Xa rồi phố cơm trắng
Cửa hàng bán cơm trắng mà người Sài Gòn quen gọi cơm không của chị Nguyễn Thị Thanh Nga (48 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) trên đường Nguyễn Thông, bắt đầu bán lai rai từ 9g, đến giữa trưa thì khách ghé lại nhiều hơn một chút.
Trong thanh âm của phố phường, chị Nga buông tiếng thở dài. Chị nói với ánh nhìn vời vợi ra mặt đường: “Dịch bệnh, tiệm cơm trắng của tôi buôn bán ế ẩm lắm. Khách hàng của tiệm do việc làm không có, thu nhập bấp bênh nên cũng lần lượt về quê”.
|
Chị Nga múc cơm trắng vào từng bịch nhỏ, chuẩn bị bán cho khách hàng |
Có một thời, con đường Nguyễn Thông được biết đến với tên gọi phố cơm trắng. Hàng quán bán nhiều đến mức mùi cơm trắng quyện trong nắng khiến bụng dạ người qua đường thấy cồn cào, bất giác nhắm mắt hít một hơi thật sâu.
Hiện tại, phố cơm trắng chỉ còn lại 2 cửa hàng do chị Nga và chị Phạm Quế Chi (49 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) làm chủ. Cửa hàng của chị Chi ở đầu phố, còn của chị Nga ở khu vực cuối đường Nguyễn Thông, gần ga Sài Gòn. Chị Nga chỉ tập trung bán cơm trắng nên cả ngày bán được 400-500kg, còn chị Chi kết hợp bán tạp hóa với cơm trắng nên quy mô nhỏ hơn.
Chị Nga cho biết: “Hơn 20 năm trước, tôi kinh doanh cửa hàng buôn bán gạo. Việc buôn bán ế ẩm, lại thấy người lao động ở ga tàu hỏa có nhu cầu mua cơm trắng nên tôi nấu cơm bán thử. Mấy năm đầu, công việc kinh doanh khá thuận lợi nhưng dần dà, chi phí bỏ ra cứ tăng lên vù vù nên lợi nhuận giảm nhiều”.
|
Chủ quán chọn gạo ngon một chút để cơm trắng dẻo thơm |
Kinh doanh giảm sút, nhiều cửa hàng bán cơm trắng buộc phải đóng cửa chuyển nghề. Chị Nga cũng thu hẹp quy mô kinh doanh nhưng vẫn không nỡ đóng cửa. Chị bộc bạch: “Gạo tăng giá, tôi vẫn cố nấu gạo có chất lượng khá một chút. Trời nóng, ăn uống đâu có vô, cơm ngon chút, không có đồ ăn, chan nước mắm ăn cũng thấy ngon. Tôi bán cơm trắng khách mua ăn đều khen ngon, thật bụng nếu không ngon sao khách mua tiếp”.
“Mua gạo tốt nhất thì không có lời, bán giá cao không ai mua, mua gạo khá một chút, nấu lên thơm dẻo người ta ăn thấy ngon, ngày mai ghé mua ăn nữa. Đừng nghĩ người nghèo thì không biết gạo ngon gạo dở. Người nghèo mới biết chính xác cơm gạo nào ngon, bởi bữa cơm của họ, cơm trắng là chính, chứ thức ăn làm gì có mỹ vị, đặc sản hảo hạng”, chị Nga vừa xới cơm vừa nói.
|
Có một thời, con phố trên đường Nguyễn Thông thơm mùi cơm trắng |
Chị Chi bán cơm trắng cũng được 10 năm. Nhờ có bán kèm tạp hóa, cửa hàng cơm trắng của chị mới còn trụ đến giờ. “Gạo lên quá trời, bán không có lãi. Một nồi cơm lãi có 26.000 đồng, chưa trừ điện nước. Tăng giá thì không ai mua, bán đắt thì tội”, chị Chi cho biết.
Còn chị Nga đem trừ tiền điện, tiền nước, tiền thuê người làm, mỗi nồi cơm chị lãi chỉ khoảng 5.000 đồng. Công việc buôn bán cũng vất vả từ 4g sáng cho đến tận 9g tối. Trong không gian thơm mùi cơm trắng, chị Nga trầm tư: "Có người chạy xe ôm đến 10g tối về còn gõ cửa hỏi mua cơm, họ nói lỡ đi khách xa về không còn gì ăn. Hễ tôi than bán buôn không có lãi, chắc nghỉ bán thì khách hàng lại nói: "Bà hết bán cơm, tôi lấy gì ăn đây trời"".
|
Hiện tại, khách của phố cơm trắng cũng không còn nhiều |
Cơm trắng bán theo ký, một ký khoảng 2.000-3.000 đồng và khách thường chỉ mua khoảng từ 2.000-5.000 đồng. Với 5.000 đồng cơm trắng, người ta mua thêm 15.000 -20.000 đồng thức ăn ở tiệm cơm thì đã có thể ăn cả ngày.
