Phố cổ Hội An không phải là viện bảo tàng

07/04/2023 - 06:11

PNO - Tận thu bằng cách bán vé là cách nhanh nhất để bóp chết kinh tế du lịch Hội An, ngăn du khách đến với phố cổ di sản.

Phố cổ Hội An là di sản. Người Hội An có quyền tự hào về di sản đó, có trách nhiệm giữ gìn và khai thác để phát triển du lịch văn hóa. Nhưng muốn khai thác, tạo ra nguồn thu, ngành du lịch cần tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, gắn liền với các giá trị di sản. Còn tận thu kiểu “cấm cửa”, bán vé với những ai “không phải là người Hội An” thì không thể, không được phép. 

Tận thu bằng cách bán vé là cách nhanh nhất để bóp chết kinh tế du lịch Hội An, ngăn du khách đến với phố cổ di sản. Việc chính quyền địa phương tự đặt ra quy định đó là vi hiến. Di sản Hội An là di sản chung, không phải của riêng TP Hội An để địa phương tùy nghi khai thác, tùy tiện bán mua. Thử hình dung, mai đây, nhiều nơi khác ở Việt Nam cũng lấy lý do “vùng đất, khu vực di sản có dân sở tại sinh sống” để bán vé thì sẽ như thế nào?

Một góc phố cổ Hội An - Ảnh: Nguyễn Dương
Một góc phố cổ Hội An - Ảnh: Nguyễn Dương

Về mặt kỹ thuật, việc “dùng người Hội An nhận diện người Hội An” hay “phủ kín camera, tăng cường kỹ thuật cao để nhận diện người ngoài địa phương, không phải người Hội An” nhằm buộc mua vé hoặc mời ra ngoài cũng vi phạm quyền công dân, không có cơ sở áp dụng. Cách này vừa tạo ra một Hội An xấu xí, vừa làm khó, làm khổ thêm chính người dân Hội An. Người dân Hội An chắc chắn không hề muốn thế. So với những cái mất, nguồn lợi nhỏ thu được nhờ bán vé cho khách vãng lai đâu đáng kể. 

Phố cổ Hội An là một di sản hiện sinh, không thể xem như một di sản bảo tàng thuần túy để rào lại và bán vé. Du khách đến phố cổ Hội An để được sống, chứng kiến, hòa mình với đời sống hằng ngày của người dân bản địa, trong không gian phố cổ đang được bảo tồn. Họ không đến chỉ để xem vài ngôi nhà cổ, vài kiến trúc cổ, vài phong tục, tập quán hay sinh hoạt, sản xuất được phục dựng. Tách người dân và đời sống hiện hữu của họ ra khỏi không gian đó, hệ sinh thái phố cổ Hội An sẽ biến mất, hồn cốt của phố cổ cũng sẽ không còn. 

Người dân phố cổ được hưởng lợi bởi đang cung cấp cho du khách một sản phẩm du lịch sống, thông qua cung cấp dịch vụ, bán hàng và không hưởng lợi từ nguồn thu nhờ bán vé. Mọi chính sách nhằm bảo tồn, phát huy di sản hiện sinh, trước hết phải tính đến sự hưởng lợi của người dân sở tại. Tách, ngăn cản hay hạn chế du khách đến với phố cổ là cách bóp chết du lịch, làm tổn hại đến đời sống người dân sở tại.

Vào cửa Đại Nội (TP Huế), Quốc Tử Giám (TP Hà Nội) hay đền Hùng (tỉnh Phú Thọ)... phải mua vé là đúng, bởi đó là những di tích, di sản cụ thể, khu vực khép kín, những di sản bảo tàng. Phố cổ Hội An - cũng như phố cổ Hà Nội - là khu vực mở, có cư dân đang sinh sống, có đường giao thông đi qua nên không thể bán vé, thu tiền được. 

TP Hội An đang có ít nhất 6 khu vực bảo tàng có bán vé, xem như một nguồn thu để duy trì công tác duy tu. Đó là Bảo tàng Lịch sử Văn hóa (10B Trần Hưng Đạo), Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (80 Trần Phú), Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh (149 Trần Phú), Bảo tàng Văn hóa dân gian (33 Nguyễn Thái Học), nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh (129 Trần Phú), Phòng truyền thống cách mạng (10B Trần Hưng Đạo), chưa kể các công trình  đầu tư du lịch khác. 

Vậy thì, không nên tận thu thêm vé vào du lịch phố cổ - nơi sinh sống truyền đời của 1.100 hộ dân bản địa. Còn để đối phó với việc các hướng dẫn viên hay công ty du lịch cố tình xé lẻ đoàn để né phí, địa phương phải tìm biện pháp khác.

Muốn thu phí, toàn bộ khu vực phải khép kín, chỉ phục vụ cho việc tham quan, du lịch, không có cư dân. Hay nói cách khác, toàn bộ chỉ là khu bảo tàng, không phải khu dân cư - dân sinh. Điều này không phù hợp với thực tế phố cổ Hội An.

Vì thế, tôi tin chắc rằng, chính quyền địa phương sẽ cân nhắc và điều chỉnh, theo hướng thu hồi hoặc bãi bỏ chính sách này ngay trước khi được chính thức áp dụng. 

Nguyễn Hồng Lam

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI