AI là môn học chính khóa
Ở TPHCM, nhiều trường đã dạy về AI. Trường liên cấp song ngữ ICS (TP Thủ Đức) đưa môn học con người và AI (Humans & AI) vào dạy chính khóa cho học sinh từ lớp Một tới lớp Chín, mỗi tiết 1 tuần. Môn này trang bị AI cho học sinh như một công cụ hỗ trợ việc học, với khung chương trình gồm AI và con người (những ảnh hưởng, tác động của AI tới con người); năng lực sử dụng AI; những ứng dụng cụ thể của AI; tư duy kiến tạo và tính sáng tạo khi sử dụng AI.
 |
Thanh niên khuyết tật ở Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (quận Bình Thạnh) được cán bộ đoàn và cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TPHCM tập huấn kỹ năng về internet, AI - Ảnh do Công an TPHCM cung cấp |
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cũng dạy môn AI cho học sinh lớp Mười và Mười một và đã có 80% học sinh ứng dụng AI vào việc học, trong đó có trên 50% cùng lúc ứng dụng nhiều “con” AI khác nhau. Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) cũng có các hoạt động giúp giáo viên và học sinh khám phá về công nghệ, AI.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Trường đại học FPT, Giám đốc hệ thống phổ thông FPT - cho biết, hệ thống trường phổ thông của FPT đã đưa AI vào giảng dạy cho học sinh 8/12 khối. Riêng năm học 2024-2025, hệ thống này có 12.000 học sinh được học AI, 100% học sinh được tiếp cận AI từ lớp Một. Nhà trường cũng triển khai khung năng lực AI của UNESCO cho học sinh các trường phổ thông. Riêng Trường đại học FPT có 138 môn học có liên quan tới AI, chiếm 29% tổng số môn học, 18.928 sinh viên đã học AI, chiếm 35% tổng số sinh viên toàn trường.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, AI không còn là một khái niệm trừu tượng mà đang thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống. Do vậy, sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để cập nhật AI cho học sinh và giáo viên. Từ năm 2022, cứ 6 tháng 1 lần, sở tổ chức chương trình cập nhật những ứng dụng AI mới trong giáo dục cho toàn bộ giáo viên và học sinh của thành phố.
 |
Buổi bồi dưỡng kiến thức về AI ngày 22/3 trong chương trình thử nghiệm bồi dưỡng nguồn nhân lực AI năm 2025 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp Sở Nội vụ TPHCM triển khai - Ảnh: Nguyễn Loan |
Ông cho biết thêm, trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Google và chính quyền TPHCM, Trường đại học Sài Gòn và Google đã xây dựng xong chương trình khung năng lực, riêng năm 2024 đã đào tạo cho hơn 10.000 giáo viên ở TPHCM về cách dạy và học với AI, đào tạo cho toàn bộ học sinh khối Mười, Mười một của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong về cách sử dụng AI. Một số học sinh của trường đã ứng dụng AI để tạo ra sản phẩm phân loại rác hữu cơ, vô cơ. Hầu hết phòng GD-ĐT đã tổ chức tập huấn năng lực AI cho giáo viên, hướng dẫn triển khai nhiều hoạt động ứng dụng AI cho học sinh.
Phổ cập AI cho mọi người
Thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức đã tổ chức những chương trình tập huấn miễn phí về sử dụng công cụ AI. Từ năm 2023, nhận thấy nhiều người còn thờ ơ với AI, ông Đặng Tú - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Đào tạo ABM (AI Business Master) - đã sáng lập dự án “Vì một Việt Nam phổ cập AI”. Dự án gồm các buổi dạy và học trực tuyến, các chương trình trò chuyện, hướng dẫn trực tiếp, các không gian làm việc chung để mọi người cùng khám phá AI. Tất cả hoạt động này đều miễn phí.