“Cơm tiệm có giá 25.000 đồng, ăn 2 lần mất hết 50.000 đồng. Mấy người bán vé số, nhặt ve chai… đi rạc cả chân cũng chỉ có được từng đó, nếu tiêu hết vào chuyện ăn uống thì tiền trọ, tiền điện… lấy tiền đâu mà trang trải”, chị Nga nói.
Những khách hàng nghèo
Bác xe ôm truyền thống đá chống chiếc xe dream cũ kỹ, bước vào cửa hàng của chị Nga mua 5.000 đồng cơm trắng. Người làm thuê cho chủ cửa hàng này lấy chiếc vá đảo cơm cho nóng, rồi múc cơm vào bịch bỏ lên chiếc cân. Bịch cơm nóng hổi được bác xe ôm gói ghém và treo lên xe một cách cẩn thận.
Bác xe ôm chia sẻ: “Tính làm cuốc nữa mới về ăn cơm nhưng thấy cơm nóng, thơm quá, tôi đói bụng. Tôi chạy qua mua thức ăn và đem cơm về nhà trọ ăn với bà xã, rồi mới đi làm nữa”.
|
Người đến mua cơm trắng về ăn thường ở trọ, nghèo khổ |
Nhìn theo người khách vừa mua cơm, chị Nga cho biết: “Khách của cửa hàng có 10 người thì hết 9 người nghèo. Người ta ở nhà trọ, chủ không cho nấu nướng, buộc lòng phải mua cơm trắng ăn. Đa số khách ghé mua cơm trắng đều làm nghề nhặt ve chai, thợ hồ, bán vé số, lao động nghèo… Toàn người nghèo, chứ người nào có tiền thì mua gạo ngon, thức ăn ngon về nấu, mua cơm trắng làm chi”.
Khách đã mua cơm trắng ở tiệm của chị Nga thì sẽ trở thành mối quen. Vậy nên, chị Nga nằm lòng hoàn cảnh của từng người. Cụ nào bán vé số, cô nào nhặt ve chai, anh kia làm thợ hồ… mua cơm lúc mấy giờ, mua bao nhiêu, chị Nga đều nhớ và bán đúng ý. “Lâu lâu, mấy cụ già bán vé số than ế quá, xin cơm thì tôi cũng cho, có bao nhiêu đâu mà tiếc. Mà không phải người nào tôi cũng cho, trường hợp đặc biệt mình cho thì mới quý”, chị Nga chia sẻ.
Chị Chi cũng quá quen mặt những vị khách khổ không ai khổ bằng. Mỗi ngày, chị chỉ nấu bán 3-4 nồi cơm trắng nhưng hễ ai xin, chị cũng cho. Chị Chi nói: “Mình còn làm cái này cái kia đắp đổi, chứ mấy cụ già bán vé số chỉ ăn cơm trắng qua ngày. Thế nên, tôi không tiếc mấy ngàn bạc cơm trắng, người ta khó khăn lắm mới xin, ai cũng có lòng tự trọng hết, người nghèo càng dễ tự ái”.
|
5.000-10.000 đồng cơm trắng ăn với nước mắm, nước tương cũng đủ ấm lòng |
Khách đến với phố cơm trắng không chỉ mua hàng mà còn trút bầu tâm sự. “Chủ nhà không cho nấu cơm, ngày nào, tôi cũng ghé đây mua cơm trắng, rồi lại đằng kia mua 15.000 đồng thức ăn. Cơ thể mỏi mệt như vầy, nhiều lúc ăn cơm với đồ ăn nấu sẵn không thấy ngon, nhạt miệng nên có khi chỉ lấy cơm trắng chan nước mắm mà ăn thấy ngon dễ sợ”, một cụ bà đội nón lá đến mua cơm chia sẻ.
Trông theo dáng hình mảnh khảnh của bà cụ đổ bóng xuống mặt đường, chị Nga thở dài: “Đến mua cơm, người nào cũng than thở cuộc sống nghèo khổ, bệnh tật, tôi nghe riết mà rầu rĩ thay họ. Mình làm có tiền, thấy một, hai ngàn đồng không đáng bao nhiêu, còn với họ là cả một tô cơm trắng thơm hương, ấm lòng. Vậy mà, có người cả ngày bán buôn, nhặt nhạnh cũng không dám lấy từng đó tiền mua cơm trắng mà ăn, phải đi xin cơm từ thiện”.
Bài và ảnh: Lâm Ngọc