Cấm hay không dạy thêm, học thêm (DT-HT) là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong số báo trước, báo Phụ Nữ đã đề cập đến vấn đề này thông qua ý kiến của phụ huynh (PH), thầy cơ giáo viên những chuyên gia từng nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục. Để có cái nhìn từ giới lãnh đạo, chúng tôi đã nêu vấn đề với bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bà thu nhận định:
- Thời điểm hiện nay, khó tìm được sự đồng thuận hoàn toàn giữa các PH với nhau, giữa PH với nhà trường và thầy cô giáo về vấn đề DT-HT, vì lợi ích, yêu cầu cần đạt được của mỗi người, mỗi nhóm đối tượng không giống nhau. Trước hết, việc chấm dứt DT-HT cần được hiểu là không được dạy trước chương trình, yêu cầu giáo viên (GV) không được DT với chính học sinh (HS) mình đã dạy trong giờ chính khóa, không được bắt ép HS đi HT, nếu không HT thì kiểm tra, thi cử không đạt yêu cầu và gặp khó khăn trong học tập… Còn việc GV dành thời gian phụ đạo, kèm cặp những HS yếu kém để giúp các em theo kịp chương trình, tăng thời lượng để HS có đủ thời gian thực hành, bài tập ứng dụng thì TP không những không cấm mà còn hết sức hoan nghênh.
Đầu tuần rồi, tôi có nhận được thư của một PH kể, con của PH này cho biết ở lớp HT cô giáo dạy trước nên vào lớp chỉ nói qua loa, nếu không HT thì khó mà hiểu bài, khó theo kịp chương trình, bạn bè. Chủ trương là vậy, nhưng lãnh đạo TP vẫn đang lắng nghe ý kiến của PH, của các chuyên gia, các thầy cô giáo cũng như các ban, ngành liên quan để việc thực hiện đạt kết quả cao nhất.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
* Nhiều lý do đã được đưa ra để bảo vệ cho việc DT-HT như: chương trình quá nặng, nhu cầu của PH, lương GV còn quá thấp… tất cả dường như đều hợp lý, thưa bà?
- Một bộ phận khá lớn PH và cả cán bộ quản lý các trường trung học hiện nay có tâm lý chung là lo lắng, mong muốn các em đậu tốt nghiệp trung học, đậu vào các trường đại học tốp trên sau khi tốt nghiệp; trong khi Bộ GD-ĐT vẫn đang ra đề thi chung để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, nên yêu cầu HS tăng cường học các môn theo khối thi chọn trước, đồng thời các em vẫn phải hoàn tất các môn còn lại theo quy định, dẫn đến việc các em thiếu thời gian vui chơi, hoạt động tập thể và học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống để phát triển toàn diện. Đây mới là điều rất không hợp lý, đáng quan tâm hơn cả.
* Vậy, chủ trương cấm DTHT phải chăng là nhằm góp phần khắc phục điều bà vừa cho là “rất không hợp lý”?
- UBND TP cảm thông, chia sẻ những khó khăn của thầy cô giáo; thấu hiểu những mong muốn chính đáng của PH; nhưng thầy cô giáo, PH cùng chính quyền các cấp và lãnh đạo ngành giáo dục TP cần chung sức để đạt mục tiêu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân của con em chúng ta. Tuy chưa có một cuộc khảo sát quy mô đối với HS từ tiểu học đến trung học phổ thông để xem các em bị căng thẳng vì học hành, thi cử theo cách hiện nay đến mức nào và mong muốn điều gì, nhưng qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TP với HS hàng năm thì các em đang cần được giảm tải nội dung học. Vì thế, tìm cách giảm tải cho các em là hết sức cần thiết, trong đó có việc chấm dứt DT-HT.
* Chúng tôi muốn quay lại thêm một chút với những lý do được cho là nguyên nhân để DT-HT tồn tại như: chương trình quá nặng, thi cử đánh giá chưa hợp lý, nhu cầu của PH, lương GV còn quá thấp…?
- Thực trạng DT-HT như đang diễn ra hiện nay bắt nguồn từ hai phía. PH có nhu cầu cho con HT vì cho rằng việc giảng dạy trong trường chưa đáp ứng yêu cầu, chưa khiến PH yên tâm trong thi cử. GV muốn đáp ứng nhu cầu đó, đồng thời muốn có thêm một phần thu nhập và các trường cũng muốn đưa việc DT-HT vào trường để quản lý… Nhưng, nếu chúng ta cứ vin vào chương trình chưa giảm tải, cách đánh giá học lực, thi cử chưa đổi mới, lương GV chưa đủ sống… thì chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng mà đại đa số chúng ta đều đã thấy là có hại và không hề mong muốn. Chẳng phải là báo chí vẫn thường giới thiệu các tấm gương HS nghèo ở nông thôn, miền núi chuyên cần, hiếu học, không phải HT vẫn đậu vào đại học, cao đẳng và một số em là thủ khoa đó sao?
* Bà có nghĩ, cứ dẹp DT-HT rồi chúng ta sẽ tìm ra hướng đi mới phù hợp hơn?
- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông ở TP.HCM không phải chỉ có việc chấm dứt DT-HT. Vấn đề, như đã nêu ở trên, là cần chấm dứt việc DT-HT tràn lan và chấm dứt các tiêu cực trong DT. Trọng tâm hiện nay là trên cơ sở khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT, UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT tập trung sức, có phương pháp thật phù hợp, huy động thật tốt các nhà sư phạm, nhà giáo, chuyên gia giáo dục có uy tín, có kinh nghiệm, có tư duy giáo dục sáng tạo để xây dựng khung chương trình giáo dục và biên soạn bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó chú trọng dạy và học nhạc, họa, giáo dục thể chất.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường các tiết học ngoài nhà trường, lấy thực tiễn để hiểu sâu căn nguyên lý thuyết, đầu tư các phòng thí nghiệm và giờ thí nghiệm; hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
* Nhưng trước mắt, ngay trong năm học mới này, TP có nỗ lực gì để góp phần giảm tải cho các em?
- UBND TP đã chỉ đạo ngành GD-ĐT TP tiếp tục đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HS, theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của HS. Về tổ chức giảng dạy, TP đang rất nỗ lực để năm học này có ít nhất 80% HS tiểu học, 35% HS trung học cơ sở và 25% HS trung học phổ thông được học và hoạt động hai buổi/ngày trong nhà trường và tiếp tục đầu tư cơ sở trường lớp cùng đội ngũ GV để nâng các tỷ lệ trên lên vào những năm học tiếp theo.
Tôi nghĩ, đó là những cơ sở rất quan trọng, có tính quyết định để chấm dứt DT-HT. UBND TP rất mong thầy cô giáo và PH TP hết sức ủng hộ chủ trương, cùng chăm lo việc học hành của con em chúng ta đạt được mong muốn là con người phát triển toàn diện.
* Xin cảm ơn bà.
Minh Nhật (thực hiện)