Đến nay, dự án đã phổ cập AI cho trên 34.000 người, trong đó có những học viên 50, 60 tuổi, không thường xuyên sử dụng máy tính hay tiếp xúc với công nghệ nhưng sau khóa học, họ đã vận dụng hiệu quả AI vào công việc và cuộc sống. Anh Phạm Tuấn Phi - nhân viên công ty thiết bị điện tử - cho hay, trước đây, anh nghĩ muốn học về AI, phải thông thạo vi tính. Khi thấy bạn bè không giỏi vi tính mà vẫn ứng dụng thành thạo AI, anh đã tham gia khóa học phổ cập AI. Chị Nguyễn Thị Hoa - quản lý một chuỗi cửa hàng tiện lợi ở TPHCM - cho biết, nhờ một người bạn giới thiệu, chị biết đến khóa học phổ cập AI. Chỉ sau 2 buổi học, chị đã sử dụng AI để tạo được sách điện tử (ebook), tạo chatbot, đồ họa thông tin.
 |
Một giờ học giáo dục kỹ năng công dân số của Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TPHCM) - Ảnh: Nguyễn Loan |
Tháng 11 và 12/2024, thông qua quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Úc, Chính phủ Úc đã tài trợ kinh phí cho dự án “Ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo trong dạy và học” do nhóm giảng viên của Trường đại học RMIT Việt Nam đề xuất và thực hiện. Dự án đã tập huấn cho 1.400 giáo viên trên cả nước về cách ứng dụng AI trong dạy học. Trước đó, năm 2023, chuyên gia công nghệ Lê Công Thành - Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe - đã lập dự án “Bình dân học AI” nhằm giúp mọi người biết cách dùng AI làm công cụ hỗ trợ hiệu quả cho công việc hằng ngày.
Theo ông Lê Công Thành, hình mẫu của “Bình dân học AI” là phong trào “Bình dân học vụ” từng giúp xóa nạn mù chữ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. “Bình dân học AI” hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội, từ nông dân đến nhân viên văn phòng. Nông dân có thể dùng AI để dự báo mùa vụ, phân tích các vấn đề của cây trồng như sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng hay độ ẩm của đất. Trên mạng xã hội Facebook, nhóm “Bình dân học AI” có trên 401.000 thành viên. Ngoài phổ cập kiến thức về AI, cách sử dụng AI trên mạng, nhóm còn phối hợp với các hiệp hội, chính quyền các tỉnh để mở các lớp dạy AI trực tiếp.
Triển khai “Bình dân học vụ số” trên toàn quốc
Chiều 26/3, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Phó trưởng ban chỉ đạo trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Trưởng ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06 - đã chủ trì lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”.
 |
Đội “Bình dân học vụ số” của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TPHCM đã phối hợp Đoàn Thanh niên phường 19, quận Bình Thạnh hướng dẫn kỹ năng sử dụng internet và phòng ngừa lừa đảo qua mạng cho thanh niên khuyết tật ở Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (quận Bình Thạnh) - Ảnh do Công an TPHCM cung cấp |
Thủ tướng nêu rõ, nếu xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lựa chọn khách quan, chiến lược, ưu tiên hàng đầu thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số, công dân số toàn diện, toàn trình, do đó không thể không có phong trào “Bình dân học vụ số”.
Tháng 2/2025, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới và hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số. Phong trào được triển khai trong giai đoạn 2025-2027 trên phạm vi toàn quốc, gồm các nội dung: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các cấp hội liên hiệp thanh niên, hội viên và thanh niên về “Bình dân học vụ số”; thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp “Bình dân học vụ số”.
Trung ương Đoàn yêu cầu mỗi cơ sở hội thành lập ít nhất 1 đội, mỗi đội có cán bộ hội, hội viên, thanh niên có kiến thức tốt về công nghệ làm lực lượng nòng cốt. Các đội sẽ tuyên truyền, hỗ trợ, phổ cập tới người dân và thanh thiếu nhi các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; tổ chức các khóa học trực tiếp và trực tuyến về kỹ năng số thiết yếu; hướng dẫn, phổ cập cho người dân sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số.
Bồi dưỡng kiến thức AI cho cán bộ, công chức Ngày 22/3, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp Sở Nội vụ TPHCM triển khai chương trình thử nghiệm bồi dưỡng nguồn nhân lực AI năm 2025. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - cho biết, chương trình tập trung vào định hướng tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Đối tượng học AI là công chức khối quận, huyện, phường, xã, công chức khối sở, ban, ngành, công chức là lãnh đạo các cấp của thành phố. Lớp bồi dưỡng không chỉ phổ cập các công cụ AI hiện đại mà còn khuyến khích áp dụng AI vào công việc hằng ngày để rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, cải thiện quy trình làm việc và phục vụ người dân tốt hơn. Đây là bước đi chiến lược góp phần hiện đại hóa nền hành chính công và xây dựng đô thị thông minh. |
Uông Ngọc - Nguyễn Loan