Phố đi bộ Nguyễn Huệ xuống cấp: Sao thế giới không hỏng?

10/05/2016 - 13:47

PNO - "Không có hiện tượng đá bị vỡ chỉ có mẻ cạnh tại vị trí hầm kỹ thuật, còn những vị trí khác sộc sệch một vài chỗ nhỏ thôi, sửa được".

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được lát toàn bộ bằng đá granite, đưa vào vận hành từ ngày 20/4/2015 với tổng kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, sau 1 năm đưa vào hoạt động, mặc dù công trình đang trong quá trình nghiệm thu nhưng đã có một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.

Không vỡ, chỉ bị mẻ cạnh tại hầm kỹ thuật...

Trước vấn đề này, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu quản lý đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM) khẳng định: "Không có hiện tượng đá bị vỡ chỉ có mẻ cạnh tại vị trí hầm kỹ thuật, còn những vị trí khác sộc sệch một vài chỗ nhỏ thôi và sửa được, không có vấn đề gì hết.

Theo ông Ninh: "Nguyên nhân mẻ là do quá trình mở hầm lên để kéo điện lưới, cuống hào, xử lý. Quá trình mở lên, mở xuống, công tác mở hầm thủ công nó kê khiến cho mẻ những cạnh đá xung quanh.

Pho di bo Nguyen Hue xuong cap: Sao the gioi khong hong?
Đường đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Tôi đã đi kiểm tra và theo tôi đánh giá ngoài những vị trí mẻ góc cạnh thì những chỗ bên ngoài không có chỗ nào bị mẻ, chỉ có một số chỗ sộc sệch thì có thể là do quá trình mình thi công, cái đó thì sửa cũng dễ, cạy đá lên sửa lớp bê tông rồi đẩy xuống thôi. Còn viên đá không bị vỡ, nếu đá vỡ thì mới gọi là chất lượng kém, những vị trí đó cũng có nhưng nhỏ thôi, không lớn".

Lãnh đạo Khu quản lý đô thị số 1 cho biết thêm, công trình này chưa nghiệm thu thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm chỉnh sửa lại những chỗ đó trước khi nghiệm thu, ngoài ra còn bảo hành 1 năm sau đó.

"Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề rồi và kế hoạch sắp tới sẽ báo cáo và xin thay những nắp hầm bằng nắp gang, đồng thời thay lại những chỗ đá vỡ. Kế hoạch thay được thực hiện trong tháng 5, tháng 6 là xong.

Đơn vị thông công không phải là 1 đơn vị mà là một tổng thầu có nhiều đơn vị. Đoạn hỏng hóc rơi vào đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ có trách nhiệm sửa chữa và kinh phí sẽ tính vào đơn vị thi công", ông Ninh cho hay.

Pho di bo Nguyen Hue xuong cap: Sao the gioi khong hong?
Đoạn đường lát đá hoa cương bong tróc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: Sài Gòn Giải phóng)

Vị đại diện cũng khẳng định: "Quá trình thi công đều có đơn vị kiểm tra, giám sát, nếu cái nào không đạt yêu cầu thì mới xác nhận, nhiệm thu, còn nếu chưa được phải thực hiện lại. Đá hoa cương đều đạt tiêu chuẩn hết".

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm trả lời

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM: "Muốn biết tại sao hỏng, vỡ thế nào thì phải có một nghiên cứu rất cụ thể để tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa".

Vị chuyên gia phân tích: Bất cứ một công trình nào hư hỏng thì đều phải tìm theo các bước: Xem khảo sát địa chất có đúng hay không, nền mỏng ở dưới như thế nào, ở trên ra sao. Thứ hai là trong việc thi công, trong thi công thì có rất nhiều vấn đề: Quy trình, thứ tự, vật liệu thi công có đúng không, chất lượng, số lượng có đúng không?...

"Nếu như tất cả các công trình của các nước hàng trăm năm không có vấn đề là vì người ta đã làm tất cả những bước đó đều đúng cả, còn của mình không chỉ đường đi bộ này mà cả những đường cao tốc hàng nghìn tỷ mới làm được một thời gian đã hỏng rồi", ông Bách so sánh.

Theo chuyên gia: "Câu hỏi phải đặt ra cho chủ đầu tư, họ phải trả lời rằng tại sao lại hỏng và có cách khắc phục. Còn thực tế ở Việt Nam bao nhiêu lần hỏng có ai quy trách nhiệm cho ai đâu. Thực ra cái khó ở nước ta là chưa có một chế tài để bắt chủ đầu tư phải thực hiện thật tốt".

Ông Phúc cho rằng, đá hoa cương là loại đá tốt nhất, rất đắt tiền và rất cứng nhưng bây giờ đã vỡ có thể do vấn đề thi công không đạt tiêu chuẩn, ở dưới không có đệm gì thì vỡ là chuyện bình thường, hoặc đá không đạt chất lượng nhưng phải có bước kiểm tra kĩ mới có thể nói được.

"Con đường chưa nghiệm thu, chưa bàn giao mà cho người dân sử dụng là không được. Điều đó là phạm luật. Ví dụ như làm một cái nhà, một cái cầu chưa xong mà lại bàn giao, người ta đi ào ào, nó có sập xuống thì ai chịu trách nhiệm. Phải sau khi nghiệm thu rồi thì mới khẳng định được là làm tốt, làm đúng yêu cầu thì mới cho người vào sử dụng", ông Nguyễn Bách Phúc nói.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI