Người dân thấp thỏm, âu lo
Nằm trong khu phố cổ Hội An, căn nhà số 68 Trần Phú là nơi cư ngụ của cụ bà Ngô Thị Gần (83 tuổi) và 2 người chị ruột. Theo bà Gần, do bị ngâm nước lụt hằng năm nên căn nhà đã rất rệu rã, thỉnh thoảng từng đụn gỗ từ trần nhà bị mối ăn vụn lại rơi xuống. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị quản lý di tích đã dùng gỗ mới gia cố các trụ cũng như đòn tay hư hỏng. Còn trần nhà thì tạm che bạt để bớt dột.
|
Không có điều kiện kinh tế nên gia đình ông Dương Thanh Cường phải chấp nhận sống tạm bợ trong ngôi nhà cổ đã rệu rã |
“Cứ mưa gió to là chị em tôi phải dìu nhau qua hàng xóm ở nhờ, không biết căn nhà có trụ nổi qua mùa bão năm nay không” - bà Gần lo lắng.
Ở số 56/10 Lê Lợi, căn nhà của bà Trần Thị Thanh Tâm cùng 4 người trong gia đình cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Theo bà Tâm, căn nhà gần 200 tuổi, thuộc di tích loại 1, đã xuống cấp nghiêm trọng từ 10 năm trước. Vào mùa mưa bão, nỗi bất an của gia đình càng nhân lên gấp bội.
“Mùa nắng còn chịu nóng được, chứ mùa mưa thì nước lênh láng khắp nhà. Lấy thau hứng chỗ này thì chỗ khác lại dột. Sợ nhất là bão. Cứ hễ nghe đài báo gió to là chồng tôi lại cõng mẹ già 93 tuổi đi sơ tán. Năm nào cũng vậy, khổ trăm bề” - bà Tâm than thở.
Ngôi nhà 23 Tiểu La (phường Minh An) là nơi sinh sống của ông Dương Thanh Cường (69 tuổi) và 5 người trong gia đình. Ông Cường là thế hệ thứ tư đang giữ gìn ngôi nhà cổ thuộc di tích loại 4 này. Trải qua cả thế kỷ hứng chịu thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, căn nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng. 4 bức tường chằng chịt vết nứt, bong tróc vôi vữa; các đòn tay mục nát, yếu ớt.
Ông Cường cho biết, với hiện trạng này, ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng của cả gia đình. Tuy nhiên, do là di tích nên người dân không được tự ý sửa nhà. Chính quyền địa phương từng cho người đến khảo sát và đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ. Tuy nhiên, theo tính toán, việc trùng tu phải tốn ít nhất vài tỉ đồng.
“Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 - 60%, còn lại chủ di tích góp thêm. Nhưng điều kiện gia đình tôi khó khăn, không kham nổi số tiền đối ứng nên đành phải để vậy” - ông Cường nói.
Cứu nguy các di tích
Đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An cho biết: qua khảo sát từ tháng Sáu đến nay, trong hơn 1.000 di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An thì có 36 di tích xuống cấp với 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 17 di tích xuống cấp nặng và 9 di tích xuống cấp nhẹ.
Trung tâm đã đề xuất phương án chống đỡ 25 di tích, đề nghị hạ giải hạng mục của 11 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trung tâm cũng đã có công văn gửi đến UBND các phường trung tâm khu phố cổ (Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong) thông báo đến chủ các di tích chủ động có biện pháp kiểm tra, chống đỡ; tiếp tục rà soát các di tích có nguy cơ sụp đổ để kịp thời có phương án phù hợp.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung Tâm QLBTDSVH Hội An - cho biết: “UBND các xã, phường và mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã hỗ trợ, giúp sức trong công tác khảo sát, nắm bắt tình hình các di tích trước, trong và sau mỗi mùa mưa, bão; từ đó, giúp các cơ quan chuyên môn có giải pháp phù hợp, đảm bảo sự an toàn cho các di tích”.
Theo ông Ngọc, thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ di tích tu bổ theo đúng quy định. Đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ, thuộc sở hữu tập thể, trung tâm đã tham mưu UBND TP Hội An xin chủ trương UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ để kịp thời cứu di tích.
“Trong lúc chờ ý kiến trả lời từ tỉnh, mới đây, trung tâm đã đề nghị UBND TP Hội An cân đối ngân sách để tu bổ, cứu nguy các di tích xuống cấp nghiêm trọng theo thẩm quyền, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt 100% trong thời gian sớm nhất” - ông Ngọc nói. Cũng theo ông, với những nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí trùng tu (40 - 70%), nếu chủ nhà gặp khó khăn không đủ kinh phí đối ứng, Nhà nước sẽ cho vay 3 năm đầu không lãi suất, sau đó chủ nhà từ từ hoàn trả. Cùng với đó, trên 100 di tích nằm ngoài khu phố cổ đang xuống cấp, một số di tích tường rào có nguy cơ sụp đổ, cây xanh xâm thực hệ mái… cũng được đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp xử lý. Hiện một số đội thi công của trung tâm đang hỗ trợ các di tích tư nhân gia cố, chằng chống hệ mái, bờ tường, cột trụ…
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - nói: “Phương án phòng chống bão lũ cho khu phố cổ Hội An luôn được đặt lên hàng đầu, vì các ngôi nhà cổ có niên đại rất lâu, không ít ngôi nhà đang xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo trung tâm QLBTDSVH triển khai chằng chống, gia cố tất cả di tích thuộc sở hữu Nhà nước, tập thể và tư nhân, sẵn sàng phương án ứng phó với mọi tình huống”.
Lê Đình Dũng