mang đến điều gì mới mẻ, hấp dẫn cho du khách lẫn người dân.

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giải trí là chủ trương đúng đắn trong việc huy động nguồn lực xã hội để tổ chức các chương trình phục vụ đời sống tinh thần người dân. Nhưng xã hội hóa theo kiểu chiếm dụng không gian công cộng làm chốn bán mua kiếm lời thì rõ ràng tài sản cộng đồng đã bị dùng sai mục đích, phục vụ cho một thiểu số người chứ không vì dân. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI