Không phải ngẫu nhiên mà tờ báo Phụ Nữ Sài Gòn, tiền thân của báo Phụ Nữ TP.HCM lại chào đời đúng ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Trên trang nhất của số báo đầu tiên ra ngày 19/5/1975, Lời ra mắt có viết “Đáng lẽ ra cần phải có thời gian để chuẩn bị cho tờ báo trước khi ra mắt bạn đọc, nhưng tình hình chung đòi hỏi, chị em yêu cầu và nhất là cho kịp ngày sinh của Hồ Chủ tịch để tỏ lòng biết ơn của chị em phụ nữ đối với Người, Phụ Nữ Sài Gòn cần ra mắt kịp ngày”.
|
Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam - bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. |
Tình cảm và lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, dường như là điểm khởi nguồn của mọi nỗ lực để chỉ sau 19 ngày TP Sài Gòn được giải phóng, tờ báo đầu tiên của giới, của tiếng nói phụ nữ Sài Gòn đã ra đời.
42 năm qua, phẩm chất yêu thương và đạo lý uống nước nhớ nguồn ấy luôn là lẽ sống của tờ báo này. Như một trong những vị thủ lĩnh, chủ tịch Hội LHPN TP, lãnh đạo chủ quản của tờ báo, giai đoạn (2001-2006), hiện là Phó chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dặn dò các thế hệ làm báo Phụ Nữ cách đây gần 20 năm: “Nhớ ơn các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì mảnh đất này, đã vun trồng nên ngôi nhà Hội và tờ báo giới này; để mỗi ngày, sự trả ơn được đền đáp bằng một thái độ sống và cống hiến đầy nhiệt thành, tri thức và tận tụy. Tôi mong các bạn, bằng ngòi bút của mình, trao gửi đến bạn đọc của mình những giá trị của yêu thương, cái lõi của sự sống gia đình và sức sống xã hội”.
|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao xe đạp cho trẻ em Vĩnh Long. |
Giữa những ngày tháng Năm ý nghĩa, ngay trước thềm bước sang cái tuổi 43 đằm thắm, bản lĩnh của một Người-Phụ -Nữ Sài Gòn - TP.HCM, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng vị Chủ tịch Hội năm xưa. Men theo những câu chuyện của nghề báo, những gắn bó một thời với ngôi nhà Hội Phụ nữ, luôn là tình cảm tươi đẹp, là sức phấn đấu không mệt mỏi, là nỗi trĩu nặng về những phận đời “lặn lội thân cò”, mong làm sao các chị các em mỗi ngày sẽ khấm khá, sung túc và hạnh phúc hơn, bà vẫn thế, nặng tình và tận tình với những con người mang tên: phụ nữ.
* Xin phép được khơi lại một hình ảnh đẹp, dù chỉ thoáng qua, khi tôi lần đầu tiên bước vào ngôi nhà 32 Trần Quốc Thảo (trụ sở Hội LHPN TP.HCM), với tư cách phóng viên của báo Phụ Nữ, bà lúc ấy, là Chủ tịch Hội, đã ân cần chào và hỏi thăm rất chân tình, gần gũi. Đó cũng là dịp sinh nhật Bác Tôn, PV trẻ chúng tôi ngày ấy đang hăng say thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, tôi nhìn về phía cuối hàng ghế, bà đứng đó, chăm chú, theo dõi và dịu dàng động viên bằng những cái gật đầu nhè nhẹ. Với tôi, đó là một khoảnh khắc ấm áp về Hội.
- Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh: Cám ơn bạn đã nhớ và gợi về một giai đoạn đẹp trong cuộc đời tôi, và cũng trong một hoạt động hết sức có ý nghĩa của Hội LHPN TP.HCM thời điểm đó, thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bao giờ cũng thế, Hội luôn gắn các hoạt động tuyên truyền với vận động phong trào, truyền thống nhớ ơn với hoạt động thực tiễn, để cuối cùng là sự tập hợp được tiếng nói của chị em, lan tỏa những mô hình, những chương trình có ý nghĩa xã hội bền vững, thiết thực. Và tờ báo Hội, luôn giữ vững tinh thần “ngôn luận” của Hội, các bạn đã đưa tiếng nói của chị em hội viên lan tỏa ra xã hội; ngược lại, phản ánh, phản biện xã hội từ góc nhìn của giới hết sức nhạy bén, sâu sắc, bản lĩnh, tôi hết sức trân trọng và đánh giá cao về điều đó.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 42 của báo, tôi chúc tập thể Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo luôn phát huy truyền thống của các thế hệ làm báo Phụ Nữ, bút sắc - lòng son, lớn mạnh, phát triển, hiện đại cùng thời đại mà vẫn giữ bản sắc dịu dàng, tinh tế của một tờ báo có nhan sắc, của phụ nữ TP mang tên Bác.
* Xin thay mặt tập thể báo, chân thành nhận lời chúc của Phó chủ tịch nước; cũng là một lời cam kết, chúng tôi sẽ làm báo - viết báo bằng phương châm mà chúng tôi đã và đang kế thừa, phát triển, đó là giữ vững tinh thần cách mạng, tính liêm chính và phẩm chất yêu thương - của những người phụ nữ - vì phụ nữ, vì những trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Như trong một phát biểu của bà tại Hội nghị phụ nữ toàn cầu tổ chức vào ngày 11/6/2016 tại Vacsava, Ba Lan: tôi mong muốn các quốc gia sẽ nỗ lực hơn nữa để phụ nữ và trẻ em gái được sống trong hòa bình, thịnh vượng; và bản thân phụ nữ trên toàn cầu hãy đoàn kết vì hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển.
- Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh: Để phụ nữ và trẻ em gái được sống trong hòa bình, thịnh vượng - thật sự đó là một sứ mệnh, một thông điệp cao cả mà không phải dễ dàng đạt được, giữ vững và duy trì ổn định. Bạn thấy đấy, vẫn còn quá nhiều nạn phân biệt giới, xâm hại và buôn bán phụ nữ, trẻ em, vẫn còn những con số cao ngất ngưởng về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh con; nó ngược với tỷ lệ về cơ hội được học tập, giáo dục, việc làm, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cộng đồng… Điều đó cho thấy, cái đích của sự nghiệp bình đẳng giới vẫn còn dằng dặc, không chỉ trong tốc độ phát triển xã hội mà vẫn dai dẳng đâu đó trong những lề thói, định kiến rất khó cởi bỏ.
Nếu chúng ta không đấu tranh, không tìm cách để tạo những giá trị cân bằng và công bằng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế cũng như tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, các chính sách an sinh nền tảng, căn bản thì vẫn khó để hoàn tất cái sự nghiệp bình đẳng của chính giới phụ nữ, đạt được cái vị thế nhân quyền - quyền của phụ nữ mà sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm về vấn đề này.
* Vâng, đúng như vậy thưa bà, chính Người cũng đã căn dặn, “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Bà vừa đề cập đến quyền của phụ nữ với một nỗi đau đáu tâm can. Tôi đã thấy, qua các cuộc đi thăm và làm việc liên tục của bà trong thời gian qua, là về với bà con nghèo, phụ nữ và trẻ em nghèo ở nhiều vùng quê khắp cả nước, ở những nơi đấy, ngoài những vật phẩm trao tặng, những chương trình bảo trợ lâu dài, căn bản về dinh dưỡng, về cơ sở trang thiết bị học tập, về các cơ hội giúp trẻ đến trường, phụ nữ có vốn… thì liệu, có làm ngắn lại, thậm chí tắt hẳn những tiếng thở dài vì lỗi “sinh con một bề” hay cái cúi đầu chịu đựng trong cái thân phận đàn bà…
- Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh: Chính những cuộc đi như thế, với sự vận động, góp sức, chung tay của cả hệ thống chính trị và kết đoàn xã hội, chúng ta mới đủ sức để từng bước làm ngắn lại cái hành trình phân hóa giàu nghèo, mà thường thì phụ nữ và trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa bao giờ cũng chịu lắm thiệt thòi; cũng như sẽ tạo lực cản với sự xâm lấn của các hủ tục, định kiến lạc hậu, khắc nghiệt. Tất nhiên, sẽ không chỉ là hoạt động chăm lo, bảo trợ mà còn nhiều sự liên kết, phối hợp để tạo nên một sức mạnh tổng thể của những điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội - như một dịch vụ hạ tầng nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi thượng tầng mà quyền con người - quyền của phụ nữ - trẻ em, tất yếu phải được thụ hưởng, được bảo vệ.
***
Trong cái thanh âm nhẹ nhàng, thuần hậu ấy, tôi lại nghe, lại thấy sức sống tràn trề của một cuộc dấn thân, sức quyết liệt đi tới, tận cùng cuộc đấu tranh cho phụ nữ, vì phụ nữ. Cũng không hẳn chỉ vì một quãng đời bà đã thuộc về Hội, về cái tổ chức của giới; mà có lẽ, là những tháng ngày đầu đời rời quê nhà Duy Xuyên theo hành trình của nghề dệt truyền thống xứ Quảng vào tận ngã tư Bảy Hiền, từ đây, cái tuổi thơ lớn lên giữa vùng lõm chính trị của miền Nam, lại dắt dìu cô bé tuổi 13 ấy vào con đường cách mạng. Trở thành một thành viên nhỏ tuổi hoạt động bí mật trong Ban Binh vận Sài Gòn - Gia Định, trưởng thành từ chính chiếc nôi cách mạng này. Và từ đấy, kinh qua nhiều công tác, chức vụ cũng là gắn bấy nhiêu với trách nhiệm vì dân vì nước, có lẽ, cuộc đời và những nỗ lực không mệt mỏi ấy là nghiệm sinh sống động nhất cho hai tiếng “nữ quyền” mà tôi ngắm nhìn qua chân dung một nữ Phó chủ tịch nước.
Bà vẫn nhẹ nhàng và ân cần - với tôi, với mọi người đến và đi, như cái khoảnh khắc tôi bắt gặp từ 20 năm trước. Để thấy rằng, là một nữ chính khách, ở bà, vẫn luôn ấm áp cái nhìn đầy yêu thương, nhân ái và... dấn thân, cho những điều bà thương yêu, trăn trở.
Ái Mỹ (thực hiện)