Phố đèn đỏ không làm tăng mại dâm

19/04/2018 - 18:00

PNO - Mại dâm hợp pháp sẽ mang ánh nhìn nhân văn đến với chị em hành nghề và những ai từng có một đoạn đời đen tối cũng đỡ bị kỳ thị hơn. Những điều đó có thể cứu được gia đình họ, thể diện của con cái họ.

Mỗi năm, các nhân viên cộng đồng của nhóm Bình Minh Đêm (một trong những nhóm thuộc tổ chức hỗ trợ giảm hại và can thiệp cho cộng đồng người bán dâm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã tiếp cận, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trên dưới 200 chị em phục vụ trong các cơ sở dịch vụ nhạy cảm cũng như chị em hoạt động trên đường phố.

Pho den do khong lam tang mai dam
Chị Kim Ngọc (trái) tiếp cận, hỗ trợ các chị em tham gia dịch vụ nhạy cảm

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Kim Ngọc - Trưởng nhóm Bình Minh Đêm - nói: “Hợp pháp hóa mại dâm là điều nên làm, nhưng cần có điều kiện, có sự quản lý chặt chẽ”.

Phóng viên: Nhiều người lo ngại hợp pháp hóa mại dâm sẽ kích thích hoạt động này gia tăng, chị nghĩ sao?

Chị Kim Ngọc: Đó chỉ là suy đoán, vì khách làng chơi đâu có e dè gì, dù biết bị cấm. Ngay cả ở quán nhậu hoặc cà phê, bar... cũng có thể xin số điện thoại, hẹn hò tăng hai, tăng ba với các cô phục vụ. Tôi nghĩ, nếu mại dâm được hợp pháp hóa, “giao dịch” của khách làng chơi vẫn thế - không hề tăng.

* Từ thực tế tiếp cận những cô gái trong bóng đêm, chị thấy tâm tư, nguyện vọng chung của họ ra sao về vấn đề này?

- Tất nhiên là chị em mong nghề của mình được hợp pháp hóa, để an tâm làm việc, không sợ bị rượt đuổi, bắt bớ, vì dẫu có bắt bớ cũng không làm cho chị em bỏ nghề. Có nhiều trường hợp, chủ chứa hoặc bảo kê đến bỏ tiền bảo lãnh về, chị em còn phải bán thân nhiều hơn để trả nợ. Có chị em vừa làm xong một ngày thì bị bắt, đóng phạt và hết tiền chi tiêu, lại mượn nợ tiếp. Chẳng ai muốn chọn nghề mại dâm. Chỉ vì hoàn cảnh, vì vòng vay nợ nần mãi mà không thoát được.

Nếu hợp pháp hóa mại dâm, cộng đồng xã hội sẽ bớt cái nhìn nặng nề. Thực tế, chị em bán dâm bị bạo hành rất nhiều: bị khách đánh mắng, trấn lột, bị gia đình coi thường, xua đuổi… Đau lòng là khi có chuyện, những phụ nữ khác được bênh vực, bảo vệ, còn chị em bán dâm thì không. Mọi người xa lánh, thờ ơ, bỏ mặc khi chị em cầu cứu. Hậu quả phải nhận lãnh là rất nặng nề, mà đáng lẽ không đến nỗi như thế.

Pho den do khong lam tang mai dam
Ảnh minh họa

* Còn hiệu quả đối với xã hội?

- Hiệu quả về mặt giảm hại là rất rõ ràng, nhất là sức khỏe, tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Những chị em không nhiệt tình, bất hợp tác khi nhân viên cộng đồng đến tiếp cận, cung cấp kiến thức và hỗ trợ khám chữa bệnh đa số là những “đào” đắt sô, họ chạy đua với thời xuân sắc, tranh thủ thời gian để kiếm tiền; đồng nghĩa với cấp độ lây lan bệnh tật sẽ càng nhanh, càng nhiều. Khi nhân viên cộng đồng gõ cửa những quán cà phê, karaoke trá hình có dịch vụ nhạy cảm này để hỗ trợ chị em, họ đều chối, cho rằng họ chỉ kinh doanh trong sáng.

Hiện nay, có không ít chị em nhiễm HIV, nhưng vẫn bán dâm và có không ít “giao dịch” không dùng bao cao su. Thử hỏi, chị em gặp khách quen, được boa nhiều tiền với điều kiện không dùng bao cao su thì các chị có từ chối được không? Rồi với các chị U50, U60 ế ẩm, vô gia cư, không tiền đóng trọ hằng đêm 50.000 đồng, gặp khách hằng nhất quyết không dùng bao thì có phải đành nhắm mắt đưa chân không? Chưa kể, dùng bao vẫn có thể bị rách, dùng bao với khách nhưng không dùng với bạn tình… Những nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục này cùng những khó khăn, vướng mắc có thể giảm đáng kể nếu mại dâm được hợp pháp hóa và quy hoạch chặt chẽ.

* Xin cảm ơn chị. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

“Phố đèn đỏ” một phác thảo

Nên chấp nhận mại dâm hợp pháp, nhưng song song đó phải tính xem mại dâm nên hoạt động với mô hình thế nào, quy chế ra sao. Tôi nghĩ, không cần có “phố đèn đỏ” như các nước mà có thể quy định những tuyến đường dành cho mại dâm (nam riêng, nữ riêng) hoặc các cơ sở dịch vụ được phép hoạt động. Các chị em được cấp phát thẻ, có mã số, hoạt động xoay tua, khách không được lựa. Chị em phải tham gia các buổi tư vấn kiến thức, kỹ năng cơ bản do nhân viên cộng đồng hỗ trợ; khám định kỳ ba tháng là điều kiện tiên quyết để gia hạn thẻ. Ai bị bệnh mức độ nặng thì tạm thời không làm, không có thẻ mà làm chui thì phạt nặng và cấm. Như thế, chị em sẽ nâng cao ý thức giữ mình, tuân thủ các “quy tắc an toàn”.

Có rất nhiều câu hỏi cần suy nghĩ: hai bên sẽ “đến với nhau” ở đâu, cho phép hoạt động đến mấy giờ; làm sao kiểm soát được những trường hợp không sử dụng biện pháp an toàn để kịp thời can thiệp phòng, chống lây nhiễm bệnh; những chị em lớn tuổi, có thâm niên đóng thuế thì về già có được ngành lao động, thương binh xã hội hỗ trợ gì không...

Kim Ngọc (Trưởng nhóm Bình Minh Đêm)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI